Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 23/2007/CT-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH GIÁ CẢ, BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2007 VÀ PHỤC VỤ TẾT NGUYÊN ĐÁN MẬU TÝ 2008

Mười tháng đầu năm 2007, kinh tế nước ta tiếp tục phát triển với tốc độ cao, hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Tuy nhiên, thị trường thế giới có nhiều biến động khó lường, giá nhiều loại hàng hoá mà chúng ta phải nhập khẩu tăng cao; bão, lũ liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại lớn cho nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Bắc; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi tuy đã được kiểm soát, song đã gây nên nhiều thiệt hại và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại; khả năng hấp thụ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa tốt... đã ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ cung cầu và biến động giá cả, thị trường trong nước.

Nhằm bảo đảm bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2007 và nhiều văn bản triển khai các biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường. Các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với các biện pháp quyết liệt, việc kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường bước đầu đã đạt kết quả: chỉ số giá hàng hoá tiêu dùng tháng 8 và tháng 9 năm 2007 đã giảm dần so với các tháng trước, tuy nhiên chỉ số giá hàng hoá tiêu dùng tháng 10 năm 2007 tiếp tục tăng cao, nếu không thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa, mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ rất khó khăn.

Để thực hiện nhiệm vụ kiềm chế tăng giá, bình ổn thị trường, đồng thời phục vụ tốt Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ, ngành phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các hiệp hội ngành hàng tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp điều hành giữ vững các cân đối kinh tế vĩ mô, kiên quyết thực hiện các giải pháp tại Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường. Tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là tiết kiệm trong tiêu dùng (điện, xăng, dầu), tiết kiệm trong chi phí sản xuất kinh doanh và trong xây dựng cơ bản; tiết kiệm trong tổ chức hội nghị, tổng kết cuối năm, gặp mặt đón mừng năm mới.

Các Bộ quản lý ngành hàng trực tiếp chỉ đạo và đôn đốc các doanh nghiệp chủ động thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, bảo đảm đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu với giá cả hợp lý các loại hàng hoá, nhất là các mặt hàng: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép, xi măng, thuốc chữa bệnh.

2. Các Bộ, ngành chủ động phối hợp với các địa phương, các thành phố lớn, các địa phương sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống phân phối trên cơ sở tổ chức tốt từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến tổ chức mạng lưới bán hàng, nhất là ở thành phố, đô thị, khu vực tập trung đông dân, bảo đảm đủ hàng hoá, vật tư, nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất và đời sống tiêu dùng, thực phẩm phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp thích hợp để kích cầu đầu tư, đẩy nhanh việc giải ngân vốn của các dự án đầu tư của Nhà nước: Các Bộ, ngành và địa phương tập trung xử lý, tháo gỡ những ách tắc hiện nay về thủ tục đối với các dự án chưa giải ngân được hoặc giải ngân chậm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của các dự án này, nhất là các dự án, công trình đưa vào khai thác sử dụng năm 2007 và 2008. Bộ Tài chính thực hiện phát hành Trái phiếu Chính phủ theo đúng kế hoạch năm 2007, 2008. Tăng cường thực hiện các chương trình tín dụng đầu tư thông qua hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức thực hiện chương trình.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ, hài hoà các giải pháp rút tiền từ lưu thông về, cơ cấu lại tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bán ra có kỳ hạn ngắn, mua ngoại tệ ở mức độ thích hợp nhằm tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý, không để tăng giá hoặc mất giá quá mức đồng tiền Việt Nam.

Bộ Tài chính tiếp tục triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2007, 2008 để tham gia hút bớt tiền về, đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành thực hiện các biện pháp đẩy mạnh giải ngân cho các dự án đầu tư của Nhà nước để tăng cường khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.

5. Các Bộ: Công Thương, Tài chính cùng các Bộ quản lý ngành hàng rà soát lại cân đối cung cầu hàng hoá, chính sách xuất nhập .khẩu, chính sách thuế để bảo đảm đủ nguồn hàng cho nhu cầu của nền kinh tế, nhất là vật tư cho sản xuất phải nhập khẩu từ nước ngoài; đánh giá tác động và hiệu quả của việc thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với tăng cung để kiềm chế tăng giá hàng hoá vừa qua; chủ động rà soát, điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu nhằm bình ổn giá cả thị trường; tăng cường công tác kiểm soát, không để doanh nghiệp trục lợi từ chính sách giảm thuế này.

6. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển để góp phần tăng trưởng kinh tế; chú trọng thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và không để xảy ra sốc cho thị trường. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2007 và đầu năm 2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt việc k iểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại trong việc cho vay kinh doanh chứng khoán; phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo dõi, kiểm soát chặt các luồng vốn ngoại tệ vào, ra. Bộ Tài chính chỉ đạo tốt việc tăng cường thông tin trên thị trường chứng khoản một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác, công khai, minh bạch, nhất là thông tin về tình hình tài chính doanh nghiệp và các thông tin liên quan đến phát hành cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp theo luật định.

7. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế và địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao như: xăng dầu, bất động sản, thuốc chữa bệnh, sắt thép, gas; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc kiểm soát quản lý giá, không để tình trạng độc quyền doanh nghiệp về giá, định giá bất hợp lý, đầu cơ nâng giá, không thực hiện niêm yết giá; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định những vi phạm về Pháp lệnh Giá.

8. Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều hành tốt việc xuất khẩu 4,4 triệu tấn gạo trong năm 2007; phối hợp với các Bộ, ngành có các giải pháp cụ thể, tích cực mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu để cải thiện cán cân thương mại.

9. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng của bão, lũ cần tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả, bảo đảm đủ lương thực, thuốc chữa bệnh, các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật liệu xây dựng, nguồn năng lượng (điện, xăng, dầu) phục vụ nhu cầu khôi phục sản xuất để nhân dân vùng bị thiệt hại do bão, lũ nhanh chóng ổn định cuộc sống.

10 Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch chuẩn bị đủ lượng hàng hóa cần thiết với giá ổn định để phục vụ nhu cầu của nhân dân đón Tết Nguyên đán Mậu Tý vui vẻ, an toàn và tiết kiệm, cụ thể :

a) Triển khai ngay việc thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị lượng hàng hóa, dịch vụ phục vụ tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng: lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, quần áo, văn hóa phẩm, phương tiện đi lại ... để cung ứng hàng hóa, dịch vụ đầy đủ, với giá cả tương đối ổn định trên cơ sở bảo đảm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng; chủ động thực hiện các biện pháp dự trữ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, không gây đột biến giá cả vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán; quan tâm và làm tốt việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và các vùng bị hậu quả nặng nề của bão, lũ với giá ổn định trong dịp Tết Nguyên đán;

b) Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường những ngày giáp Tết và sau Tết, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán các mặt hàng cấm như: pháo các loại, đồ chơi nguy hiểm; phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành chức năng ở Trung ương với địa phương trong việc tăng cường kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm theo đúng quy định hiện hành;

c) Có kế hoạch tổ chức tốt Hội chợ Xuân và các hoạt động vui chơi giải trí cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn; mở rộng các mối liên kết, phối hợp với các nhà cung ứng hàng hóa tổ chức các đợt bán hàng khuyến mãi, giảm giá, khai thác thêm nhiều hàng hóa mới và hàng truyền thống để Hội chợ Xuân vừa là nơi mua bán hàng, vừa là điểm giao lưu văn hóa vui chơi lành mạnh, giàu bản sắc dân tộc.

11. Các Bộ: Giao thông vận tải, Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng của mình chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có kế hoạch chuẩn bị tốt lực lượng phương tiện vận chuyển để phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra an toàn đối với phương tiện vận chuyển, tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiêm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm cho người dân đón Tết Nguyên dán vui vẻ, an toàn.

12. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các Bộ, cơ quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu rõ và đồng thuận với các biện pháp điều hành thị trường giá cả của Nhà nước, từ đó ngăn ngừa tác động tâm lý đẩy giá lên cao.

13. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b). M 315

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/2007/CT-TTg về tăng cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 23/2007/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/10/2007
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 768 đến số 769
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản