Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Phú Yên, ngày 23 tháng 7 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT

Hiện nay tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại khu vực miền Trung đang có chiều hướng gia tăng; đã có 8.393 ca mắc, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Riêng tỉnh Phú Yên có 1.291 ca mắc ở 62 ổ dịch, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và có 02 trường hợp tử vong (thành phố Tuy Hòa, huyện Đông Hòa). Qua theo dõi, báo cáo của ngành y tế từ năm 1983 đến nay, cứ khoảng 3 - 4 năm, SXHD sẽ gây dịch 1 lần; lần gần đây nhất là năm 2010 đã xảy ra dịch SXHD, theo dự báo của Viện Pastuer Nha Trang, năm 2013 hoặc năm 2014 có thể là năm xảy ra dịch SXHD theo chu kỳ.

Trong hai năm (2011 và 2012) trên địa bàn tỉnh chưa có xảy ra dịch lớn (SXHD), nên một số địa phương có phần chủ quan, lơ là trong công tác giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch; công tác tuyên truyền vận động chưa đẩy mạnh và sâu rộng trong nhân dân, cộng đồng vẫn còn thụ động trong việc phòng, chống SXHD, một số còn trông chờ, ỷ lại vào ngành Y tế; các chiến dịch diệt bọ gậy thực hiện chưa được thường xuyên và hiệu quả, một số địa phương chưa quan tâm sâu sát trong chỉ đạo và thực hiện, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp chưa được đồng bộ, thiếu chặt chẽ, nhất là trong công tác xử lý các ổ dịch, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh...

Để kịp thời khống chế dịch SXHD một cách hiệu quả, không để lan rộng và bùng phát thành dịch lớn trong năm 2013 và những năm tiếp theo; UBND tỉnh yêu cầu:

1. Đối với Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống SXHD năm 2013 theo hướng dẫn của Viện Pastuer Nha Trang, Bộ Y tế, nhằm giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ chết, khống chế không để dịch lớn xảy ra và lây lan trên diện rộng; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động phòng, chống SXHD. Cụ thể tập trung các công tác trọng tâm sau:

a) Tham mưu củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người.

b) Chỉ đạo hệ thống ngành y tế: Bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu... để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân kịp thời; tổ chức tập huấn để thực hiện đúng quy định về “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue” của Bộ trưởng Bộ Y tế (Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/02/2011). Tiếp tục duy trì “Đường dây nóng” trong hệ điều trị giữa Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi với Bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố sẵn sàng hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho tuyến dưới khi có yêu cầu nhằm giảm tối đa ca tử vong.

c) Giám sát chặt chẽ ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ trong vòng 48 giờ theo đúng các biện pháp chuyên môn đã quy định; tại những địa bàn có nguy cơ dịch lan rộng phải tổ chức triển khai nhanh các chiến dịch phun hoá chất diệt muỗi diện rộng cùng với các chiến dịch diệt lăng quăng.

d) Lập kế hoạch tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng vào các tháng cao điểm tại các thôn, buôn, khu phố, xã, phường, thị trấn có nguy cơ dịch bùng phát, đặc biệt chiến dịch lần thứ nhất phải tiến hành sớm ngay trong tháng 7/2013.

đ) Tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp các kiến thức về phòng chống SXHD để cộng đồng cùng tích cực, chủ động tham gia phòng, chống.

Tùy tình hình thực tế, nếu thấy cần thiết, Sở Y tế sớm đề xuất UBND tỉnh về vấn đề kinh phí để đảm bảo cho các hoạt động phòng, chống dịch SXHD một cách có hiệu quả.

2. Đối với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố: Kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn y tế trên địa bàn phối hợp thật tốt trong các hoạt động phòng, chống SXHD, hỗ trợ tích cực tuyến xã, phường, thị trấn, tổ chức vận động nhân dân làm vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng. Kiểm tra các hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở xã, phường, thị trấn; tập trung huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực xã hội trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch SXHD theo hướng dẫn của ngành Y tế. Ưu tiên bố trí thêm nguồn kinh phí để đảm bảo cho các hoạt động phòng, chống dịch SXHD tại địa phương.

3. Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan thống tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình trên địa bàn tỉnh phối hợp với ngành y tế xây dựng kế hoạch tuyên truyền mạnh mẽ về công tác phòng, chống SXHD bằng nhiều hình thức phù hợp để mọi người dân nhận thức đúng, đủ về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh SXHD, nhằm bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Không đưa tin thiếu chính xác gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và Tỉnh đoàn có kế hoạch chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh huy động lực lượng học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng) tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế, coi đây là một trong các nội dung sinh hoạt ngoại khoá của học sinh, sinh viên.

5. Đề nghị các cơ quan Mặt trận và Đoàn thể tỉnh phối hợp với ngành y tế, các ngành liên quan và địa phương tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

6. Yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị Hội, đoàn thể tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt nội dung Công văn số 172/UBND-VX ngày 16/01/2013; Công văn số 1659/UBND-VX ngày 05/6/2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống SXHD.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm ngăn chặn và khống chế kịp thời dịch, bệnh SXHD trên địa bàn tỉnh, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp cùng các Hội, đoàn thể tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt nội dung Chỉ thị này.

Địa phương, đơn vị nào để dịch SXHD bùng phát, lây lan thành dịch lớn, hoặc để xảy ra trường hợp bệnh nhân tử vong mà nguyên nhân chính là do phát hiện trễ, do tuyên truyền yếu kém, do sai sót nghiêm trọng trong công tác chỉ đạo về chuyên môn, chăm sóc, điều trị thì người đứng đầu của địa phương, đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Giao Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch SXHD trên địa bàn tỉnh; tập trung theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ báo cáo cho UBND tỉnh, Bộ Y tế. Trong trường hợp có dịch phải báo cáo hàng ngày theo quy định./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Đình Cự

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết do tỉnh Phú Yên ban hành

  • Số hiệu: 12/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/07/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Phạm Đình Cự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản