Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Bình Dương, ngày 01 tháng 6 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HẠ TẦNG CÁP VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp viễn thông tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông nói chung cũng như hạ tầng mạng cáp viễn thông treo nói riêng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hạ tầng cáp viễn thông của các doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm các quy định của nhà nước, dẫn đến hạ tầng mạng cáp treo chằng chịt gây mất an toàn, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Để tăng cường công tác quản lý hệ thống cáp viễn thông theo đúng các quy định, đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành., Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông cùng các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:

1. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo hướng dẫn tại Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT ngày 21/6/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương, gắn với quy hoạch phát triển chung của các ngành liên quan (giao thông, xây dựng, điện lực, cấp thoát nước,...) trình UBND tỉnh phê duyệt đúng thời gian quy định, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết, đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh.

b) Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng và sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (bao gồm nhà, trạm viễn thông, cột ăng ten, cột treo cáp,...).

c) Triển khai kế hoạch chỉnh trang, bó gọn hệ thống cáp viễn thông treo trên địa bàn tỉnh đấ được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý hạ tầng cáp viễn thông; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông khi xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông, đặc biệt là mạng cáp viễn thông không thực hiện đúng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, gây mất an toàn và mỹ quan đô thị theo các quy định hiện hành và tổng hợp kết quả kiểm tra, xử lý để báo cáo UBND tỉnh.

đ) Tổ chức triển khai, đôn đốc, thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp kết quả thực hiện để báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Đối với các đơn vị, địa phương: Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Cồng thương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; chủ trì đưa Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vào các quy hoạch xây dựng chi tiết 1/2000, 1/500 của từng ngành, từng địa phương.

b) Khi lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển khu đô thị, khu dân cư, kế hoạch giải tỏa, di dời, sửa chữa, xây dựng mới các tuyến đường,... phải đảm bảo tính đồng bộ giữa các công trình của các ngành, lĩnh vực, địa phương để tránh lãng phí trong đầu tư; thông báo và có các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng và phát triển hạ tầng mạng viễn thông.

c) Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông trên các tuyến đường theo quy định.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: phải quản lý chặt chẽ việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông treo trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý hành chính và đình chỉ các công trình không đảm bảo các quy định về xây dựng và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo Đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, lợi ích kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông.

3. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh:

a) Chủ động phối hợp cùng với các đơn vị quản lý các tuyến cáp viễn thông để sắp xếp, chỉnh trang các tuyến cáp phục vụ an ninh, quốc phòng của đơn vị theo các quy định, quy chuẩn quốc gia.

b) Phối hợp với doanh nghiệp viễn thông và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ, bảo đảm an toàn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật cáp viễn thông.

4. Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương:

Chủ động, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị có liên quan xây dựng nội dung, ý nghĩa, mục đích kinh tế, chính trị, an ninh đối với việc quản lý hạ tầng cáp viễn thông để đưa tin, tuyên truyền hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và toàn thể xã hội.

5. Các doanh nghiệp viễn thông:

a) Chủ động nắm bắt các quy hoạch, kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp, tuyến đường giao thông, khu đô thị, khu dân cư... Trên cơ sở đó, tiến hành đồng bộ, hợp lý kế hoạch xây dựng, lắp đặt, di dời các công trình cáp viễn thông của doanh nghiệp mình gắn với việc triển khai quy hoạch, kế hoạch xây dựng các công trình khác của địa phương.

b) Tăng cường phối hợp, hợp tác trong việc sử dụng chung các cơ sở hạ tầng cáp viễn thông treo, khi sử dụng chung cột treo cáp, trụ điện phải có dấu hiệu nhận biết rõ ràng đối với từng mạng cáp của doanh nghiệp.

c) Tiếp tục thực hiện bảo dưỡng, buộc, căng gọn gàng các sợi cáp hiện hữu, đảm bảo tuân thủ đúng Quy chuẩn quốc gia QCVN 33:2011/BTTTT.

d) Tiến hành khảo sát, xử lý hệ thống dây cáp viễn thông bị chùng, võng, dây cáp viễn thông đứt rơi xuống đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông; thu hồi cáp không sử dụng, căng lại độ võng cáp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông.

đ) Tiến hành gắn thẻ nhận biết trên các tuyến cáp viễn thông (bao gồm số điện thoại liên lạc, tên chủ sở hữu hoặc đơn vị được ủy quyền quản lý) theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BXD-BCT-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ Xây dựng - Bộ Công Thương - Bộ Thông tin và Truyền thông quy định dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

e) Chấp hành nghiêm việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh;
- Các Sở: TTTT, XD, GTVT, CT;
- BQL các KCN, BQL VSIP;
- Báo BD; Đài PT&TH BD;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các doanh nghiệp viễn thông;
- LĐVP, H, TH;
- TTCB, Website tỉnh;- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Liêm

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2015 tăng cường công tác quản lý hạ tầng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 12/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/06/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Trần Thanh Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản