Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Đồng Tháp, ngày 15 tháng 7 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ SẢN XUẤT, KINH DOANH RƯỢU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các ngành, địa phương đã chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai thường xuyên, đã góp phần nâng cao ý thức của một số cơ sở, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định về sản xuất, kinh doanh rượu. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số tồn tại như: các cơ sở sản xuất rượu còn nhỏ lẻ, vốn ít, mang tính gia đình, trang thiết bị và công nghệ lạc hậu, dẫn đến chất lượng rượu chưa đạt tiêu chuẩn; nhận thức của người sản xuất rượu và khách hàng chưa cao, thiếu quan tâm đến các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng,...

Nhằm tiếp tục đưa công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Công Thương.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nội dung sau:

a) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu đã được cấp phép trên địa bàn tỉnh.

b) Triển khai, hướng dẫn trình tự, thủ tục và tổ chức cấp Giấy phép sản xuất rượu đối với các dự án đầu tư sản xuất rượu trên địa bàn tỉnh có quy mô dưới 03 triệu lít/năm; Giấy phép kinh doanh buôn bán rượu và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu.

c) Hướng dẫn Phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn các nội dung về trình tự, thủ tục cần thiết về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

d) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật đối với rượu nhập lậu, rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, hết hạn sử dụng hoặc các sản phẩm rượu mang nhãn hàng hóa không hợp pháp, không ghi nhãn bao bì, không dán tem theo quy định lưu thông trên thị trường.

đ) Chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền các quy định tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu và Thông tư số 39/2012/TT-BCT ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 94/2012/NĐ-CP.

2. Sở Y tế.

a) Tổ chức cấp giấy chứng nhận công bố hợp quy, hợp chuẩn cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, Thông tư số 19/2012/TT-BYT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

b) Tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chất lượng an toàn thực phẩm; phòng, chống tác hại của việc lạm dụng rượu; công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thuốc trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính.

a) Hướng dẫn thủ tục thanh, quyết toán cho các đơn vị thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đúng theo quy định.

b) Hướng dẫn thực hiện mức thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định của Bộ Tài chính.

4. Cục thuế Tỉnh.

Hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng tem sản phẩm rượu tiêu thụ trong nước trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 160/2013/TT-BTC.

5. Sở Khoa học và Công nghệ.

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất rượu trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, ứng dụng quy trình công nghệ sản xuất rượu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm.

b) Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất rượu xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý,…theo quy định pháp luật hiện hành.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tuyên truyền, hướng dẫn và có giải pháp thúc đẩy các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

a) Phối hợp với cơ quan chức năng liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh chuyển đổi nghề đối với các cơ sở không đủ điều kiện sản xuất theo quy định.

b) Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tư vấn và tạo điều kiện để người lao động thuộc đối tượng phải chuyển nghề tham gia các lớp dạy nghề, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

8. Sở Thông tin và Truyền thông.

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ, tác hại của việc lạm dụng rượu và sử dụng rượu không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, được thay thế dần bằng các loại rượu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định; thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ rượu trên địa bàn; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống ngộ độc rượu, tác hại của rượu kém chất lượng.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

Chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện:

a) Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 94/2012/NĐ-CP và Thông tư số 39/2012/TT-BCT trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

b) Chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã làm rõ nguyên nhân khi xảy ra ngộ độc rượu trên địa bàn (nếu có) và có các biện pháp xử lý theo thẩm quyền.

c) Chỉ đạo Phòng Kinh Tế, Kinh tế và Hạ tầng, các cơ quan chuyên môn liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành rà soát nắm chắc số lượng các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn và thực hiện các công việc sau:

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu thực hiện các quy trình, thủ tục cần thiết về sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định. Đồng thời, tổ chức cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu, Giấy xác nhận đăng ký sản xuất rượu thủ công bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại theo quy định thuộc thẩm quyền. Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ 6 tháng, năm về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

- Phối hợp với các ngành có liên quan, tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các hộ, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu không tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.

10. Tổ chức thực hiện.

a) Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao, phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

b) Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu tự rà soát và tiến hành thực hiện các thủ tục hành chính về sản xuất, kinh doanh rượu theo đúng quy định pháp luật, từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn khi hoạt động phải có Giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu theo đúng quy định.

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì phản ảnh bằng văn bản về Sở Công Thương để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT/UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Đồng Tháp;
- Đài Truyền hình Đồng Tháp;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH-HSĩ.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2014 đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu: 07/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Nguyễn Văn Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản