Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/PCVT

Hà Nội, ngày 09 tháng 1 năm 1995

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI THI HÀNH PHÁP LỆNH BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG 

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá 9 tại kỳ họp thứ 4 ngày 30/12/1993 về công tác xây dựng pháp luật năm 1994;

Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông.

Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 02/12/1994 và Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh ngày 10/12/1994. Đây là một văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước , nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước , trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong việc giữ gìn công trình giao thông; Pháp lệnh là một văn bản pháp lý có hiệu lực cao, làm cơ sở cho việc lập lại trật tự kỷ cương, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực bảo vệ công trình giao thông.

Trong khi chờ đợi Nhà nước ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, Bộ chỉ thị cho Thủ trưởng Cục Đường bộ, Cục Đường sông, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải (GTCC) và các đơn vị liên quan triển khai việc thi hành Pháp lệnh như sau:

I- TỔ CHỨC PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN PHÁP LỆNH:

1/ Bộ yêu cầu thủ trưởng các Cục Đường bộ, Đường sông (sau đây gọi tắt là Cục chuyên ngành), Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải, GTCC (gọi chung là Sở giao thông vận tải) tổ chức phổ biến Pháp lệnh này đến các cơ sở trực thuộc, và phối hợp với các cơ quan, Ban, Ngành có liên quan để tuyên truyền rộng rãi Pháp lệnh này.

2/ Bộ yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị nêu trên phân công 1 đồng chí lãnh đạo đơn vị trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức phổ biến và tuyên truyền Pháp lệnh này xuống từng đơn vị cơ sở.

3/ Các đơn vị phải hoàn thành việc phổ biến tuyên truyền Pháp lệnh chậm nhất trước ngày 30/4/1995.

II- MỘT SỐ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC CẦN TRIỂN KHAI ĐỂ THI HÀNH PHÁP LỆNH:

1/ Về xây dựng các văn bản dưới Pháp lệnh:

Bộ giao trách nhiệm cho các đơn vị khẩn trương xây dựng các văn bản pháp quy dưới đây để Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc Chính phủ ban hành nhằm hướng dẫn chi tiết việc thi hành Pháp lệnh:

+ Nghị định quy định thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông.

+ Nghị định quy định phân loại, phân cấp quản lý việc đầu tư vốn vào hệ thống đường bộ, đường sông, đường sắt.

+ Nghị định quy định tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn và hoạt động của lực lượng Thanh tra bảo vệ công trình giao thông.

Bốn văn bản nói trên, Bộ giao cho vụ Pháp chế - Vận tải chủ trì soạn thảo để Bộ trình Chính phủ ban hành.

+ Quy định về tải trọng và kích thước của phương tiện giao thông vận tải có tải trọng và kích thước lớn được phép nhập khẩu vào Việt Nam cho phù hợp với an toàn của hệ thống công trình giao thông đường bộ.

+ Quy định về việc xây dựng công trình ở hai bên đường giao thông thuộc hành lang bảo vệ đường bộ đảm bảo an toàn cho công trình phù hợp với quy hoạch cải tạo mở rộng đường giao thông.

Hai văn bản trên Bộ giao cho Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì nghiên cứu soạn thảo để Bộ trình Chính phủ ban hành, thực hiện điều 26 của Pháp lệnh quy định.

2/ Về quản lý phạm vi Bảo vệ công trình giao thông:

Tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông và các hành vi xâm phạm các công trình giao thông đang diễn ra rất nghiêm trọng, các Cục chuyên ngành, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải cần có biện pháp tăng cường quản lý phạm vi bảo vệ công trình giao thông.

Trong khi chờ đợi các quy định mới của Nhà nước, các đơn vị căn cứ vào các văn bản sau đây để quản lý phạm vi bảo vệ công trình giao thông:

+ Nghị định 203/HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về Điều lệ bảo vệ đường bộ và Quyết định 06/CT ngày 03/01/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thực hiện Nghị định 203/HĐBT.

+ Nghị định 120/CP ngày 12-8-1962 của Chính phủ về Điều lệ quy định phạm vi giới hạn đường sắt và trật tự an toàn giao thông đường sắt; Chỉ thị 116/TTg ngày 23/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn 131/CP ngày 13/3/1993 của Bộ Giao thông vận tải về quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt.

+ Quyết định 1286/GTTB ngày 17/7/1989 về Điều lệ bảo vệ đường thuỷ nội địa.

Đối với các tuyến đường giao thông đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cải tạo, mở rộng, nâng cấp Bộ yêu cầu các đơn vị quản lý công trình giao thông của Trung ương và địa phương cần phối hợp với các Ban, Ngành liên quan , chính quyền các cấp để công khai cắm mốc chỉ giới cho nhân dân biết và thực hiện nhằm thi hành nghiêm chỉnh Điều 6, 13, 14 của Pháp lệnh.

3/ Về quản lý việc cho phép xây dựng công trình, sử dụng, khai thác trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông:

Các Cục chuyên ngành , Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, các Sở giao thông vận tải cần quản lý chặt chẽ việc cấp phép cho các trường hợp xây dựng, sử dụng và khai thác trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông; việc cấp giấy phép cho các loại phương tiện giao thông có tải trọng và kích thước lớn hoạt động trên đường giao thông công cộng; việc cấp phép cho đào đường và các trường hợp nêu tại Điều 21 của Pháp lệnh.

4/ Về công tác quản lý chất lượng duy tu, sửa chữa công trình giao thông:

Đây là công tác hàng đầu trong việc giữ gìn bảo vệ công trình giao thông, các đơn vị cần có biện pháp chỉ đạo có hiệu quả nhiệm vụ này. Các đơn vị quản lý công trình giao thông từ Trung ương đến địa phương phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các tai nạn do nguyên nhân chất lượng công trình giao thông không đảm bảo an toàn kỹ thuật gây lên để thực hiện nghiêm túc Điều 15 của Pháp lệnh.

5/ Giải phóng mặt bằng để cải tạo mở rộng, nâng cấp đường giao thông:

Công tác này vô cùng phức tạp, là một khó khăn lớn trong việc cải tạo, mở rộng, nâng cấp đường giao thông, các đơn vị quản lý và xây dựng công trình giao thông phải phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan, Ban, Ngành liên quan để thực hiện Điều 19 của Pháp lệnh.

6/ Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi lấn chiếm và xâm phạm công trình giao thông:

Các Cục chuyên ngành, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan liên quan, tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền các cấp để xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm các vi phạm công trình giao thông đã quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, 22 của Pháp lệnh.

7/ Về kiện toàn hệ thống tổ chức các đơn vị quản lý bảo vệ công trình giao thông:

Các Cục chuyên ngành , Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn hệ thống tổ chức các đơn vị quản lý, bảo vệ công trình giao thông thuộc chuyên ngành hoặc thuộc phạm vi địa phương theo Điều 27 của Pháp lệnh.

8/ Về kinh phí cho công tác bảo vệ công trình giao thông:

Điều 5 của Pháp lệnh quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí và các điều kiện cho việc duy tu sửa chữa công trình giao thông xây dựng bằng nguồn vốn của ngân sách. Vụ KHĐT, các Cục chuyên ngành, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam cần rà soát kế hoạch chi phí cho công tác bảo vệ công trình giao thông để trình Bộ, Nhà nước phê duyệt; các Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch chi phí cho công tác Bảo vệ công trình giao thông để trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét phê duyệt.

9/ Về thu phí sử dụng công trình giao thông:

Các công trình giao thông đã được Chính phủ cho phép thu phí, Bộ yêu cầu các đơn vị cần tăng cường kiểm tra công tác thu phí và có biện pháp kiện toàn chấn chỉnh công tác này như Điều 19 của Pháp lệnh đã quy định.

10/ Về tổ chức lực lượng Thanh tra bảo vệ công trình giao thông (gọi tắt là Thanh tra giao thông).

Trong khi chờ đợi văn bản quy định đầy đủ về tổ chức , hoạt động của lực lượng Thanh tra giao thông, các Sở Giao thông vận tải, các Cục chuyên ngành trên cơ sở lực lượng Thanh tra giao thông vận tải hiện nay kiện toàn lại đội ngũ Thanh tra viên đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của Thanh tra giao thông đã được quy định tại Điều 29 của Pháp lệnh.

Trên đây là một số nhiệm vụ công tác trước mắt, Bộ yêu cầu các đơn vị triển khai để thi hành Pháp lệnh này.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1/ Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và các cơ quan Nhà nước có liên quan phối hợp và tạo điều kiện cho các đơn vị quản lý công trình giao thông thực hiện tốt Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng giúp đỡ việc phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Pháp lệnh này.

2/ Các Cục chuyên ngành, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải cần chỉ định 1 đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo việc phổ biến và triển khai các công tác đã nêu trên để thi hành Pháp lệnh.

3/ Thời gian tiến hành:

+ Bước 1: Việc phổ biến tuyên truyền Pháp lệnh cần hoàn thành trước ngày 30/4/1995 nêu như ở mục I của Chỉ thị này.

+ Bước 2: Các đơn vị cần triển khai một số nhiệm vụ công tác như đã nêu ở mục II trên đây để thực hiên Pháp lệnh này và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ.

Quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh có vướng mắc trở ngại các đơn vị báo cáo kịp thời về cho Bộ để Bộ xem xét, giải quyết.

Bộ giao trách nhiệm cho Vụ Pháp chế - Vận tải theo dõi việc thực hiện Pháp lệnh của các đơn vị và tổng hợp tình hình báo cáo Bộ và Nhà nước.

Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này.

 

 

Bùi Danh Lưu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/PCVT năm 1995 thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao do Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành

  • Số hiệu: 08/PCVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/01/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Bùi Danh Lưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/01/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản