Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1140/CT-BNN-TT | Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2008 |
VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN CÀ PHÊ, CAO SU, SẮN BỀN VỮNG TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong những năm gần đây, do giá tăng và thị trường tiêu thụ tương đối thuận lợi nên một số loại cây trồng như cà phê, cao su và sắn phát triển khá mạnh.
Một số địa phương đã xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu gắn với chế biến, xuất khẩu theo Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Do đó đã tạo được bước chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Năm 2007, giá trị xuất khẩu cà phê đã đạt trên 1,85 tỷ USD tăng 52,3% so với 2006 và gấp 4,7 lần so năm 2001; cao su 1,4 tỷ USD tăng 8,8% so năm 2006 và gấp 8,4 lần so năm 2001. Diện tích sắn năm 2007 gấp 1,5 lần so năm 2002.
Tuy nhiên sản xuất cây cà phê, cao su và sắn hiện nay còn nhiều hạn chế:
- Tình trạng phát triển tự phát không theo quy hoạch đang có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê năm 2007 diện tích cà phê đã lên tới 506 ngàn ha, tăng 10 ngàn ha so với năm 2006 (2,0%), năm 2008 giá cà phê tăng cao nên xu hướng tự phát mở rộng diện tích trồng cà phê vẫn đang gia tăng mạnh. Diện tích sắn năm 2007 đã lên tới 497 ngàn ha, tăng 4,7 % so với năm 2006. Nhiều nơi nông dân tự ý phá bỏ mía trồng sắn, cà phê trên đất đã quy hoạch trồng rừng, thậm chí một số nơi ở Tây Nguyên đang diễn ra tình trạng phá rừng trái phép để trồng sắn, cà phê. Tình trạng phát triển tự phát trên không chỉ phá vỡ quy hoạch phát triển các loại cây trồng khác, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái mà còn tăng nguy cơ cung vượt quá cầu, dẫn đến những rủi ro về giá cả và thị trường tiêu thụ cho nguời sản xuất;
Đối với cây cao su: khu vực Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng đất đai để phát triển cao su, nhưng tốc độ phát triển chậm, việc chuyển đổi đất rừng sản xuất sang phát triển cao su ở khu vực này còn nhiều lúng túng; việc phát triển cao su ở Tây bắc là vấn đề mới, kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn còn ít, nhưng một số địa phương còn tư tưởng chủ quan, nóng vội.
- Trong sản xuất nhiều nơi chưa thực hiện đúng các kỹ thuật canh tác bền vững. Tình trạng trồng sắn quảng canh nhiều năm trên đất có độ dốc lớn, không có biện pháp để hạn chế xói mòn; sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới quá mức trong canh tác cà phê còn khá phổ biến, không những làm tăng giá thành sản xuất mà còn gây tác động xấu đến môi trường sinh thái.
- Cơ cấu giống và chất lượng giống cây trồng còn nhiều bất cập. Diện tích trồng các giống sắn mới có năng suất cao mới chiếm khoảng 30%, các giống cà phê chọn lọc mới đạt dưới 20% diện tích; việc xác định giống cao su thích hợp cho khu vực Tây bắc còn hạn chế.
Công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng ở nhiều địa phương còn buông lỏng, tình trạng sản xuất và kinh doanh giống cà phê, giống cao su tiểu điền nhưng không có vườn giống cây đầu dòng còn khá phổ biến; việc kiểm tra, giám sát chất lượng cây giống tại các vườn ươm chưa được chặt chẽ.
- Chất lượng cà phê nhân xuất khẩu chưa được cải thiện rõ rệt, đặc biệt tình trạng thu hoạch lẫn nhiều quả xanh, phơi sấy bảo quản không đúng kỹ thuật, chưa thực hiện tốt việc phân loại cà phê nhân xuất khẩu theo tiêu chuẩn mới, phù hợp với quy định của quốc tế, làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng, giá bán và uy tín của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Để phát triển cây cà phê, cao su, sắn có hiệu quả cao, bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầuThủ trưởng các cơ quan chức năng thuộc Bộ,Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh có trồng cà phê, cao su, sắn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê, cao su, sắn tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Căn cứ Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ:
- Cục Trồng trọt chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ khẩn trương chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng quan phát triển cà phê, cao su trình Bộ phê duyệt trong năm 2008; xây dựng quy hoạch tổng quan phát triển sắn cả nước đến 2015 và tầm nhìn 2020 trình Bộ phê duyệt trong năm 2009, làm cơ sở để các địa phương điều chỉnh quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư phát triển cụ thể.
- UBND các tỉnh có trồng sắn, cà phê, cao su khẩn trương kiểm tra, rà soát diện tích trồng cà phê, sắn hiện nay để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, kiên quyết nhằm phát triển cao su, cà phê và sắn có hiệu quả, bền vững trên địa bàn.
a) Đối với cây cà phê
- Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện Đề án "Nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam" trình Bộ phê duyệt tháng 6/2008 và triển khai thực hiện.
Trước mắt tập trung triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng cà phê, tăng cường hướng dẫn và có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân thực hiện chuyển đổi giống mới, sử dụng phân bón, nước tưới tiết kiệm để hạ giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả cao; thực hiện thu hái và phơi sấy, bảo quản cà phê đúng kỹ thuật, tăng cường các biện pháp bảo vệ sản xuất, ngăn chặn tình trạng trộm cắp cà phê trên nương rẫy; các doanh nghiệp có cơ chế giá thu mua hợp lý để khuyến khích việc thu hái chọn quả chín, hạn chế tối đa tình trạng hái chạy, hái tuốt cành lẫn quả xanh, quả non.
- Cục Trồng trọt hoàn thiện Lộ trình áp dụng Tiêu chuẩn TCVN: 4193 - 2005 đối với cà phê nhân xuất khẩu trình Bộ ban hành và triển khai thực hiện trong tháng 6/2008.
- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ, xây dựng và trình Bộ ban hành và hướng dẫn thực hiện Quy chuẩn quốc gia về trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, phân loại cà phê nhân xuất khẩu trình Bộ Ban hành và triển khai trước tháng 11/2008.
- UBND các tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 1341/CT-BNN-TT ngày 17 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phát triển, nâng cao chất lượng cà phê. Trước mắt cần khẩn trương kiểm tra, ngăn chặn tình trạng tự phát mở rộng diện tích trồng mới cà phê hiện nay ở Tây nguyên và Tây bắc. Trong năm 2008 - 2010 không mở thêm diện tích trồng cà phê, chỉ trồng tái canh đối với các diện tích cà phê già cỗi, diện tích bị sâu bệnh năng suất thấp hoặc cải tạo, trồng thay thế các vườn cà phê giống cũ bằng các giống mới đã được Bộ công nhận. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng trồng mới cà phê; tăng cường quản lý chất lượng giống cà phê, không để tình trạng lợi dụng nhu cầu giống tăng cao để kinh doanh giống kém chất lượng.
b) Đối với cao su
- Tại Tây Nguyên: khẩn trương hoàn thành việc quy hoạch mở rộng phát triển cao su theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 14 tháng 8 năm 2006. Căn cứ kết quả rà soát 3 loại rừng và các Thông tư số: 76/2007/TT-BNN ngày 21 tháng 8 năm 2007, số 07/2008/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong vùng tích cực chỉ đạo quy hoạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được giao, thuê các diện tích đất chưa sử dụng và liên kết với các hộ dân chuyển đổi một phần diện tích đất cây hàng năm và cây công nghiệp lâu năm khác kém hiệu quả sang trồng cao su; đồng thời chỉ đạo chặt chẽ việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su theo đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn tình trạng lợi dụng chuyển đổi để phá rừng tự phát trồng cao su.
- Tại Tây Bắc: việc phát triển cao su phải quán triệt và thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ tại Thông báo số 178/VPCP ngày 08 tháng 01 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu tại Thông báo số 3492/BNN-TT ngày 20 tháng 12 năm 2007 và Công văn số 1020/BNN-TT ngày 17 tháng 4 năm 2008. Trước hết phải khẩn trương kiểm tra đánh giá lại tình hình sinh trưởng, mức độ thiệt hại của đợt rét đậm rét hại trong vụ Đông xuân 2007 - 2008 đối với diện tích cao su đã trồng, trên cơ sở đó tiếp tục rà soát kỹ, quy hoạch cụ thể các tiểu vùng có điều kiện sinh thái, có các giải pháp đồng bộ về kỹ thuật, cơ chế chính sách, tổ chức sản xuất và có bước đi phù hợp để đảm bảo phát triển vững chắc, tránh tư tưởng chủ quan nóng vội, phát triển theo phong trào.
c) Đối với cây sắn
Tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 750/CT-BNN-TT ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc sản xuất và chế biến sắn, tập trung chỉ đạo các nội dung quan trọng dưới đây:
- Hạn chế tối đa việc mở rộng diện tích trồng sắn, đặc biệt cần đẩy mạnh tuyên truyền thuyết phục nông dân không trồng sắn tự phát trên các khu vực đã quy hoạch hoạch cho cây trồng khác, hoặc các diện tích có độ dốc lớn (trên 200); Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng trồng sắn.
- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác sắn bền vững và đạt hiệu quả cao, đặc biệt là: mở rộng nhanh các giống sắn mới có năng suất cao, chịu hạn tốt và phù hợp với công nghiệp chế biến như: KM60, KM94, KM95-3, HN124, NA1…; thực hiện các biện pháp trồng nương bậc thang hoặc trồng luống theo đường đồng mức, trồng xen canh, luân canh các cây họ đậu (lạc, đậu tương), tăng bón phân hữu cơ và phân vi sinh.
- Về chế biến sắn: Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá các cơ sở chế biến trên địa bàn. Trước mắt từ nay đến năm 2010, không chấp nhận xây dựng mới các nhà máy chế biến sắn chưa có vùng nguyên liệu khả thi, ưu tiên phân vùng nguyên liệu và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chế biến có công nghệ tiên tiến thu mua sắn lát khô đưa vào chế biến các sản phẩm có giá trị cao như tinh bột, cồn, ethanol, thức ăn gia súc, hạn chế tối đa việc xuất khẩu nguyên liệu sắn thô; giám sát chặt chẽ việc xử lý môi trường của các cơ sở chế biến sắn, kiên quyết xử lý những cơ sở vi phạm để giảm thiểu tối đa nguồn ô nhiễm.
Việc thực hiện phát triển cây cà phê, cao su và sắn bền vững là vấn đề cấp bách, đảm bảo phát triển ổn định trước mắt cũng như lâu dài. Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, các doanh nghiệp khẩn trương chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung nêu trên./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 150/2005/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo số 125/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội Vùng Tây Nguyên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 76/2007/TT-BNN hướng dẫn việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su ở Tây Nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Công văn số 178/VPCP-NN về việc phát triển cao su các tỉnh khu vực Tây Bắc do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông tư 07/2008/TT-BNN sửa đổi Thông tư 76/2007/TT-BNN hướng dẫn việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su ở Tây Nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Chỉ thị 1341/CT-BNN-TT năm 2007 về phát triển, nâng cao chất lượng cà phê do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chỉ thị 1140/CT-BNN-TT năm 2008 về phát triển cà phê, cao su, sắn bền vững trong thời gian tới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 1140/CT-BNN-TT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/04/2008
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/04/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra