Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND | Yên Bái, ngày 28 tháng 5 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI.
Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2012 Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn bộc lộ nhiều hạn chế, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh như quặng sắt tại huyện Trấn Yên, quặng chì-kẽm tại huyện Mù Cang Chải, đá cảnh, đá mỹ nghệ tại huyện Văn Chấn, đặc biệt tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Hồng, sông Chảy… làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường; ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên và tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai một số nội dung sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
1.1. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về công suất khai thác, diện tích khai thác và loại khoáng sản được phép khai thác…
1.2. Đôn đốc, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận; tổng hợp dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của các huyện, thành phố, thị xã gửi Sở Tài chính thẩm định theo quy định.
1.3. Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
2. Sở Xây dựng, Sở Công Thương:
2.1. Rà soát quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, quy hoạch khoáng sản phải phù hợp với năng lực chế biến của từng loại khoáng sản và nhu cầu của thị trường tiêu thụ; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép; phối hợp trong thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.
2.2. Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, buôn lậu, gian lận thương mại; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Sở Tài chính: Thẩm định dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, tham mưu phân bổ chi ngân sách trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
4. Công an tỉnh:
Chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khoáng sản trái phép. Thường xuyên tuần tra kiểm soát, nhất là những nơi thường xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép, bảo đảm an ninh, trật tự; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, buôn bán, vận chuyển khoáng sản trái phép.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
Chỉ đạo các lực lượng liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn các hoạt động khoáng sản trái phép, nhất là các khu vực khoáng sản ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm:
6.1. Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.
6.2. Trong năm 2015 hoàn thiện, phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành chính, trong đó đưa ra giải pháp phối hợp, trao đổi thông tin trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép tại các khu vực giáp ranh giữa các xã, các huyện; tổ chức triển khai Phương án sau khi được phê duyệt.
6.3. Tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc thẩm quyền. Hàng năm lập dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác (cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước) gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp để đề nghị Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
6.4. Chỉ đạo, tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, khi phát hiện hoạt động khoáng sản trái phép phải tổ chức ngay lực lượng giải tỏa, ngăn chặn, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền. Đối với các trường hợp phức tạp, nằm ngoài tầm kiểm soát, đã tổ chức lực lượng và có các biện pháp xử lý nhưng vẫn không thể giải quyết phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép mà không kịp thời có biện pháp giải quyết, xử lý, ngăn chặn.
6.5. Tăng cường kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền đối với các đơn vị được cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, chỉ cho các đơn vị triển khai hoạt động khai thác khoáng sản sau khi đã hoàn tất các thủ tục về đất đai, thiết kế mỏ, bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, ký quỹ phục hồi môi trường, bàn giao mốc giới khu vực khoáng sản, đăng ký, thông báo ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác khoáng sản và các thủ tục liên quan theo quy định... Xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.
6.6. Hàng quý báo cáo tình hình quản lý, hoạt động khoáng sản trên địa bàn về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 05 tháng đầu tiên của quý tiếp theo, báo cáo tập trung vào một số nội dung chính như sau:
- Tình hình quản lý khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác:
+ Công tác triển khai các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;
+ Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép;
+ Tình hình xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn (trong đó các trường hợp Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực nhưng đơn vị vẫn tiến hành khai thác cũng được coi là khai thác khoáng sản trái phép).
- Tình hình hoạt động thăm dò, khai thác của các đơn vị được cấp Giấy phép thăm dò, khai thác trên địa bàn, trong đó báo cáo cụ thể:
+ Đối với hoạt động thăm dò, chia làm 04 nhóm: Số lượng và danh sách các đơn vị chưa triển khai thăm dò; đang thăm dò; tạm dừng thăm dò; đã hoàn thành công tác thăm dò khoáng sản;
+ Đối với hoạt động khai thác, chia làm 03 nhóm: Số lượng và danh sách các đơn vị chưa khai thác (trong đó nêu cụ thể chưa triển khai hoạt động; đang triển khai các thủ tục về đất đai và các thủ tục khác; đang xây dựng cơ bản mỏ); đang khai thác (trong đó nêu cụ thể đang khai thác đã hoàn thiện các thủ tục theo quy định hay đang khai thác nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định); tạm dừng khai thác.
- Tình hình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.
7. Các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục thực hiện tốt quy định của pháp luật về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Quy định về Quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2012; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 06 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
8. Các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản trong diện tích được cấp giấy phép; khai thác khoáng sản theo đúng dự án đầu tư đã được phê duyệt, thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này; theo chức năng, nhiệm vụ được giao báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10 tháng 01 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 270/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế phối hợp thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 2Quyết định 04/2015/QĐ-UBND Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 3Quyết định 10/2015/QĐ-UBND sửa đổi giá khoáng sản không kim loại tại Bảng giá kèm theo Quyết định 22/2013/QĐ-UBND để tính thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 4Quyết định 22/2015/QĐ-UBND sửa đổi một số điều của Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành tại Quyết định 22/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2012
- 1Luật khoáng sản 2010
- 2Quyết định 22/2012/QĐ-UBND về Quy định quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 3Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 4Quyết định 270/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế phối hợp thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 5Quyết định 04/2015/QĐ-UBND Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 6Quyết định 10/2015/QĐ-UBND sửa đổi giá khoáng sản không kim loại tại Bảng giá kèm theo Quyết định 22/2013/QĐ-UBND để tính thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 7Quyết định 22/2015/QĐ-UBND sửa đổi một số điều của Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành tại Quyết định 22/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2012
Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2015 tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tỉnh Yên Bái
- Số hiệu: 07/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/05/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Người ký: Phạm Thị Thanh Trà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/05/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra