Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Hòa Bình, ngày 02 tháng 07 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

Trong những năm qua công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện và thu được những kết quả nhất định. Chất lượng vật tư nông nghiệp góp phần tăng năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm trồng trọt được nâng cao, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo đầu ra tương đối ổn định, được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên việc quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp còn nhiều bất cập, chất lượng vật tư nông nghiệp không đồng đều, một số tổ chức, cá nhân đã đưa ra thị trường những giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả gây thiệt hại cho người sản xuất. Các hoạt động khảo nghiệm, hội thảo, quảng bá, xây dựng mô hình trình diễn không đúng quy định; đưa các giống cây trồng nhập nội vào sản xuất nhưng không khai báo theo quy định, không có hồ sơ giống, có nơi một số nông dân do lợi ích trước mắt hoặc do thiếu hiểu biết đã cố ý sử dụng chất kích thích sinh trưởng, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng vào trồng trọt làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường sống, sức khỏe cộng đồng vv.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004, Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25/7/2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Quản lý phân bón và khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, xây dựng văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện quy định trình tự, thủ tục cho các tổ chức, cá nhân có các hoạt động về sản xuất, kinh doanh, khảo nghiệm giống cây trồng, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo sự thống nhất trong toàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành trong quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh và chất lượng vật tư nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức trong công tác quản lý nhà nước về quản lý vật tư nông nghiệp cho cán bộ của các cơ quan chuyên môn và cơ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với các cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh, thực hiện việc rà soát, thống kê danh sách và phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định;

- Quản lý các hoạt động sản xuất, khảo nghiệm, sản xuất thử, quảng bá, hội thảo về giống cây trồng, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành;

- Hằng năm tiến hành rà soát, đánh giá, lựa chọn những giống cây trồng, loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương để khuyến cáo sử dụng. Kiên quyết loại những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ làm ảnh hưởng không tốt đến sản xuất trồng trọt của tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh và chất lượng vật tư nông nghiệp; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở vi phạm;

Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về phân cấp quản lý vật tư nông nghiệp, cơ chế phối hợp giữa tỉnh, huyện, xã và các Sở, ngành có liên quan trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp;

Kiện toàn và hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về giống cây trồng Nông nghiệp từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Hằng năm xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Căn cứ nội dung, kế hoạch công tác và nhu cầu trang thiết bị phục vụ, xây dựng dự toán kinh phí gửi về Sở Tài chính để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Sở Công thương

Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra về giá, nhãn hiệu hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Xây dựng kế hoạch hằng năm và tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiện toàn bộ máy, chức năng nhiệm vụ của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thành phố đảm bảo đủ năng lực tham mưu giúp UBND cấp huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ việc kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn quản lý, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, tổ chức ký cam kết với các cơ sở thực hiện tốt các quy định của nhà nước về đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp.

Chủ động bố trí kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn quản lý. Gắn trách nhiệm tổ chức chỉ đạo quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp của chính quyền các cấp song song với việc chỉ đạo sản xuất; đưa chương trình quản lý vật tư nông nghiệp vào kế hoạch sản xuất của địa phương.

4. Các cơ quan: Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hòa Bình

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân có tham gia sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra về chất lượng vật tư nông nghiệp để thông tin kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.

5. Các Sở, ngành liên quan

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của đơn vị chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nội dung Chỉ thị này.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện, định kỳ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Báo Hòa Bình;
- Đài PT&TH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, Phó VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN (BD80b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

  • Số hiệu: 09/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Nguyễn Văn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản