Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 20 tháng 3 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Trong thời gian qua, công tác triển khai thi hành Luật tố tụng hành chính; việc tổ chức thi hành những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; việc theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan THADS đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc, dẫn đến vụ việc kéo dài; một số trường hợp người phải thi hành án hành chính chưa tự nguyện thi hành nên người được thi hành án hành chính đã yêu cầu và Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính; nhận thức về công tác thi hành án hành chính ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, nên kết quả chưa cao. Do đó, để tăng cường công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc thi hành những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính phải được thi hành nghiêm túc, đầy đủ đúng quy định, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và công dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh có trách nhiệm:

a) Thi hành nghiêm chỉnh, đúng, đầy đủ nghĩa vụ của người phải thi hành án trong các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

b) Chỉ đạo, tham mưu chỉ đạo tổ chức thi hành kịp thời, nghiêm túc, không để tồn đọng các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

c) Chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc để xảy ra chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án tại cơ quan, tổ chức do mình là người đứng đầu.

d) Thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo đúng quy định của pháp luật.

đ) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc theo dõi thi hành án hành chính; kịp thời xem xét xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án theo kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự, thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị theo quy định.

e) Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh về tình hình, kết quả thi hành án hành chính của đơn vị, địa phương để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp.

2. Trách nhiệm cụ thể:

a) Cục Thi hành án dân sự tỉnh:

- Thực hiện theo dõi việc thi hành án hành chính theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ đối với các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc.

- Tham mưu, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền và Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức là người phải thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

- Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh để giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc thi hành án hành chính đối với các vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương.

- Thống kê, tổng kết thực tiễn thi hành án hành chính; tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng báo cáo, sơ kết, tổng kết công tác thi hành án hành chính định kỳ 6 tháng, hàng năm và đột xuất theo yêu cầu.

b) Sở Tư pháp:

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án hành chính.

- Chủ trì, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thi hành luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; rà soát các văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trước đây về quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án hành chính, xác định những văn bản không còn phù hợp tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

c) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi:

Phối hợp với Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện việc đưa tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định của pháp luật về công tác thi hành án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

d) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nghiêm túc thi hành các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính, không để tồn đọng.

- Phối hợp và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc theo dõi thi hành án hành chính.

- Thực hiện đầy đủ việc thống kê, báo cáo tình hình, kết quả thi hành án hành chính của địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất.

3. Tổ chức thực hiện

a) Thủ trưởng các sở, ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này.

b) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức, đoàn thể tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật về thi hành án hành chính, vận động nhân dân và người phải thi hành án chấp hành pháp luật. Tăng cường giám sát công tác thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật; kịp thời phản ánh những thiếu sót, hạn chế trong công tác thi hành án hành chính ở địa phương.

c) Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh:

Phối hợp và chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố trực thuộc phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc chuyển giao kịp thời những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật kể cả quyết định buộc thi hành án hành chính; phối hợp cung cấp, đối chiếu số liệu về kết quả xét xử án hành chính của Tòa án các cấp trên địa bàn tỉnh; phối hợp giải thích, đính chính bản án, quyết định và trả lời kiến nghị khi có yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả với Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Trường Thọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 07/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/03/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Phạm Trường Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản