Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/2006/CT-BXD

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGÀNH XÂY DỰNG

Trong những năm qua, triển khai thực hiện các các chủ trương chính sách của Nhà nước, của Bộ về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Quyết định số 74/2001/QĐ-TTg ngày 7/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2001-2005 ; Quyết định số 69/2003/QĐ-TTg ngày 29/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước giai đoạn I (2003-2005) ; Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 ...v.v), công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Ngành bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, đặc biệt với sự vận động rất nhanh của cơ chế mới, của tiến trình hội nhập Quốc tế, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành cần được đào tạo bồi dưỡng nâng cao hơn, đồng bộ hơn nữa về kiến thức về quản lý Nhà nước, quản lý Ngành và kiến thức về pháp luật. Để đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức vào nề nếp và có kế hoạch thường xuyên, liên tục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực Ngành Xây dựng đến năm 2010, tầm nhìn 2020, Bộ yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Ngành triển khai một số công việc sau đây:

1. Quán triệt mục tiêu, yêu cầu và nội dung đào tạo, bồi dưỡng

1.1. Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng là nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức,viên chức thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý của Ngành.

1.2. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,viên chức phải thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, từng đơn vị và tập trung chính vào các nội dung:

a) Kiến thức lý luận chính trị;

b) Kiến thức pháp luật, kiến thức và kỹ năng quản lý Nhà nước;

c) Kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ;

d) Kiến thức, kỹ năng về ngoại ngữ;

e) Kiến thức tin học và các kiến thức bổ trợ khác.

2. Chỉ đạo tốt việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng

2.1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chuẩn nghiệp vụ của từng ngạch công chức, viên chức. Thủ trưởng đơn vị phải căn cứ vào nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị để cử đúng đối tượng, phù hợp với chức năng nhiệm vụ và nhu cầu công tác đi đào tạo, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

2.2. Cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức danh và thuộc ngạch nào phải được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ kiến thức quy định cho chức danh và ngạch đó.

2.3. Hàng năm các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch cử cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đúng theo quy định. Cán bộ cử đi đào tạo và nội dung cần đào tạo bồi dưỡng phải thiết thực, phù hợp với Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của Ngành và của đơn vị. Vụ Tổ chức cán bộ căn cứ theo nội dung nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của các đơn vị và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Ngành để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng phê duyệt.

2.4. Theo kế hoạch được duyệt, căn cứ theo nhu cầu thực tế, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo kế hoạch cử cán bộ lãnh đạo quản lý cấp vụ, cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn và cập nhật kiến thức về các nội dung nêu trong mục (1.2.).

2.5. Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngành Xây dựng phối hợp các vụ chức năng, các trường, các Viện nghiên cứu thuộc Bộ , các cơ sở đào tạo khác tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng, theo đúng nội dung chương trình được phê duyệt. Bộ khuyến khích các cá nhân cán bộ, công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ về chuyên môn và nghiệp vụ quản lý.

3. Nêu cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và thủ trưởng đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng

3.1. Cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên có ý thức học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức, kỹ năng hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức bổ trợ khác theo quy định, có quyền đề đạt nguyện vọng với cơ quan, đơn vị trong việc tạo điều kiện cho đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và chuẩn hoá cán bộ.

3.2. Căn cứ theo nhu cầu công tác của đơn vị và chức năng nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, Thủ trưởng đơn vị có kế hoạch, quy hoạch cử cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

3.2. Kết thúc khoá đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm nộp các bản sao văn bằng chứng chỉ về Vụ Tổ chức cán bộ (đối với cán bộ, công chức thuộc diện Bộ quản lý), về đơn vị quản lý trực tiếp (đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị quản lý) để bổ sung vào hồ sơ cá nhân, và báo cáo kết quả học tập về Bộ (Vụ Tổ chức cán bộ) để theo dõi, quản lý.

3.3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, học tập ở nước ngoài, ngoài các quy định tại Chỉ thị này, phải tuân thủ theo các quy định khác của Nhà nước và của Bộ Xây dựng về công tác quản lý người Việt Nam học tập ở nước ngoài.

3.4. Cán bộ, công chức, viên chức sau khi đã được đào tạo, bồi dưỡng mà tự ý bỏ việc hoặc chuyển công tác khỏi khu vực Nhà nước vì lý do cá nhân thì phải bồi thường cho cơ quan, tổ chức sử dụng cán bộ, công chức, viên chức các chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Nhà nước.

4. Tăng cường công tác kiểm tra trong đào tạo, bồi dưỡng

4.1. Các khoá đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đều phải được tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả trước khi kết thúc. Hình thức tổ chức kiểm tra đánh giá do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng quy định.

4.2. Kết quả kiểm tra đánh giá kết quả học tập là căn cứ để cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ xác nhận kết quả học tập và trình độ của người được cấp chứng chỉ đã hoàn thành một chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Vụ Tổ chức cán bộ là đầu mối phối hợp với các vụ chức năng có liên quan và Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngành Xây dựng tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ quản lý và thực hiện hoạt động quản lý Ngành theo thẩm quyền được giao về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi toàn Ngành, có trách nhiệm:

- Xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản quy định về chế độ, chính sách thuộc lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt để triển khai thực hiện; tổ chức, hướng dẫn thực hiện và chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sau khi được ban hành;

- Theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ quản lý.

- Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài nước bằng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn tài trợ khác;

- Thanh tra, kiểm tra hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc Bộ;

- Xây dựng và ban hành các chế độ khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức không ngừng học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác.

5.2. Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Xây dựng được Bộ giao tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn ngạch, bậc; tổ chức bồi dưỡng nâng cao, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý chuyên ngành cho cán bộ lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ, cấp sở, ban ngành và tương đương ; tổ chức hoặc phối hợp tổ chức bồi dưỡng nâng cao, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý chuyên ngành cho cán bộ lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn theo chuyên môn ngành dọc và một số đối tượng khác theo nhu cầu.

5.3. Thủ trưởng các đơn vị cơ quan trực thuộc Bộ có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị và phải coi đây là một trong những công tác trọng tâm của đơn vị.

Định kỳ 6 tháng một lần các đơn vị tổng hợp báo cáo tình hình triển khai và đánh giá kết quả công tác cử cán bộ công chức đi đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị gửi về Bộ Xây dựng (Vụ Tổ chức cán bộ) để theo dõi, quản lý và báo cáo Lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện.

Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này./.
 

                            

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Quân

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/2006/CT-BXD về việc tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức,viên chức ngành xây dựng do bộ xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 09/2006/CT-BXD
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/06/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản