Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Bình Định, ngày 13 tháng 05 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG TÁI ĐÀN, ỔN ĐỊNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI AN TOÀN SINH HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Từ tháng 02/2019 đến nay, Bệnh Dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 63 tỉnh, thành trong cả nước và diễn biến phức tạp; với hơn 6 triệu con heo bị xử lý tiêu hủy; gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Nghiêm trọng hơn là đàn heo nái sinh sản giảm mạnh (giảm đến 27,7% so với năm 2017). Dẫn đến mất cân đối về cung cầu thịt heo và con giống tái đàn, làm cho giá heo hơi, heo giống tăng cao trong thời gian qua. Tại Bình Định, tuy thiệt hại về Dịch tả heo châu Phi không cao so với bình quân chung cả nước, nhưng vẫn bị tác động chi phối bởi giá heo hơi và giá heo giống, gây khó khăn cho người chăn nuôi trong hoạt động tái đàn, bù đắp lượng heo hao hụt do Dịch tả heo Châu Phi gây ra.

Nhằm chủ động tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, kiểm soát hoạt động tái đàn, chăn nuôi an toàn sinh học, sớm ổn định, khôi phục đàn heo của tỉnh và tăng cường thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 1965/BNN-TY ngày 18/3/2020 về việc tổ chức hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai một số nhiệm vụ sau:

1. Nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai đầy đủ, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 09/3/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Văn bản số 1965/BNN-TY ngày 18/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tổ chức hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học và Văn bản số 3041/BNN-TY ngày 05/5/2020 về việc tập trung phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát, lây lan diện rộng; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 20/02/2020 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp tái đàn, ổn định phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

2. Hiện nay, hoạt động tái đàn heo đang gia tăng; trong khi đó nguồn heo con giống khan hiếm, không đáp ứng nhu cầu cung ứng cho người chăn nuôi trong tỉnh, phục vụ công tác tái đàn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất con giống chia sẻ, tạm dừng hoạt động xuất heo con giống nuôi sinh sản và heo con nuôi thịt ra khỏi địa bàn tỉnh cho đến khi hoạt động tái đàn khôi phục ổn định để ưu tiên cung ứng dịch vụ con giống cho người chăn nuôi trong tỉnh, phục vụ tái đàn, duy trì phát triển chăn nuôi.

3. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học và phổ biến chính sách hỗ trợ tái đàn của tỉnh. Nêu gương những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi đồng hành chia sẻ, hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn và các mô hình tái đàn chăn nuôi hiệu quả, để các địa phương và người chăn nuôi ứng dụng nhân rộng.

4. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Phối hợp Sở Tài chính đề xuất chính sách hỗ trợ tái đàn, sớm khôi phục đàn heo, bù vào lượng heo thiếu hụt do tác động của Dịch tả heo Châu Phi. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng tiêu chí lựa chọn các đối tượng hưởng lợi từ chính sách và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện sau khi UBND tỉnh phê duyệt chính sách.

b) Kịp thời hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh kế hoạch tái đàn heo theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT phù hợp với tình hình chăn nuôi của tỉnh để các địa phương chủ động tổ chức triển khai. Đồng thời, tăng cường kiểm tra công tác tổ chức phòng chống dịch bệnh động vật và quản lý kiểm soát hoạt động tái đàn heo tại các địa phương.

c) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông duy trì hoạt động kiểm dịch tại các Trạm kiểm dịch động vật tạm thời Cù Mông (thành phố Quy Nhơn) và Bình Đê (Hoài Nhơn) nhằm tăng cường kiểm tra hoạt động phúc kiểm động vật, sản phẩm động vật quá cảnh và kiểm soát động vật xuất nhập ra vào địa bàn tỉnh. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

d) Chủ động làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đồng hành chia sẻ và có động thái quan tâm cam kết hỗ trợ người chăn nuôi đang gặp khó khăn trong công tác tái đàn heo như: ưu tiên bán con giống, giảm giá thức ăn, con giống, bán nợ, giãn nợ…

5. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông và Công an các địa phương phối hợp với lực lượng thú y trong công tác kiểm dịch động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật và xử lý các trường hợp vi phạm.

6. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí đảm bảo đủ và kịp thời để tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ tái đàn heo. Đồng thời, hướng dẫn cơ chế sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, phương thức thanh quyết toán để Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các địa phương triển khai, thực hiện.

7. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Tiếp nhận nguồn vốn chuyển giao của UBND tỉnh và phối hợp Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Cựu Chiến binh tỉnh tổ chức cho vay các đối tượng liên quan theo các quy định của chính sách. Đồng thời, thu hồi nguồn vốn chuyển trả UBND tỉnh sau khi hoàn thành thời gian vay của chính sách.

8. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán thịt heo các các chợ, siêu thị… và thực hiện cam kết với các chủ kinh doanh chấp hành niêm yết công khai giá thịt heo các loại để người tiêu biết, lựa chọn. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố.

a) Tăng cường thời lượng tuyên truyền trên Đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã về hướng dẫn các biện pháp tái đàn, chăn nuôi an toàn sinh học và phổ biến sâu rộng về chính sách hỗ trợ tái đàn để người chăn nuôi biết, đăng ký tham gia.

b) Chủ động làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, liên kết chăn nuôi thuộc địa bàn để phổ biến nội dung Chỉ thị của UBND tỉnh và tạo sự đồng thuận chia sẻ, cam kết hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện công tác tái đàn heo như: ưu tiên bán con giống, giảm giá thức ăn, con giống, bán nợ, giãn nợ…

c) Chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND cấp xã phối hợp, tăng cường kiểm tra công tác tái đàn, phòng, chống dịch bệnh động vật; nhất là công tác tiêm phòng, giám sát bệnh Dịch tả heo Châu Phi và quản lý, kiểm soát hoạt động tái đàn thuộc địa bàn.

d) Xây dựng kế hoạch, tổ chức lựa chọn đối tượng được hưởng lợi chính sách, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Đồng thời, giao trách nhiệm cho cơ quan chuyên môn liên quan, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh cho các đối tượng được vay vốn tái đàn của chính sách và kiểm tra, giám sát, theo dõi, báo cáo tình hình hoạt động chăn nuôi. Bố trí kinh phí đảm bảo đủ cho hoạt động tập huấn, quản lý tình hình tái đàn, đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách.

10. Đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đồng hành chia sẻ những khó khăn của tỉnh và người chăn nuôi trong công tác tái đàn heo. Chung tay hỗ trợ người chăn nuôi bằng hành động cụ thể theo phát động của UBND tỉnh, giúp sớm khôi phục đàn heo của tỉnh, ổn định phát triển chăn nuôi bền vững.

11. Đề nghị các tổ chức, hội đoàn thể phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các địa phương trong công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tái đàn heo của tỉnh. Đồng thời, tích cực vận động hội viên có chăn nuôi tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học.

Thủ trưởng các sở, ngành, tổ chức hội đoàn thể, các đơn vị, tổ chức có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN và PTNT (B/cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (B/cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, hội đoàn thể;
- Đài PTTH, Báo Bình Định;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các DN Sản xuất thức ăn chăn nuôi;
- Các DN, cơ sở sản xuất heo giống;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, K6, K7, K10, K17.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Châu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động tái đàn, ổn định phát triển chăn nuôi an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 11/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/05/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Trần Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản