Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2013/CT-UBND

Đà Lạt, ngày 15 tháng 11 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CƠ SỞ HẠ TẦNG VIỄN THÔNG, TRUYỀN HÌNH CÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp tham gia đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và đang đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, đã góp phần quan trọng tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển và quản lý hạ tầng viễn thông, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (cống, bể cáp; cột ăng ten; cột treo cáp, dây thông tin) vẫn còn nhiều hạn chế; sự phối hợp trong việc lập quy hoạch khu dân cư, quy hoạch hệ thống giao thông còn thiếu đồng bộ với việc tiến hành xây dựng hạ tầng mạng lưới viễn thông, truyền hình cáp gây lãng phí; sự phối hợp xây dựng, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông còn bất cập đã ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Để tăng cường quản lý việc quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và truyền hình cáp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn mạng lưới, đồng thời đảm bảo mỹ quan đô thị, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng của tỉnh.

b) Tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn cho các doanh nghiệp viễn thông xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện việc ngầm hóa mạng cáp viễn thông, cáp truyền hình theo đúng quy định.

c) Hướng dẫn và kiểm tra các doanh nghiệp viễn thông thực hiện quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng lắp đặt công trình viễn thông, đặc biệt là mạng ngoại vi (ăng ten, cáp, đường dây thuê bao…).

d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp, điện lực, quản lý đô thị tham mưu UBND tỉnh trong việc khuyến khích sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo mỹ quan đô thị.

đ) Phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc phát triển hạ tầng viễn thông, các quy định về xây dựng và quản lý công trình viễn thông để chính quyền cơ sở, các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp và nhân dân biết, thực hiện.

e) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND cấp huyện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định quản lý cơ sở hạ tầng viễn thông và các hành vi phá hoại hoặc cản trở trái pháp luật việc xây dựng các công trình viễn thông tại địa phương.

2. Sở Giao thông vận tải:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn đưa hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là nội dung bắt buộc phải có khi lập thiết kế cơ sở cầu, đường.

b) Có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin về kế hoạch xây dựng, sửa chữa nâng cấp các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh cho Sở Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông để chủ động phối hợp cũng như phối hợp đầu tư, mở rộng tuyến cống, bể cáp để tiết kiệm chi phí, tránh thiệt hại và mất liên lạc do sự cố trong quá trình thi công.

c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc chấp thuận đối với các dự án xây dựng hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình, đảm bảo quy hoạch chuyên ngành và các quy định khác của ngành giao thông.

d) Phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp trong quá trình thi công công trình trong phạm vi quỹ đất dành cho công trình giao thông đảm bảo an toàn công trình và an toàn giao thông.

3. Sở Xây dựng:

a) Có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn (theo phân cấp quản lý) cho Sở Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp biết để phối hợp ngầm hóa thuộc lĩnh vực viễn thông, truyền hình cáp.

b) Khi có quy hoạch xây dựng, đưa nội dung quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động vào các quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2000, 1/500, cùng với các nội dung sẵn có về cấp điện, cấp nước, thoát nước. Các dự án mới (khu dân cư, khu đô thị…) phải bố trí quy hoạch ngầm mạng lưới cáp viễn thông cùng các cơ sở hạ tầng khác nhằm đầu tư xây dựng có tính đồng bộ và hiệu quả.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn đưa hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là nội dung bắt buộc phải có khi lập thiết kế cơ sở các hệ thống công trình kỹ thuật xây dựng.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các dự án lắp đặt ngầm hệ thống mạng cáp đảm bảo phù hợp với kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b) Phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thực hiện việc ngầm hóa cáp thông tin và lắp đặt ăng ten cho các trạm BTS.

5. Công an tỉnh:

a) Chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải tiến hành thanh tra, kiểm tra, đình chỉ, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm các quy định về ngầm hóa mạng viễn thông, giấy phép xây dựng trạm BTS, chuyển mục đích sử dụng đất.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng:

a) Chủ động đưa tin, tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và toàn xã hội về ý nghĩa, mục đích kinh tế, chính trị, an ninh đối với sự phát triển hạ tầng viễn thông.

b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị này, các quy định của Nhà nước về quản lý cơ sở hạ tầng viễn thông và việc ngầm hóa các tuyến cáp ở đô thị để nhân dân biết và thực hiện.

7. UBND các huyện, thành phố:

a) Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc phát triển hạ tầng viễn thông thuộc địa bàn quản lý.

b) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng, lắp đặt các công trình viễn thông, hệ thống cáp viễn thông, truyền hình; đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục đất đai, thuê mặt bằng, giải quyết những vướng mắc trong quá trình xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn.

c) Chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chỉnh trang, treo lại và ngầm hóa các mạng cáp thông tin tại các đô thị thuộc địa bàn quản lý.

d) Khi lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị phải thực hiện quy hoạch xây dựng ngầm hóa mạng cáp viễn thông tùy theo yêu cầu thực tế của mỗi địa phương.

8. Các chủ mạng viễn thông chuyên dùng (Công an, Quân đội) căn cứ vào nhu cầu hoạt động của mạng thông tin của đơn vị mình phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, điện lực trên địa bàn để sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật.

9. Các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp:

a) Xây dựng kế hoạch và lộ trình ngầm hóa mạng cáp thông tin theo quy hoạch được phê duyệt, báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh trong quý I/2014.

Riêng việc xây dựng, lắp đặt trạm BTS, phải có kế hoạch hàng năm và quy hoạch dài hạn thông qua Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

b) Khi phát triển mạng lưới viễn thông tại các tuyến đường mới trong khu đô thị, khu dân cư mới phải thực hiện xây dựng ngầm 100% mạng cáp, tuân thủ nguyên tắc an toàn và đảm bảo mỹ quan đô thị. Đối với các dự án viễn thông triển khai thực hiện ở đô thị nhưng chưa thể xây dựng ngầm được vì các lý do khách quan, trước khi triển khai phải thông qua Sở Thông tin và Truyền thông để xin ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tiến hành đồng thời kế hoạch xây dựng, lắp đặt các công trình viễn thông và truyền hình cáp của doanh nghiệp mình cùng với việc triển khai quy hoạch, kế hoạch xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, tuyến đường giao thông và các công trình xây dựng khác ở địa phương.

d) Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng viễn thông. Các tuyến cáp treo hiện hữu trong thời gian chưa được đặt ngầm thì phải treo gọn gàng, chắc chắn, đúng quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo mỹ quan và an toàn. Các cáp không sử dụng truyền dẫn phải tiến hành tháo bỏ, không để tồn lưu trên các trụ cáp.

đ) Tăng cường phối hợp, hợp tác các doanh nghiệp viễn thông khác trong việc sử dụng chung các cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Trường hợp các doanh nghiệp viễn thông có nhu cầu thi công tuyến cống, bể cáp để lắp đặt cáp ngầm viễn thông trùng với các tuyến cống, bể cáp ngầm đã xây dựng trước đây, phải phối hợp với đơn vị đã xây dựng tuyến cống, cáp ngầm lập kế hoạch nâng cấp, cải tạo tuyến cống, bể cáp theo nguyên tắc bảo đảm dự trữ dung lượng để giải quyết cho các đơn vị viễn thông khác sử dụng dùng chung.

e) Các doanh nghiệp viễn thông phải phối hợp với các ngành chức năng địa phương khi triển khai việc xây dựng các trạm BTS đã được các cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép xây dựng theo quy định.

g) Báo cáo kịp thời, đầy đủ chính xác các thông tin về hạ tầng viễn thông theo quy định của pháp luật và khi có yêu cầu của UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông, đồng thời chấp hành nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

10. Công ty Điện lực Lâm Đồng

Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp sử dụng hệ thống trụ điện để treo cáp, đồng thời tiến hành treo gọn gàng, chắc chắn hệ thống cáp trên trụ điện đảm bảo mỹ quan đô thị.

11. Tổ chức thực hiện:

a) Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Chỉ thị số 03/2007/CT-UBND ngày 05/02/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc đảm bảo mỹ quan đô thị trong xây dựng, lắp đặt các công trình bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp.

b) Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp trên địa bàn tỉnh và các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

c) Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Cục Viễn thông; Bộ TTTT;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Tiến