Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Thái Bình, ngày 22 tháng 04 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ HOẠT ĐỘNG VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm, thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.

Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ trong tỉnh; phụ nữ bị hạn chế hơn nam giới về cơ hội việc làm và thu nhập; gặp nhiều khó khăn trong việc học tập, đào tạo nâng cao trình độ; tình trạng nạo, phá thai trong nữ thanh niên, vị thành niên có xu hướng gia tăng; tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gái còn xảy ra; công tác truyền thông về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa thực sự hiệu quả; định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhận thức chung của xã hội; một bộ phận không nhỏ phụ nữ còn mặc cảm, tự ti, chưa mạnh dạn phấn đấu vươn lên khẳng định mình; hoạt động của không ít Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thiếu chiều sâu.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Giám đốc sở, Thủ trưởng ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung cụ thể sau:

1. Tuyên truyền, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, trọng tâm là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

Trước mắt, tập trung tuyên truyền về vai trò, vị trí, sự cần thiết phải tăng số lượng nữ đại biểu trong Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan dân cử; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nữ ứng cử viên. Phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021 của tỉnh đạt từ 37% trở lên.

2. Thực hiện bình đẳng giới trong việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao tỉ lệ nữ cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị. Triển khai tích cực, hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, tập trung hỗ trợ phụ nữ nghèo; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về pháp luật lao động đối với phụ nữ trong các khu, cụm công nghiệp. Từng bước đưa giáo dục bình đẳng giới vào chương trình giáo dục nhà trường; rà soát, loại bỏ những nội dung mang tính bất bình đẳng và định kiến về giới. Nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe sinh sản; giám sát, có biện pháp khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm thiểu tình trạng nạo, phá thai, tỷ lệ tử vong của người mẹ và các bệnh lây nhiễm.

3. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới; tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự tuyên truyền về tình hình thực hiện bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ của các cơ quan, đơn vị. Kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm quảng cáo, rà soát các cơ sở in ấn, xuất bản để phòng ngừa, xử lý việc vi phạm Luật Bình đẳng giới. Chú trọng xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc, bình đẳng, không bạo lực gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống tội phạm, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái.

4. Chỉ đạo Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố thường xuyên kiện toàn, xây dựng chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực, có những giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Ban. Chủ động bố trí kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi để Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của đơn vị, địa phương hoạt động có hiệu quả.

5. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những bài học kinh nghiệm, những cá thể, cá nhân điển hình trong công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Tổ chức hội thảo, tập huấn thiết thực giúp thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp cập nhật kịp thời những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới và hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của tỉnh; theo dõi, đôn đốc tiến độ, định kỳ hàng năm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện các nội dung của Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban quốc gia VSTBCPN Việt Nam;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình;
- Báo Thái Bình;
- Cổng thông tin điện tử của tỉnh;
- Lưu VT, KGVX, TH.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Diên