Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Hải Dương, ngày 11 tháng 7 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Thực hiện Công điện số 905/CĐ-TTg ngày 01/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Để chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân và nguy cơ dẫn đến cháy rừng và giảm thiểu số vụ cháy, thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND: thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn:

- Tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13- CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Công điện số 905/CĐ-TTg, ngày 01/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 3249/CĐ-BNN-TCLN ngày 01/6/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Thông tư số 25/2019/TT- BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác quản lý Nhà nước về Lâm nghiệp.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở cơ sở và nhân dân trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

- Rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững; phân công rõ nhiệm vụ cho các đơn vị, thành viên Ban chỉ đạo để nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành; xây dựng kinh phí cho công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng của địa phương; xây dựng phương án, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để chủ động xử lý các tình huống cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”, đáp ứng được điều kiện vừa phòng chống dịch Covid-19 và phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Chỉ đạo các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, chính quyền cơ sở và chủ rừng căn cứ diễn biến tình hình thời tiết trên địa bàn phải đảm bảo lực lượng ứng trực, tuần tra, canh gác tại những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa đốt dọn nương rẫy, vườn rừng, xử lý thực bì... tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện đám cháy, huy động lực lượng, thiết bị chữa cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

- Kịp thời đánh giá, thống kê mức độ thiệt hại của các vụ cháy rừng, đồng thời có giải pháp khôi phục lại diện tích rừng bị cháy; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn để phát hiện sớm điểm cháy rừng, cung cấp thông tin kịp thời cho chính quyền cơ sở và chủ rừng; kiểm tra các công trình phòng cháy, phương tiện, máy móc thiết bị chữa cháy rừng đảm bảo sử dụng hiệu quả khi có cháy rừng xảy ra; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân; kịp thời đánh giá, thống kê mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra đồng thời đề xuất giải pháp khôi phục lại diện tích rừng bị cháy, điều tra nguyên nhân và thủ phạm gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; cử lãnh đạo và cơ quan chuyên môn thuộc Sở phối hợp, hỗ trợ các địa phương ứng trực và chỉ huy chữa cháy rừng trong thời điểm hanh khô, nắng nóng kéo dài. Theo dõi, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2021 và các năm tiếp theo, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy rừng gây ra.

3. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự thành phố Chí Linh, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Kinh Môn tham mưu tổ chức hiệp đồng lực lượng, phương tiện với các đơn vị quân sự đóng quân trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.

4. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các địa phương có rừng thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng; đảm bảo lực lượng, phương tiện, thiết bị sẵn sàng phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, chữa cháy rừng và đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của nhân dân, Nhà nước tại nơi xảy ra cháy rừng . Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại rừng, cháy rừng.

5. Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan kiểm tra hệ thống hành lang lưới điện, các công trình thuộc các Nhà máy nhiệt điện nằm trong diện tích các khu rừng và có phương án, giải pháp xử lý đảm bảo an toàn,không để xảy ra sự cố về hệ thống truyền tải ảnh hưởng đến việc cung cấp điện phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

6. Đài khí tượng thủy văn tỉnh kịp thời cung cấp thông tin về thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến người dân và các cơ quan liên quan phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng.

7. Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương và các cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các phóng sự, tin bài về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, các bản tin cảnh báo và dự báo nguy cơ cháy rừng để phát trên sóng truyền hình Hải Dương, Báo Hải Dương và các trang thông tin của tỉnh trong suốt thời kỳ cao điểm nắng nóng, hanh khô kéo dài.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND: thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ trướng Chính phủ; (Để báo cáo)
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (Để báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (Để báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (Để báo cáo)
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, đơn vị có liên quan;
- UBND: thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn;
- Lưu: VT, KTN, Ô Chính.

CHỦ TỊCH




Triệu Thế Hùng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2021 về tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Hải Dương

  • Số hiệu: 12/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/07/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Triệu Thế Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản