Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 09 tháng 5 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC THI LUẬT PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Hút thuốc lá gây nên nhiều loại bệnh nguy hiểm đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp… Người hút thuốc lá có nguy cơ tử vong gấp nhiều lần những người không hút thuốc lá. Đáng lo ngại hơn, thuốc lá cũng còn gây nhiều tác hại nặng nề cho người hút thuốc thụ động. Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn gây ra những tổn thất về kinh tế cho cá nhân, gia đình và xã hội; làm lãng phí thời gian lao động và tăng nguy cơ cháy nổ; làm giảm giá trị văn minh nơi công sở và nơi công cộng.

Với mục tiêu giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, ngày 18/6/2012 Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành từ 01/5/2013 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 Phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”.

Những năm vừa qua, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã thực hiện các quy định về cấm hút thuốc lá trong công sở và ở nơi công cộng. Song, qua thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy tình trạng hút thuốc lá tuy có giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến trong công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và ở các đám cưới, đám tang, sinh hoạt tập thể của gia đình, bạn bè và ở nơi công cộng. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định cấm hút thuốc lá và chưa thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nhằm tăng cường thực thi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và để đạt các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh và Ban chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá Trung ương - Bộ Y tế.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế và các cơ quan thông tin đại chúng khác phối hợp với Sở Y tế tăng cường tuyên truyền thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, những tác hại của thuốc lá với sức khỏe, môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội, về việc xây dựng môi trường không thuốc lá.

3. Đề nghị Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo việc phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị và trong trường học.

4. Sở Văn hóa Thể thao và Sở Du lịch: Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật; Chỉ đạo các cơ sở văn hóa, thể thao, du lịch, dịch vụ thực hiện nghiêm các quy định cấm hút thuốc lá; đưa các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào tiêu chí phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng các mô hình sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt gia đình, đám cưới, đám tang “Không khói thuốc ”.

5. Sở Công Thương: Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, đại lý bán buôn và điểm bán lẻ các sản phẩm thuốc lá; Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn, thu giữ và tiêu hủy các sản phẩm thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường quản lý vùng trồng cây thuốc lá và sản xuất nguyên liệu thuốc lá đảm bảo vệ sinh an toàn; Hướng dẫn nông dân hạn chế trồng thuốc lá và từng bước chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao.

7. Sở Nội vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường dạy nghề thực hiện tốt phong trào xây dựng “Cơ quan văn hóa” và thực hiện các quy định về cấm hút thuốc lá đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Đưa việc thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng cơ quan, đơn vị “Không khói thuốc” vào tiêu chí bình xét thi đua hàng năm.

8. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu việc bố trí ngân sách, bảo đảm nguồn kinh phí cho việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1315/QĐ-TTg ; hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng kinh phí theo quy định hiện hành.

9. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh: Thành lập, củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá của các cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc gương mẫu không hút thuốc tại nơi làm việc, xây dựng mô hình cơ quan không thuốc lá, đưa quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại các cơ sở y tế, trường học. Phối hợp tăng cường công tác kiểm soát ngăn chặn thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu; thành lập và tham gia các Đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, trường học…

10. UBND các huyện, thị xã và thành phố:

- Thành lập, củng cố, kiện toàn, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá cấp huyện và chỉ đạo thành lập, củng cố, kiện toàn đến cấp xã và các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện; có quy chế và kế hoạch hoạt động cụ thể; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội, bổ sung tiêu chí không sử dụng thuốc lá vào cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa tại khu dân cư.

- Cân đối, bố trí ngân sách, bảo đảm nguồn kinh phí cho việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên; các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các cơ quan tích cực tuyên truyền, giáo dục hội viên và người dân, để mọi người thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và định kỳ 01 năm gửi báo cáo kết quả hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cơ quan, đơn vị, địa phương về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Dung

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2017 tăng cường thực thi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 11/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản