Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 3 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC TỔNG ĐIỀU TRA CÁC CƠ SỞ KINH TẾ, HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP NĂM 2012 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Thực hiện Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2012 về thành lập Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo Tổng điều tra Cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc Tổng điều tra lần này được triển khai nhằm mục đích thu thập thông tin của các cơ sở kinh tế, đơn vị hành chính sự nghiệp về số lượng, trình độ lực lượng lao động, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; sự phân bố các cơ sở kinh tế, lực lượng lao động theo từng ngành, theo địa bàn, theo cấp hành chính là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá tình hình phát triển của doanh nghiệp, cơ sở hành chính sự nghiệp trên địa bàn thành phố trong những năm qua, làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, là hệ thống dữ liệu cơ bản cho các cuộc điều tra chọn mẫu hàng năm thời kỳ 2013 - 2017 của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời là nền tảng thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố.

Đây là cuộc điều tra có quy mô lớn, có tính chất phức tạp, phạm vi điều tra rộng, có liên quan đến nhiều đối tượng, đặc biệt càng phức tạp đối với thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh với số lượng cơ sở kinh tế chiếm khoảng 30% số lượng của cả nước. Để cuộc Tổng điều tra tại thành phố đạt kết quả tốt, đảm bảo chất lượng số liệu điều tra, hoàn thành đúng kế hoạch theo quy định, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo:

1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 các cấp khẩn trương xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, điều hành tốt cuộc tổng điều tra trên địa bàn được phân công.

2. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp thành phố và các địa phương chủ trì phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, các cơ quan báo chí của Trung ương và thành phố tổ chức thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, kế hoạch Tổng điều tra bằng nhiều hình thức đa dạng như tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, truyền hình, truyền thanh), trên mạng Internet, sử dụng logo, áp phích cổ động, v.v... tạo điều kiện cho các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp hiểu rõ mục đích, ý nghĩa để phối hợp với lực lượng điều tra viên kê khai đúng, đầy đủ các nội dung điều tra theo yêu cầu.

3. Thủ trưởng các Sở - ban - ngành sau có trách nhiệm cung cấp cho Cục Thống kê (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) danh sách các đơn vị ngành đang quản lý để lập danh sách điều tra chính xác và đầy đủ nhất:

a) Sở Kế hoạch Đầu tư, Cục Thuế và Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp cung cấp danh sách các doanh nghiệp.

b) Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp danh sách các cơ sở giáo dục và đào tạo.

c) Sở Y tế cung cấp danh sách các cơ sở y tế.

d) Sở Nội vụ cung cấp danh sách các hiệp hội và hội nghề nghiệp.

đ) Kho bạc Nhà nước cung cấp danh sách các đơn vị hành chính, sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách.

e) Ban Tôn giáo Thành phố cung cấp danh sách các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

4. Tổng giám đốc, Giám đốc các Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, các công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần có vốn nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân và cơ sở kinh tế thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước; các đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm cử người tham dự tập huấn, ghi phiếu và kê khai phiếu điều tra một cách chính xác, gửi đúng thời gian quy định theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra.

5. Cục Thống kê là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra, có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra theo đúng phương án của Ban Chỉ đạo Trung ương và thành phố; xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhân sự, tổ chức tập huấn, bố trí phân công; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tổng điều tra, đôn đốc các sở - ngành, quận - huyện, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác Tổng điều tra trên địa bàn thành phố; thường xuyên báo cáo tình hình, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố xử lý kịp thời những vấn đề phản ánh trong quá trình thực hiện Tổng điều tra. Kết thúc đợt Tổng điều tra phải tổ chức tổng kết, tổng hợp và báo cáo kết quả Tổng điều tra cho Ủy ban nhân dân Thành phố.

6. Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố về kinh phí Tổng điều tra, thẩm định, đề xuất kinh phí cho các công việc phát sinh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố, giải quyết kinh phí kịp thời để phục vụ cho cuộc Tổng điều tra được tiến hành thuận lợi, có hiệu quả.

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp các cấp, Giám đốc các Sở - ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo sâu sát, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này nhằm đảm bảo cho cuộc Tổng điều tra đạt kết quả tốt.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2012 về tổ chức Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 11/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/03/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thị Hồng
  • Ngày công báo: 15/04/2012
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 23/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản