Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2008/CT-UBND

Đà Lạt, ngày 18 tháng 11 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN.

Trong thời gian qua, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện trình tự thủ tục soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật còn lúng túng, một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa chủ động đề xuất Chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hàng năm; chưa xác định rõ những văn bản chứa đựng nội dung quy phạm pháp luật và thực hiện trình tự, thủ tục soạn thảo; nhiều dự thảo chưa tổ chức lấy kiến các cơ quan, tổ chức liên quan trước khi gửi cơ quan tư pháp thẩm định hoặc chưa có báo cáo thẩm định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; một số văn bản được soạn thảo chưa đúng hình thức hoặc có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi.

Nguyên nhân là do cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chưa nắm chắc trình tự, thủ tục soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa tận dụng và phát huy vai trò của cán bộ pháp chế, chưa tạo điều kiện cho cán bộ pháp chế thực hiện nhiệm vụ pháp chế theo quy định.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật ở địa phương; UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo như sau:

1. Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo và quan tâm hơn nữa đến công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, kịp thời và tính khả thi.

2. Trước ngày 01/10 hàng năm, UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh gửi dự kiến đề nghị ban hành nghị quyết, quyết định, chỉ thị hàng năm của HĐND và UBND tỉnh thuộc phạm vi quản lý của mình đến Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp. Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Nội vụ lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của HĐND và UBND tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của HĐND và UBND tỉnh là cơ sở để cấp kinh phí chi cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND ngày 07/8/2008 của UBND tỉnh về mức chi cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND.

3. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải thực hiện nghiêm túc việc xây dựng dự thảo, tờ trình, đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động của văn bản, tiếp thu, tổng hợp ý kiến, chỉnh lý dự thảo theo đúng quy định trước khi gửi cơ quan thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

4. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh phải quan tâm củng cố tổ chức và hoạt động của đội ngũ pháp chế theo đúng quy định tại Quyết định số 137/2006/QĐ-UBND ngày 21/6/2006 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành quy chế hoạt động của đội ngũ pháp chế các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND tỉnh. Tạo điều kiện để cán bộ pháp chế tham gia vào quá trình xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tất cả dự thảo do cơ quan chuyên môn soạn thảo phải có sự tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến của cán bộ pháp chế của cơ quan.

5. UBND các cấp phải tạo điều kiện để các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác và nhân dân giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND theo quy định của pháp luật.

6. Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp nào ban hành phải được cấp đó thường xuyên rà soát và định kỳ hệ thống hoá theo thời gian, theo cơ quan có thẩm quyền ban hành và theo lĩnh vực điều chỉnh.

UBND các cấp có trách nhiệm thành lập bộ phận thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật của mình và của HĐND cùng cấp.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp có trách nhiệm giúp HĐND và UBND cấp mình thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành mình để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

7. Trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh.

Hàng năm chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp tổng hợp dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để trình UBND tỉnh thông qua và điều chỉnh chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định và chỉ thị của UBND tỉnh.

Giúp UBND tỉnh quản lý văn bản quy phạm pháp luật, quản lý hoạt động in ấn, phát hành công báo cấp tỉnh, đưa tin, gửi và lưu trữ văn bản theo quy định của pháp luật.

8. Trách nhiệm của Sở Tư Pháp.

Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp việc lập, thông qua và điều chỉnh chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hàng năm trình UBND tỉnh quyết định.

Thẩm định về sự cần thiết ban hành; đối tượng, phạm vi điều chỉnh; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi cũng như ngôn ngữ, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh ban hành hàng năm để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành cho phù hợp với tình hình thực tế và văn bản hiện hành.

Thường xuyên giúp UBND tỉnh tự kiểm tra văn bản do UBND tỉnh ban hành và định kỳ hàng năm tổ chức đoàn kiểm tra để kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND cấp huyện ban hành; giúp UBND tỉnh xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do HĐND, UBND tỉnh ban hành.

9. Trách nhiệm của HĐND, UBND cấp huyện.

Chỉ đạo Phòng Tư pháp thẩm định nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND do các cơ quan chuyển đến và phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND làm đầu mối giúp UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hoá và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của cấp mình ban hành để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

10. Sở Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kịp thời kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan được giao ngay từ đầu năm để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình ban hành hàng năm của HĐND và UBND tỉnh.

11. Chánh Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này./-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa