Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2011/CT-UBND

Quảng Bình, ngày 23 tháng 9 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (sau đây viết tắt là phong trào) trên địa bàn tỉnh ta đã có bước chuyển biến tích cực, phát triển toàn diện, rộng khắp và thật sự trở thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Từng gia đình, trường học, cơ quan, các tầng lớp nhân dân đều tích cực hưởng ứng. Phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng các danh hiệu văn hóa ngày càng được nâng cao; các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội xuất hiện ngày càng nhiều. Phong trào đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống đoàn kết cộng đồng; trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, phong trào vẫn còn những hạn chế và chưa bền vững; một số tiêu chí văn hóa chất lượng đạt chưa cao, thiếu chiều sâu; công tác tuyên truyền, kiểm tra chất lượng phong trào chưa được coi trọng thường xuyên, các nội dung và việc lồng ghép các hoạt động chưa thật sự gắn kết để thúc đẩy phong trào chung; các tệ nạn xã hội tại một số địa bàn gia tăng làm ảnh hưởng đến cuộc sống và môi trường văn hóa ở các cộng đồng dân cư. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ; trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào của một bộ phận cán bộ ở cơ sở chưa cao. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác vận động thực hiện phong trào ở cơ sở thiếu thường xuyên nên hạn chế hiệu quả trong các hoạt động. Sự quan tâm của một bộ phận cán bộ, nhân dân, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở đối với phong trào chưa toàn diện và sâu sắc; việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào chưa thường xuyên, liên tục; công tác bình xét các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương còn chạy theo số lượng, hình thức; nguồn lực cán bộ chưa tương xứng với phong trào.

Để nâng cao chất lượng phong trào giai đoạn 2011 - 2015, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóaVIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau đây:

a) Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho các đối tượng thuộc quyền quản lý và quần chúng nhân dân về chủ trương, mục đích ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của phong trào.

b) Tăng cường tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện tốt “5 nội dung chủ yếu" và “7 phong trào cụ thể" của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; lồng ghép chặt chẽ với nội dung các chương trình Quốc gia về phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, chống lưu ban, bỏ học,...

c) Gắn phong trào với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Thi đua yêu nước” ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, xem đây là nội dung quan trọng để xây dựng con người có văn hóa, làm nhân tố để hình thành gia đình văn hóa và cộng đồng văn hóa một cách bền vững.

d) Phát huy vai trò tự quản cộng đồng, phấn đấu giữ vững danh hiệu làng, thôn, bản, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa. Thực hiện nghiêm việc bình xét, công nhận và kiểm tra tái công nhận và rút danh hiệu văn hóa theo quy định của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Trung ương và tỉnh. Đẩy mạnh các phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo chuyển biến cơ bản về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

đ) Tập trung củng cố và nâng cao chất lượng các phong trào, trước hết là củng cố để giữ vững những danh hiệu làng, thôn, bản, khu phố văn hóa, đơn vị, cơ quan văn hóa và gia đình văn hóa đã được công nhận đảm bảo đúng tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định.

e) Hằng năm và theo định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt các nội dung của phong trào ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, trên cơ sở hướng dẫn của các bộ, ban, ngành Trung ương để nghiên cứu, hướng dẫn tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào gắn với chương trình “Xây dựng nông thôn mới” nhằm xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển toàn diện; nghiên cứu xây dựng mô hình “Đô thị văn minh”; rà soát, hoàn thiện tiêu chí bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa như “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Đơn vị văn hóa” theo quy định của pháp luật phù hợp với tình hình trong giai đoạn mới. Xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện giữa cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Ban Chỉ đạo và quy trình công nhận, quản lý các danh hiệu văn hóa để tổ chức triển khai thống nhất trong toàn tỉnh.

3. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phong trào cho nhân dân trong tỉnh; thường xuyên đưa tin, bài giới thiệu về các gương điển hình, các mô hình tiên tiến; phản ánh những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện phong trào.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân lồng ghép thực hiện tốt “5 nội dung chủ yếu” và “7 phong trào cụ thể” của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để xem xét giải quyết. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đánh giá và định kỳ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/2011/CT-UBND về nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 12/2011/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/09/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản