Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 11 tháng 10 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HỆ THỐNG CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Ngày 06 tháng 5 năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về tăng cường quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau 8 năm thực hiện Chỉ thị, công tác quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đã cơ bản đi vào nề nếp, đáp ứng tốt các yêu cầu dịch vụ thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân, đồng thời góp phần quan trọng đối với việc chỉnh trang và mở rộng không gian đô thị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chắp vá, tự phát còn diễn ra; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ; một số chủ đầu tư, các đơn vị quản lý, vận hành chưa tuân thủ quy định; việc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, nhất là hệ thống hào, cống bể kỹ thuật, vì vậy chưa hoàn thiện hạ ngầm các đường dây trên không một cách đồng bộ, làm ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị.

Để khắc phục những tồn tại trên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư xây dựng công trình và các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc những nội dung sau đây:

1. Về công tác đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị:

a) Khi lập hồ sơ đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng, cơ quan được giao đề xuất chủ trương đầu tư dự án có trách nhiệm đề xuất cụ thể phương án quản lý hoặc bàn giao cho địa phương các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng.

b) Các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phải được đầu tư tập trung, đồng bộ.

c) Khi đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng các tuyến đường giao thông trong đô thị theo quy hoạch, chủ đầu tư phải tổ chức thiết kế đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường; phải thiết kế hào hoặc cống, bể kỹ thuật để lắp đặt đường dây, đường ống ngầm theo đúng quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng. Việc xây dựng hào hoặc cống, bể kỹ thuật phải thực hiện đồng thời với xây dựng đường đô thị thuộc dự án; chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước có hạng mục hào hoặc cống, bể kỹ thuật phải xây dựng phương án, lộ trình hạ ngầm các đường dây, đường ống đi nổi hiện hữu, xác định sơ bộ giá cho thuê làm cơ sở để các đơn vị thỏa thuận và thực hiện hạ ngầm.

d) Khi thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình, cơ quan đầu mối thẩm định phải lấy ý kiến về dự án đầu tư của các cơ quan chuyên môn xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật.

đ) Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến các hạ tầng kỹ thuật hiện hữu, Chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành phối hợp thực hiện việc kiểm kê bồi thường thanh lý tài sản liên quan theo quy định hoặc có phương án di dời đảm bảo các công trình hạ tầng kỹ thuật ổn định để phục vụ người dân liên tục.

e) Chủ đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của đơn vị quản lý hệ thống cấp điện, thông tin, viễn thông về quy mô, giải pháp kỹ thuật, kế hoạch triển khai, cam kết sử dụng hệ thống của các đơn vị này; phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật có trong dự án đầu tư để các đơn vị này có trách nhiệm cử người tham gia giám sát thi công thường xuyên, liên tục cùng với chủ đầu tư từ khi khởi công đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng.

f) Các đơn vị quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư có trách nhiệm cử người có đủ chuyên môn, nghiệp vụ tham gia cùng với chủ đầu tư trong việc tổ chức lập dự án, thiết kế, giám sát thi công, quản lý, nghiệm thu và tiếp nhận đưa công trình vào khai thác sử dụng; đơn vị quản lý hệ thống cấp điện, thông tin, viễn thông phải có văn bản cam kết sử dụng hào hoặc cống, bể kỹ thuật đã được đầu tư.

g) Khi hoàn thành công trình và được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định, chủ đầu tư tự thực hiện quản lý theo văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư hoặc bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án đã được phê duyệt cho các cơ quan để quản lý, vận hành, cụ thể:

- Đường giao thông đô thị: Bàn giao cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nơi xây dựng công trình hoặc Sở Giao thông vận tải theo phân cấp quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Công trình, hào hoặc cống bể kỹ thuật, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè: Bàn giao cho Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nơi xây dựng công trình;

- Hệ thống cấp nước: Bàn giao cho đơn vị cấp nước theo phân vùng cấp nước;

- Hệ thống thoát nước: Bàn giao cho Sở Xây dựng;

- Hệ thống cấp điện: Bàn giao cho Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu.

h) Kết thúc dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư tổ chức bàn giao hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình theo quy định tại khoản 3, Điều 27, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng để lưu trữ, theo dõi, quản lý và sử dụng hồ sơ phục vụ cho công tác quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị sau này.

2. Về công tác chỉnh trang, phát triển hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị cũ, đô thị cải tạo:

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức ngầm hóa hệ thống cáp thông tin, cáp điện lực trên các tuyến đường đã được đầu tư xây dựng hệ thống hào hoặc cống bể kỹ thuật;

- Căn cứ hiện trạng thực tế các tuyến đường trong các đô thị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng kế hoạch cụ thể để từng bước ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống cáp thông tin, cáp điện lực. Trong đó, giải pháp xây dựng phải đồng bộ, phân kỳ đầu tư cụ thể để đảm bảo tính khả thi; xây dựng phương án giá cho công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đầu tư từ nguồn ngân sách thuộc phạm vi quản lý tại địa phương;

- Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, các đơn vị viễn thông, thông tin phải xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn để thực hiện ngầm hóa hệ thống cáp điện, cáp viễn thông, thông tin trong đô thị trên địa bàn tỉnh;

- Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khi cấp Giấy phép đào đường, đào vỉa hè để cải tạo, sửa chữa công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm phải thẩm định, kiểm tra, giám sát từ khi thiết kế đến thi công, nghiệm thu đảm bảo việc hoàn trả đúng theo hiện trạng ban đầu, yêu cầu đơn vị thi công có bảng tiến độ thi công và cam kết thực hiện đúng tiến độ để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các hộ dân hai bên đường cũng như các phương tiện lưu thông trên tuyến đường;

- Khi thực hiện việc cải tạo, sửa chữa các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo hài hòa, không ảnh hưởng đến các công trình hai bên tuyến và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, phải có ý kiến thống nhất của các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Tổ chức thực hiện:

a) Sở Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng thiết kế chung hệ thống hào hoặc cống, bể kỹ thuật để lắp đặt đường dây, đường ống ngầm theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn;

- Thực hiện quản lý nhà nước đối với hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh; thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật;

- Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng về hiện trạng và tình hình phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh hàng năm và khi được yêu cầu.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt báo cáo chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư theo quy định hiện hành và yêu cầu của Chỉ thị này; rà soát, phân bổ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để đảm bảo dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiệu quả cao;

- Giám sát tiến độ đầu tư xây dựng các dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư.

c) Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở ngành, đơn vị liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sử dụng chung trên địa bàn tỉnh.

d) Sở Giao thông vận tải:

Thực hiện quản lý nhà nước về quản lý, khai thác, duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát việc đào đường, vỉa hè công trình giao thông.

đ) Sở Công Thương:

- Thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình cấp điện chuyên ngành; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy hoạch và các quy định về quản lý hệ thống cáp điện lực;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc yêu cầu Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện ngầm hóa theo kế hoạch được phê duyệt, bó gọn cáp điện lực hiện hữu;

- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Xây dựng để tổng hợp) về hiện trạng và tình hình phát triển hệ thống cấp điện trên địa bàn tỉnh hàng năm và khi được yêu cầu.

e) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Thực hiện quản lý nhà nước về hạ tầng thông tin truyền thông; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy hoạch và các quy định về quản lý các công trình thông tin truyền thông (cáp thông tin, viễn thông, trạm phát sóng BTS);

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông các quy định của pháp luật về quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chấp hành quy định của các doanh nghiệp trên địa bàn;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc yêu cầu các đơn vị quản lý hệ thống cáp thông tin, viễn thông thực hiện ngầm hóa theo kế hoạch được phê duyệt, bó gọn cáp thông tin, viễn thông hiện hữu; kiểm tra xử lý vi phạm đối với các đơn vị trong việc ngầm hóa theo quy định của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Xây dựng để tổng hợp) về hiện trạng và tình hình phát triển hệ thống cáp thông tin, viễn thông trên địa bàn tỉnh hàng năm và khi được yêu cầu.

f) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy hoạch và các quy định về đầu tư xây dựng, đấu nối, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn; ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng xâm hại công trình hạ tầng kỹ thuật;

- Xây dựng kế hoạch cụ thể để từng bước ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống cáp thông tin, cáp điện lực; phối hợp với Sở Tài chính, và các sở, ngành liên quan xây dựng phương án giá cho công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đầu tư từ nguồn ngân sách thuộc phạm vi quản lý tại địa phương;

- Báo cáo về hiện trạng và tình hình quản lý, phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc địa bàn hàng năm và khi được yêu cầu gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.

g) Các đơn vị quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật:

- Ngay sau khi tiếp nhận bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật từ các chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành công trình phải tổ chức quản lý, vận hành công trình theo đúng các quy định hiện hành; thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì công trình để đảm bảo công trình làm việc an toàn và hiệu quả trong suốt thời gian khai thác, sử dụng;

- Tổ chức lập kế hoạch bảo trì công trình hạ tầng kỹ thuật hàng năm trên cơ sở quy trình bảo trì được phê duyệt và hiện trạng công trình;

- Xây dựng, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu về công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được giao quản lý, vận hành. Báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị hàng năm gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nơi có công trình để tổng hợp báo cáo Sở Xây dựng.

4. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 14/CT-UBND Ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị quản lý và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo, điều hành./.

 


Nơi nhận:
- TTr.Tỉnh ủy, TTr.HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh;
- Các sở: XD,KHĐT, CTg, GTVT, TC, TTTT;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công ty Điện lực BR-VT, Công ty CP Cấp nước BR-VT, Công ty TNHH Cấp nước Tóc Tiên, Công ty CP Cấp nước Phú Mỹ; Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trung tâm Nước sạch và VSMT NT;
- Lưu: VT, TH2,TH5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2021 về tăng cường quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Số hiệu: 12/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Nguyễn Văn Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản