Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 4 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong những năm qua, công tác truyền thông chính sách trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng được quan tâm, đầu tư; công tác triển khai ngày càng được chú trọng và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhiều Sở, ngành, địa phương vẫn còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách: chưa tổ chức bộ phận tham mưu, chưa có sự chủ động, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác truyền thông chính sách. Đặc biệt, nhiều nơi chưa thực hiện tốt các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã để xảy ra những sự cố truyền thông trên một số lĩnh vực, gây ảnh hưởng và làm dư luận xã hội chưa hiểu đầy đủ và kịp thời về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của chính quyền Thành phố

Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách; căn cứ Quyết định số 765/QĐ-BTTTT ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg;

Nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông chính sách, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi chính sách, pháp luật trong bối cảnh bùng nổ thông tin nhiều chiều như hiện nay,

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu:

1. Các Sở, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện:

a) Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách ở tất cả các cấp, các ngành, coi đây là một nhiệm vụ, chức năng của cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị.

b) Thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ- CP ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027’'.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin theo đề nghị của các cơ quan báo chí trong giao ban báo chí hằng tuần tại Trung tâm Báo chí Thành phố (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông); phản hồi kịp thời các đề nghị của cơ quan báo chí liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

c) Xây dựng Kế hoạch truyền thông chương trình công tác năm, kế hoạch thực hiện chủ đề năm; các chủ trương, chính sách mới, quan trọng; các hoạt động trọng tâm. Chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc cung cấp thông tin cho báo chí trong các giai đoạn từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành, thực thi và đánh giá chính sách; đảm bảo tính công khai, minh bạch, kịp thời, đúng quy định và dự báo được các vấn đề phát sinh.

Phát huy vai trò các cơ quan báo chí tham gia trong việc góp ý, phản biện trong quá xây dựng và thực thi chính sách.

d) Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông.

đ) Bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu việc đặt hàng cho các cơ quan báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.

e) Đẩy mạnh truyền thông chính sách trên nền tảng số Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành.

2. Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố:

a) Chủ động cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho cơ quan báo chí để thực hiện tốt, hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương, Thành phố. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các Sở, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện việc chủ động cung cấp thông tin và cung cấp thông tin đáp ứng tốt nhu cầu của các cơ quan báo chí.

b) Tham mưu tổ chức lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của Cổng thông tin điện tử Thành phố

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, theo dõi định kỳ tổng hợp và tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình thực hiện cung cấp thông tin và thực hiện công tác truyền thông chính sách của các Sở, ngành, thành phố Thủ Đức, các quận, huyện và các cơ quan báo chí.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ quan báo chí, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách.

c) Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và các cơ quan liên quan định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các cơ quan báo chí và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

d) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý báo chí, quản lý hoạt động truyền thông. Sử dụng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong công tác truyền thông chính sách.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương phát huy hiệu quả của hệ thống thông tin cơ sở trong công tác truyền thông chính sách và lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện của Nhân dân.

đ) Phối hợp với cơ quan liên quan theo dõi, tổng hợp thông tin trên báo chí, mạng xã hội; theo dõi, phát hiện tin giả, tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, xuyên tạc chủ trương chính sách, gây mất đoàn kết, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp xử lý phù hợp.

e ) Xây dựng mạng lưới kết nối truyền thông của các cơ quan, đơn vị để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách.

g) Đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về cơ chế, chính sách, nhất là các vấn đề dư luận xã hội quan tâm thuộc phạm vi quản lý

h) Chỉ đạo và phát huy vai trò của Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó lưu ý việc tổ chức thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin từ các cơ quan báo chí. Thực hiện chức năng đầu mối đề nghị lãnh đạo Thành phố và các cơ quan chức năng cung cấp, định hướng thông tin về các vấn đề dư luận xã hội đang bức xúc, quan tâm đến các cơ quan báo chí.

4. Sở Tư pháp:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan triển khai các nhiệm vụ hằng năm theo Quyết định 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.

h) Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân, trong đó có tăng cường truyền thông chính sách.

5. Sở Nội vụ:

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông, đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ truyền thông chính sách của các cơ quan, đơn vị, địa phương

6. Sở Ngoại vụ và Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố

Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai công tác truyền thông chính sách đến các Cơ quan Lãnh sự, tổ chức quốc tế và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai công tác truyền thông chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

7. Sở Tài chính:

Tham mưu, bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện công tác truyền thông chính sách của các Sở, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

8. Các cơ quan báo, đài Thành phố:

Các cơ quan báo, đài Thành phố phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các Sở, ngành, địa phương trong công tác truyền thông chính sách; tăng cường, nâng cao chất lượng truyền thông chính sách, đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức truyền thông đa phương tiện, đẩy mạnh truyền thông chính sách trên nền tảng số để công tác truyền thông chính sách đạt hiệu quả cao.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, ngành Thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB, CT,  các PCT;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND thành phố Thủ Đức và quận, huyện;
- Các cơ quan báo chí TP;
- VPUB, CVP, PCVP;
- Phòng TH, HCTC, TTTH, VX;
- Lưu: VT, (VX/Ha).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Anh Đức

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2024 tăng cường công tác truyền thông chính sách trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 09/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/04/2024
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Dương Anh Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/04/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản