Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2007/CT-UBND | Kon Tum, ngày 03 tháng 12 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU HÀNH GIÁ CẢ, BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2007 VÀ PHỤC VỤ TẾT NGUYÊN ĐÁN MẬU TÝ 2008
Nhằm đảm bảo bình ổn giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/2007/CT-UBND, ngày 17 tháng 08 năm 2007 về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường. Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã đã triển khai thực hiện, tuy nhiên vào những tháng cuối năm 2007, giá cả hàng hóa, dịch vụ có chiều hướng tăng cao, nhất là chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008.
Để thực hiện nhiệm vụ kiềm chế tăng giá, bình ổn thị trường, phục vụ tốt Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008 theo tinh thần Chỉ thị số 23/2007/CT-TTg , ngày 31 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục vụ Tết Nguyên Đán; Công điện ngày 22 tháng 11 năm 2007 của Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng sác sở, ban, ngành; chủ tịch Uỷ ban các huyện, thị xã; Giám đốc các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07/2007/CT-UBND, ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường; phải coi công tác bình ổn giá ở địa phương, ngành mình là trách nhiệm và nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, tăng cường công tác quản lý thị trường, có các biện pháp cụ thể (hành chính, kinh tế) không để xẩy ra hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá bán xăng và các loại dầu để tăng giá các sản phẩm một cách không hợp lý; thực hiện triệt để tiết kiệm xăng dầu ở tất cả các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức đảng, đoàn thể theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời triển khai thực hiện tốt những công việc sau:
- Sở Thương mại và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo cung cầu hàng hoá, dịch vụ; chuẩn bị lượng hàng hoá, dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng: lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, quần áo, văn hoá phẩm, phương tiện đi lại… Củng cố, phát triển mạng lưới bán hàng đến tận vùng sâu, vùng xa để cung ứng hàng hoá, dịch vụ đầy đủ; giá cả tương đối ổn định trên cơ sở đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, không gây đột biến giá cả vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán.
Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường những ngày giáp Tết và sau Tết, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán các mặt hàng cấm như: pháo nổ các loại, đồ chơi nguy hiểm, độc hại ...
Có kế hoạch tổ chức tốt Hội chợ Xuân và các hoạt động vui chơi giải trí cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh; mở rộng các mối liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng hàng hoá tổ chức các đợt bán hàng khuyến mãi, giảm giá, khai thác thêm nhiều hàng hoá mới và hàng truyền thống để Hội chợ Xuân vừa là nơi mua bán hàng vừa là điểm giao lưu văn hoá vui chơi lành mạnh, giàu bản sắc dân tộc.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tăng cường kiểm soát và quản lý giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao như: xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sắt thép, gas; chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã đẩy mạnh việc kiểm soát quản lý giá trên địa bàn, không để tình trạng đầu cơ nâng giá, không thực hiện niêm yết giá; tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng giá bất hợp lý, trái pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Nhà nước. Có kế hoạch cung ứng đầy đủ các loại giống (cây trồng, vật nuôi), phân bón phục vụ kịp thời cho sản xuất; thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, gia súc chưa qua kiểm dịch.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện các giải pháp thích hợp để kích cầu đầu tư, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đối với các dự án đầu tư của Nhà nước; tập trung xử lý, tháo gỡ những ách tắc hiện nay về thủ tục đối với các dự án chưa giải ngân được hoặc giải ngân chậm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của các dự án này, nhất là các dự án, công trình đưa vào khai thác sử dụng năm 2007, 2008.
- Kho bạc nhà nước tỉnh chủ động phối hợp với Sở Tài chính, chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là tiết kiệm trong tiêu dùng; tiết kiệm trong tổ chức hội nghị, tổng kết cuối năm, gặp mặt đón mừng năm mới; triển khai các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng và chi tiêu ngân sách nhà nước.
- Giám đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có biện pháp cụ thể cải tiến công nghệ, đổi mới quản lý, tiết kiệm chi phí nguyên, nhiên liệu (bao gồm cả phí xăng dầu), chống lãng phí, tăng năng suất, phấn đấu giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành để khắc phục kho khăn do giá xăng dầu tăng và góp phần kiềm chế tăng giá bán sản phẩm ra thị trường.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trong phạm vi, chức năng và quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá theo nội dung của Chỉ thị này. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra niêm yết giá, đảm bảo bình ổn giá trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên. Tổ chức kiểm tra giá hàng hóa, dịch vụ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính về giá cả tại địa phương mình.
3. Sở giao thông vận tải, Công an tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh các huyện, thị xã trong phạm vi chức năng của mình, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải có kế hoạch chuẩn bị tốt lực lượng phương tiện vận chuyển, để phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra an toàn đối với phương tiện vận chuyển; tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm cho người dân đón tết Nguyên đán vui vẻ, an toàn.
4. Các sở, ban, ngành; các huyện, thị xã báo cáo tình hình thực hiện các nội dung của chỉ thị này về Sở Tài chính (hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu) định kỳ vào ngày 25 hàng tháng.
Giao Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính.
5. Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh, truyền hình các huyện, thị xã có kế hoạch đưa tin Chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng, để các doanh nghiệp và người dân hiểu rõ các biện pháp điều hành thị trường giá cả của Nhà nước, góp phần ngăn ngừa tác động tâm lý đẩy giá lên cao; xây dựng các phóng sự, chuyên đề phản ánh các nội dung tại Chỉ thị này.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; các doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh trong tỉnh triển khai và chấp hành nghiêm chỉnh. Mọi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật .
Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, phản ảnh về Uỷ ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo và xử lý kịp thời ./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2012 tăng cường thực hiện giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 2Chỉ thị 28/CT-UBND năm 2013 tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 3Quyết định 222/QĐ-CT năm 2014 công bố kết quả rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật kỳ đầu do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành từ tháng 10/1991 đến hết ngày 31/12/2013
- 1Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do Chính phủ ban hành.
- 2Chỉ thị 23/2007/CT-TTg về tăng cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2012 tăng cường thực hiện giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 4Chỉ thị 28/CT-UBND năm 2013 tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 trên địa bàn thành phố Hà Nội
Chỉ thị 08/2007/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục vụ tết Nguyên Đán Mậu tý 2008 do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành
- Số hiệu: 08/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 03/12/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Người ký: Trần Quang Vinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/12/2007
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra