UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/1998/CT-UB | Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN DÁN TEM HÀNG NHẬP KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Để tiếp tục thực hiện chỉ thị 853/1997 TTg ngày 11/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong tình hình mới, ngày 16/3/1998 Liên Bộ Tài chính - Thương mại - Nội vụ - Tổng cục Hải quan đã ban hành Thông tư liên tịch số 30/1998/TTLT - BTC - BTM - BNV - TCHQ hướng dẫn triển khai dán tem đối với các mặt hàng nhập khẩu: Máy thu hình, đầu video, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, động cơ nổ, sứ vệ sinh được thực hiện dán tem từ 1/4/1998 đến hết ngày 15/4/1998.
Nhằm tổ chức thực hiện tốt chủ trương trên, UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện các việc sau đây:
1. Công tác tuyên truyền:
- Sở Văn hóa thông tin chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương dán tem hàng nhập khẩu; Hướng dẫn, giải thích nội dung thông tư liên tịch số 30/1998/TTLT ngày 16/3/1998 của liên Bộ Tài chính, Thương mại, Nội vụ, Tổng cục Hải quan đến các tổ chức và cá nhân kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu trên để các hộ tự nguyện, tự giác chấp hành và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
- Các Sở, Ban, Ngành, UBND các Quận, Huyện phổ biến, quán triệt chủ trương dán tem, thông tư liên tịch số 30/TTLT trong đơn vị, để mọi cán bộ nhân viên trong ngành hưởng ứng và tham gia tích cực công tác dán tem hàng nhập khẩu đợt này.
- Thường xuyên đưa tin kết qủa kê khai và dán tem, biểu dương đơn vị và các cá nhân làm tốt và phê bình nhắc nhở đơn vị cá nhân chưa làm tốt, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong qúa trình thực hiện dán tem các mặt hàng nhập khẩu.
2. Tổ chức thực hiện:
- Sở Thương mại Hà nội (Chi cục quản lý thị trường): Chủ trì phối kết hợp với Cục Thuế Hà nội, Công an Thành phố và các ngành liên quan có kế hoạch thực hiện việc kê khai, kiểm tra xác nhận và dán tem xử lý vi phạm; bảo đảm trên địa bàn Thành phố đều được kê khai và dán tem xong các mặt hàng nhập khẩu đợt này đúng thời gian quy định.
Sở Thương mại có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo thường xuyên kết qủa thực hiện dán tem cho UBND Thành phố và TW, phát hiện những vướng mắc và đề xuất các biện pháp chỉ đạo nhằm thực hiện tốt việc dán tem các mặt hàng nhập khẩu đợt này.
- Cục Thuế Hà nội: Phối kết hợp chặt chẽ với Chi cục quản lý thị trường, có kế hoạch bố trí cán bộ, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ dán tem, in đủ tờ khai và tiếp nhận kết qủa xác nhận tờ khai, tổ chức thực hiện dán tem các mặt hàng nhập khẩu theo quy định, xử lý truy thu thuế các trường hợp vi phạm.
- Công an Thành phố: Bám sát và nắm chắc mọi biến động trong qúa trình triển khai dán tem, phát hiện và xử lý kịp thời các phần tử chống đối, lợi dụng việc dán tem để xuyên tạc, kích động quần chúng gây biến động giá cả thị trường và cản trở việc thực hiện dán tem. Hỗ trợ cho các cơ quan chức năng trong việc dán tem trên các địa bàn trọng điểm.
- Cục Hải quan Hà nội: Thực hiện dán tem các mặt hàng nhập khẩu nói trên tại các cửa khẩu theo đúng quy định; Đồng thời có kế hoạch kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại ở các cửa khẩu.
- Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Thành phố: Thực hiện việc cấp kinh phí phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ trọng tâm đột xuất này (ứng trước 50% theo dự toán của Chi cục quản lý thị trường, Cục thuế và các lực lượng có trách nhiệm trực tiếp tổ chức việc dán tem, sau đó căn cứ quyết định của UBND Thành phố để quyết toán chính thức). Thực hiện việc tiếp nhận, xử lý nhanh chóng hàng tịch thu do các cơ quan chức năng bàn giao.
- UBND các Quận, Huyện: Có kế hoạch chỉ đạo thường xuyên UBND phường, xã, thị trấn; các cơ quan chức năng, các tổ chức và cá nhân kinh doanh thực hiện tốt các nội dung, biện pháp dán tem theo đúng quy định tại thông tư liên tịch số 30/1998/TTLT-BTC-BTM-BNV-TCHQ.
3. Các cơ quan QLTT, Thuế, Công an, Hải quan trên địa bàn Thành phố và UBND các Quận, Huyện phải chấp hành việc thông tin nhanh hàng ngày và sau khi kết thúc việc dán tem phải có báo cáo kết qủa bằng văn bản gửi về UBND Thành phố (qua Sở Thương mại) Sau khi đã dán tem các mặt hàng các ngành chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ việc lưu thông các mặt hàng phải dán tem trên thị trường. Phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm theo quy định.
Thực hiện dán tem hàng nhập khẩu là biện pháp tích cực để chống nhập lậu và tiêu thụ hàng nhập lậu, công tác này có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân và có các loại hình kinh doanh, lại phải triển khai trong thời gian rất ngắn. Do đó sẽ có nhiều khó khăn, phức tạp; Vì vậy UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành cần coi đây là một công tác trọng tâm đột xuất; Phải tập trung chỉ đạo sát sao và thống nhất theo yêu cầu của chỉ thị này và thông tư số 30/1998/TTLT-BTC-BTM-BND-TCHQ ngày 16/3/1998 của liên Bộ Tài chính - Thương mại - Nội vụ - Tổng cục Hải quan.
Nơi nhận: | TM/ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
- 1Chỉ thị 853/1997/CT-TTg về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên tịch 30/1998/TTLT-BTC-BTM-BNV-TCHQ về việc dán tem hàng nhập khẩu do Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Nội vụ và Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Chỉ thị 09/1999/CT-UB về dán tem hàng nhập khẩu do Tỉnh Lào Cai ban hành
Chỉ thị 10/1998/CT-UB về việc tiếp tục dán tem hàng nhập khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 10/1998/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 25/03/1998
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Lương Ngọc Cừ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/03/1998
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết