Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2002/CT-UB

ĐàLạt, ngày 9 tháng 5 năm 2002

 

CHỈ THỊ

"V/V TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI"

Thực hiện Chỉ thị 853/1997/CT-TTg ngày 11/10/1997, Chỉ thị 31/1999/CT-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan của Chính Phủ chỉ đạo về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; Trong những năm qua các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh đã có nhiều cố gắng phối hợp hoạt động nên đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại tại địa phương vẫn chưa được đẩy lùi và có nhiều diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn trước. Tình hình đó đã tác động xấu đến kinh tế xã hội và là mối lo ngại cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng...

Để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả đối với các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại theo Chỉ thị của Thủ Tướng Chính Phủ tại công điện số 1254/VPCP-VI ngày 14/3/2002; công văn số 3640/BCĐ-TW ngày 14/9/2001 và công văn số 408/BCĐ-TW ngày 29/01/2002 của Ban chỉ đạo 127/TW; UBND Tỉnh Lâm Đồng chỉ thị :

1/Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức phổ biến quán triệt nội dung tinh thần Chỉ thị 31/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của Chính phủ về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tới đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân địa phương. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, các ngành, các cấp phải tăng cường phối hợp hoạt động đấu tranh, nhằm từng bước hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn.

2/ Sở Du lịch và Thương Mại, Chi cục QLTT là cơ quan thường trực của tỉnh trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật kinh doanh, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong thị trường nội địa; giúp UBND Tỉnh thống nhất chỉ đạo công tác QLTT và tổ chức phối hợp hoạt động giữa các cấp, các ngành trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

3/ Công An tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng điều tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý theo pháp luật đối với các tổ chức và cá nhân buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả. Hỗ trợ lực lượng phối hợp hoạt động kiểm tra với lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác thuộc các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, kịp thời ngăn chặn các hành vi chống đối người thi hành công vụ, tẩu tán hàng hoá, tang vật; phối hợp xử lý các vụ việc vi phạm.

4/ Cục Thuế Tỉnh có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành các luật thuế, chống các hành vi gian lận về thuế, phòng chống lưu hành và sử dụng hóa đơn giả, tem hàng nhập khẩu giả; phối hợp cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thuộc lĩnh vực quản lý ngành.

5/ Sở Tài Chính Vật Giá có trách nhiệm hướng dẫn các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc thu và sử dụng tiền từ công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Đồng thời xây dựng kế hoạch tài chính hàng năm phục vụ công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Tham gia các đoàn kiểm tra về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại khi được yêu cầu.

6/ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thanh, kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với các đơn vị thuộc phạm vi quân đội quản lý; cử lực lượng phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại khi có yêu cầu.

7/ Sở Y Tế chịu trách nhiệm kiểm tra các hoạt động sản xuất, buôn bán các sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Phối hợp với các ngành chức năng khác, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh dược phẩm, dược liệu, vệ sinh an toàn thực phẩm. Có trách nhiệm giám định chất lượng hàng hoá thuộc lĩnh vực mình quản lý.

8/ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, buôn bán các sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật...

9/ Sở Khoa học Công nghệ Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý ngành về sở hữu công nghiệp; công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá và các lĩnh vực có liên quan khác. Tổ chức giám định chất lượng hàng hoá theo yêu cầu. Phối hợp các ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ thanh, kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại khi có yêu cầu.

10/ Sở Công nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, buôn bán các sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại khi có yêu cầu.

11/ Sở Văn Hoá-Thông Tin chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức thanh, kiểm tra trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và các hoạt động thương mại có liên quan khác; phổ biến tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

12/ UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện truy quét và xử lý kiên quyết, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đồng thời khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích phát hiện, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực trên đây. Phối hợp tốt với các đoàn thể quần chúng để vận động từng hộ dân chấp hành tốt luật pháp nhà nước. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, kết hợp với các biện pháp hành chính để các hộ kinh doanh trên địa bàn cam kết thực hiện và không vi phạm về hành vi buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

13/ Các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đưa nội dung trên vào chương trình công tác của đoàn thể mình, xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực, tổ chức vận động các đoàn viên, hội viên, quần chúng đăng ký cam kết không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại cũng như việc phát hiện, tố cáo cán bộ có hành vi sách nhiễu, hối lộ, bảo kê, che dấu các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn.

14/ Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện tốt việc đăng ký chất lượng, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp; chủ động nghiên cứu và áp dụng các biện pháp bảo vệ sản phẩm, hàng hoá của mình. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc chống sản xuất, buôn bán hàng giả; tích cực điều tra, khảo sát thị trường, phát hiện các sản phẩm giả, nhái...báo cáo với các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.

15/ Các cơ quan Báo, Đài Phát thanh truyền hình có trách nhiệm phối hợp với chính quyền các địa phương và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, làm chuyển biến một bước nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tác hại của việc buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại, từ đó tạo điều kiện thuận lợi giúp lực lượng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện, có vướng mắc gì phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết./-

 

 

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Phan Thiên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/2002/CT-UB về tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại do Tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 08/2002/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/05/2002
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phan Thiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản