Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND | Hải Phòng, ngày 11 tháng 4 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
Thuốc bảo vệ thực vật là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, vật tư quan trọng trong sản xuất trồng trọt, vừa có tác dụng phòng trừ dịch hại bảo vệ cây trồng, nhưng cũng có tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe cộng đồng nếu việc kinh doanh, buôn bán, sử dụng không đúng quy định.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Năm 2016, qua thanh tra, kiểm tra của cơ quan chuyên ngành Bảo vệ thực vật đã phát hiện 38/143 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật vi phạm (bằng 26,5% số điểm thanh tra, kiểm tra), trong đó 18/38 cơ sở vi phạm buôn bán thuốc ngoài Danh mục, 6/38 cơ sở vi phạm buôn bán thuốc quá hạn sử dụng. Đặc biệt các vi phạm về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ngoài Danh mục, thuốc quá hạn sử dụng chủ yếu xảy ra tại các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, theo mùa vụ trong thôn, xóm (23/24 trường hợp bán thuốc bảo vệ thực vật ngoài Danh mục, thuốc quá hạn sử dụng là các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ bằng 95,8% số điểm vi phạm). Những vi phạm này đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng, gây mất an toàn thực phẩm và môi trường.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân cũng còn nhiều bất cập, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, không tuân thủ thời gian cách ly, sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật trong một lần phun, đặc biệt tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài Danh mục vẫn diễn ra tại các vùng trồng rau (năm 2016, kiểm tra 11 vùng trồng rau, phát hiện 10/11 vùng có bao gói thuốc bảo vệ thực vật ngoài Danh mục); bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được thu gom, xử lý theo quy định là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật bảo vệ sản xuất, sức khỏe cộng đồng và môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện một số nội dung sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thanh tra chuyên ngành bảo vệ thực vật phối hợp với các huyện, quận, các ngành chức năng của thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đối với các trường hợp vi phạm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, thuốc ngoài Danh mục.
- Quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động hội thảo, quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật; tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; xây dựng và thực hiện các mô hình, quy trình sản xuất rau, củ, quả an toàn.
- Kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo đúng quy định.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, quận:
- Chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, định kỳ, đột xuất việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường.
3. Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, quận tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố.
4. Đề nghị các đoàn thể thành phố: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố tăng cường vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom, vận chuyển, xử lý bao bói thuốc bảo vệ theo đúng quy định.
5. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
- Có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài Danh mục, thuốc kém chất lượng; kiên quyết đình chỉ các trường hợp buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không đủ điều kiện; kiến nghị với cấp có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đối với các trường hợp cố tình vi phạm; công khai các trường hợp vi phạm trên phương tiện truyền thanh của địa phương để tăng tính răn đe, hạn chế các trường hợp vi phạm.
- Tổ chức cho các chủ cửa hàng ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.
- Chỉ đạo thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận đối với các vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật xảy ra trên địa bàn.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂNTHÀNH PHỐ |
- 1Quyết định 05/2013/QĐ-UBND quy định quản lý Nhà nước về thuốc Bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 2Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 3Quyết định 05/2017/QĐ-UBND Quy định hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 4Quyết định 05/2019/QĐ-UBND bãi bỏ một số nội dung của quy định về quản lý thuốc Bảo vệ thực vật kèm theo Quyết định 03/2018/QĐ-UBND do tỉnh Nghệ An ban hành
- 1Luật an toàn thực phẩm 2010
- 2Quyết định 05/2013/QĐ-UBND quy định quản lý Nhà nước về thuốc Bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 3Luật bảo vệ môi trường 2014
- 4Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 5Quyết định 05/2017/QĐ-UBND Quy định hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 6Quyết định 05/2019/QĐ-UBND bãi bỏ một số nội dung của quy định về quản lý thuốc Bảo vệ thực vật kèm theo Quyết định 03/2018/QĐ-UBND do tỉnh Nghệ An ban hành
Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật do thành phố Hải Phòng ban hành
- Số hiệu: 10/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 11/04/2017
- Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
- Người ký: Nguyễn Xuân Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/04/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra