Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Mỹ Tho, ngày 15 tháng 6 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Ngày 14 tháng 11 năm 2008, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009. Đây là văn bản luật quan trọng, có phạm vi áp dụng rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và nhân dân.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định số 2425/QĐ-BTP ngày 29/12/2008 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Luật Thi hành án dân sự; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh:

Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội đến cán bộ, công chức và nhân dân thông suốt thực hiện.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự trong cán bộ, công chức ngành, cơ quan, đơn vị để quán triệt thực hiện tốt các nội dung của Luật.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự trong cán bộ, công chức và nhân dân ở địa phương. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến Luật Thi hành án dân sự ở địa phương.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, hệ thống truyền thanh cơ sở và đề nghị Báo Ấp Bắc tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự trên Báo, Đài, các phương tiện thông tin đại chúng để mọi tầng lớp nhân dân ở địa phương nắm bắt thực hiện các nội dung của Luật. Thường xuyên và kịp thời đưa tin, bài về công tác thi hành án dân sự ở địa phương để tạo sự tác động, ảnh hưởng tích cực trong xã hội, biểu dương gương người tốt việc tốt trong công tác thi hành án dân sự, thực thi pháp luật; đưa tin, bài về công tác đấu tranh, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật, cản trở, chống đối việc thi hành án nhằm giáo dục, phòng ngừa chung.

2. Tổng kết việc thực hiện ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho Giám đốc Sở Tư pháp trong việc quản lý một số mặt công tác tổ chức cán bộ thi hành án dân sự:

Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện ủy quyền quản lý một số mặt công tác tổ chức cán bộ của cơ quan thi hành án dân sự theo Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP ngày 18/5/2005, được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BTP ngày 16/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và báo cáo về Bộ Tư pháp theo quy định. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và bàn giao hồ sơ, tài liệu về cán bộ thi hành án sang Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh chậm nhất là tháng 7 năm 2009.

3. Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, công việc theo quy định tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự và Quyết định số 2425/QĐ-BTP ngày 29/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để kịp thời thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

4. Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Nội vụ theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tại Điều 173 Luật Thi hành án dân sự.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Chỉ đạo việc tổ chức, phối hợp các cơ quan có liên quan trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn;

- Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;

- Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm trưởng, Phó cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;

- Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện tự kiểm tra, đề nghị Trưởng thi hành án dân sự tỉnh kiểm tra công tác thi hành án dân sự ở địa phương;

- Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

- Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

6. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn.

7. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác thi hành án dân sự.

Tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp phải đề cao vai trò và trách nhiệm chỉ đạo thực hiện công tác phối hợp thi hành án dân sự; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác phối hợp thi hành án dân sự ở địa phương.

Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và xã có trách nhiệm quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động thực thi pháp luật, là nhiệm vụ chính trị chung nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, lợi ích của Nhà nước, do đó, cần phải đề cao trách nhiệm phối hợp trong công tác thi hành án. Thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự theo quy định tại chương VIII của Luật Thi hành án dân sự; kịp thời bố trí cán bộ tham gia phối hợp thực hiện công tác thi hành án dân sự theo đề nghị của cơ quan thi hành án; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp có kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự trong cán bộ, hội viên, các tầng lớp nhân dân để thông suốt và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về thi hành án dân sự. Đồng thời thực hiện giám sát công tác thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật, phản ánh kịp thời những thiếu sót, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung nêu trên. Giao Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Cục Quản lý THADS BTP;
- TT.TU; TT.HĐND tỉnh;
- TT. UBMTTQ tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các H, TP, TX;
- TV Ban Chỉ đạo THADS tỉnh;
- THADS tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- PVP: Đỗ Chung Thuỷ;
- Lưu: VT, (D).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Trung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2009 tổ chức thực hiện Luật thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 11/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/06/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Thanh Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/06/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản