Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-CTUBND

Hưng Yên, ngày 01 tháng 9 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC DẠY HỌC AN TOÀN, BẢO ĐẢM CHƯƠNG TRÌNH, MỤC TIÊU CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM HỌC 2021-2022 VÀ ỨNG PHÓ VỚI DỊCH BỆNH COVID-19

Năm học 2021-2022, năm đầu tiên ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX; tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; là năm học toàn Ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo.

Nhằm tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình, mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo và ứng phó với dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngáy 16/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo; Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 19/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 20/3/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố:

a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, cập nhật kịp thời chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với thực tế của Ngành, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

b) Xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, giúp các em vừa đảm bảo sức khỏe, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và đảm bảo chất lượng giáo dục của từng lớp học, cấp học.

c) Thực hiện công tác dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa bảo đảm chất lượng; chuẩn hoá hệ thống bài giảng, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh. Xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp.

Đối với giáo dục mầm non, không tổ chức dạy học trực tuyến, tập trung phối hợp, hướng dẫn hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà theo các hình thức phù hợp.

d) Rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020-2021; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh thực hiện kịp thời việc miễn, giảm học phí cho các đối tượng học sinh theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

đ) Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục trung học phổ thông công lập và phối hợp thực hiện đối với bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập theo Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 30/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh và bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.

e) Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đặc biệt là việc đảm bảo phòng học, trang thiết bị học tập để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo đủ công trình vệ sinh, nước sạch trong cơ sở giáo dục.

Theo dõi, đôn đốc UBND huyện, thị xã, thành phố đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn; đặc biệt là việc đảm bảo đủ số lượng phòng học kiên cố và công trình vệ sinh, nước sạch trong các nhà trường đáp ứng yêu cầu sử dụng của học sinh, giáo viên.

g) Thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đại trà, công tác nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo các Kế hoạch của UBND tỉnh (Số 58/KH-UBND ngày 13/4/2021, số 84/KH-UBND ngày 02/6/2021). Triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề xuất giải pháp phù hợp hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là giáo viên, người lao động trong cơ sở giáo dục ngoài công lập.

h) Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non; triển khai thực hiện chương trình Giáo dục mầm non đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 51/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 về chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025” theo Kế hoạch số 626/KH-BGDĐT; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 22/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển giáo dục mầm non tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

i) Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022; chuẩn bị các điều kiện dạy môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023; triển khai xây dựng tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10.

k) Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học. Nâng cao chất lượng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

l) Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 09/CT-CTUBND ngày 12/7/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030; tham mưu thực hiện Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, quản trị các cơ sở giáo dục thường xuyên; nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; thực hiện hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025.

m) Triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài; tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh tiểu học học trực tuyến. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.

n) Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ các cơ sở giáo dục. Tăng cường thanh tra quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) và công khai trước công luận.

3. Sở Y tế: Hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các nhà trường; có kế hoạch tiêm vắc xin cho giáo viên dạy lớp 1 và giáo viên các bậc học còn lại theo lộ trình; tiến tới tiêm vắc xin cho học sinh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

4. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn việc sử dụng an toàn các công cụ, phần mềm dạy học trực tuyến. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển các nền tảng dạy học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các nhà trường, giáo viên, học sinh, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn về kết nối internet, dịch vụ hạ tầng số, thiết bị đầu cuối.

5. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Hướng dẫn các hoạt động văn hóa thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục phù hợp với tình hình dịch bệnh; hướng dẫn các gia đình phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả trong thời gian học tập tại nhà.

6. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh việc rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo yêu cầu công tác dạy học; hướng dẫn, đôn đốc UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tuyển dụng đủ giáo viên trên cơ sở số lượng người làm việc được giao

7. Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc đảm bảo các điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022.

8. UBND huyện, thị xã, thành phố

a) Thực hiện quản lý nhà nước theo thẩm quyền về giáo dục và đào tạo trên địa bàn; triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về giáo dục và đào tạo; phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2021-2022.

b) Tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học còn thiếu tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, hỗ trợ xây dựng phòng học các trường trung học phổ thông trên địa bàn; bảo đảm đủ công trình vệ sinh, nước sạch đảm bảo chất lượng trong cơ sở giáo dục.

c) Khẩn trương tuyển dụng đủ giáo viên (nhất là giáo viên bậc mầm non, giáo viên Tin học, Ngoại ngữ bậc tiểu học) trên cơ sở số lượng người làm việc được giao; bố trí, sắp xếp giáo viên phù hợp với tình hình thực tế của từng trường và tình hình chung của địa phương.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các ngành, đoàn thể tạo sự đồng thuận, huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội chung tay xây dựng xã hội học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022; tạo điều kiện hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh gia đình chính sách các điều kiện, phương tiện phục vụ học tập trực tuyến./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy,
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Thành uỷ, Thị ủy và các Huyện uỷ;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Hưng Yên, Đài PTTH Hưng Yên;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT, KGVXPh

CHỦ TỊCH




Trần Quốc Văn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/CT-CTUBND năm 2021 về tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình, mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo năm học 2021-2022 và ứng phó với dịch bệnh COVID-19 do tỉnh Hưng Yên ban hành

  • Số hiệu: 10/CT-CTUBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/09/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Trần Quốc Văn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản