Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2006/CT-BXD

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ KINH TẾ TÀI CHÍNH VÀ TỔ CHỨC CÁN BỘ ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ

Trong quý I năm 2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành một số Chỉ thị: Chỉ thị số 01/2006/CT-BXD ngày 22/02/2006 về việc tăng cường quản lý thực hiện quyền tự chủ về tổ chức, biên chế và tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; Chỉ thị số 02/2006/CT-BXD ngày 21/3/2006 về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển năm 2006 đối với các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng; Chỉ thị số 03/2006/CT-BXD ngày 24/3/2006 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ xây dựng; Chỉ thị số 04/2006/CT-BXD ngày 28/3/2006 về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng;

Để thực hiện Chỉ thị số 15/2006/CT-TTg ngày 20/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý vốn, tài sản và cán bộ tại các cơ quan, đơn vị của Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Thủ trưởng, cấp uỷ đảng các đơn vị; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty (Công ty) trực thuộc Bộ cần tập trung thực hiện tốt những nội dung công việc sau đây:

1. Về công tác quản lý kinh tế tài chính:

Nghiêm túc tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành, theo đó:

1.1- Các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm quản lý, sử dụng các nguồn vốn phải thường xuyên tiến hành rà soát các quy định, chính sách, cơ chế quản lý vốn và tài sản, phát hiện các sơ hở, thiếu sót để bổ sung, sửa đổi kịp thời.

1.2- Thủ trưởng đơn vị phải tổ chức tự kiểm tra, soát xét lại việc thực hiện các nhiệm vụ về quản lý vốn, tài sản nhà nước của đơn vị mình để kịp thời phát hiện những yếu kém, tồn tại; có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả tự kiểm tra và chịu hình thức kỷ luật nếu sau này cơ quan chức năng phát hiện những vấn đề không đúng với nội dung kết luận, biện pháp đã xử lý.

1.3- Đối với những đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, cán bộ sa đoạ bị các cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện, phải tổ chức ngay việc kiểm điểm, đánh giá tác hại, phân tích rõ nguyên nhân cụ thể, trực tiếp dẫn đến tiêu cực và xử lý thích đáng những người sai phạm.

2. Về công tác tổ chức cán bộ

Thời gian qua, công tác tổ chức cán bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Tuy nhiên, công tác tổ chức cán bộ còn bộc lộ những mặt hạn chế, một số cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị nhận thức chưa đúng mức, chưa đồng bộ; quản lý cán bộ còn sơ hở, tuyển dụng và bố trí cán bộ chưa đúng, quản lý hồ sơ cán bộ chưa chặt chẽ; công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chất lượng còn hạn chế; có một số ít cán bộ vi phạm, sa sút về phẩm chất, đạo đức, có đơn vị nội bộ chưa thực sự đoàn kết, thống nhất đã biểu hiện gây chia rẽ trong đội ngũ cán bộ chủ chốt; công tác tự phê bình và phê bình còn mang tính hình thức; một số nơi bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ khả năng tham mưu, đề xuất hoặc phương pháp công tác còn hạn chế, thậm chí có đơn vị còn yếu.

Để tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tổ chức cán bộ, Bộ yêu cầu:

2.1- Làm tốt công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy nhằm hoạt động có hiệu quả với chức năng nhiệm vụ rõ ràng; ban hành đầy đủ các qui chế trong đơn vị; có phân công, phân cấp hợp lý, quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn đối với từng tổ chức và cá nhân nhằm khắc phục sự chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong nội bộ.

2.2- Thực hiện nghiêm túc các quyết định, quy định, quy chế về công tác cán bộ mà Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ xây dựng đã ban hành. Triển khai đồng bộ các khâu trong công tác tổ chức cán bộ như Quy định về phân cấp quản lý cán bộ; Quy chế đánh giá cán bộ; Quy chế bổ nhiệm cán bộ; Quy chế quản lý hồ sơ cán bộ; công tác Quy hoạch cán bộ... Xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ mới theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII.

2.3- Phân công, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ phải hết sức coi trọng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ.

Cán bộ được bổ nhiệm, đặc biệt là cán bộ đứng đầu phải có đủ đức và tài, đức là gốc, tuyệt đối không vi phạm quy định về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng đã được ban hành tại Quyết định số 2252/QĐ-BXD ngày 07/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

2.4- Rà soát, tổng hợp đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, tự kiểm tra soát xét lại công tác quản lý cán bộ của đơn vị mình để kịp thời phát hiện những yếu kém, tồn tại; có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

2.5- Rà soát toàn bộ danh sách những cán bộ được cử làm người trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước; tổ chức theo dõi, giám sát đánh giá thường xuyên kết quả hoạt động của họ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao để kiên quyết điều chỉnh hoặc thay thế. Xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của người trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước làm rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, quyền lợi và mối quan hệ của những cán bộ này với chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và với bộ máy quản lý, điều hành của cơ quan đầu tư vốn. Xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho người được cử quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

2.6- Chấn chỉnh công tác đánh giá, tiếp nhận, bố trí, quản lý cán bộ, công tác quản lý hồ sơ cán bộ nhằm đảm bảo theo quy trình chặt chẽ; thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình trong tổ chức Đảng và tập thể đơn vị để đấu tranh ngăn ngừa với những hiện tượng tha hoá, biến chất, tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hoặc biểu hiện cơ hội của cán bộ, đảng viên và công nhân viên chức. ở đơn vị nào có cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật thì Thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu tổ chức Đảng, đoàn thể ở đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.

2.7- Mọi cán bộ, đảng viên phải tự xem xét, đánh giá về lề lối, phong cách làm việc và phẩm chất, tư cách của mình đồng thời có trách nhiệm xây dựng tập thể đơn vị thực sự trong sạch vững mạnh.

Để thực hiện tốt các nội dung về công tác quản lý kinh tế tài chính, công tác tổ chức cán bộ nêu trên; Thủ trưởng, cấp uỷ đảng các đơn vị; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty (Công ty) trực thuộc Bộ phải có chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể. Đối với các nhiệm vụ nêu tại mục 1 (khoản 1.2 và 1.3) và mục 2 (khoản 2.4 và 2.5) của Chỉ thị này phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ trong tháng 6/2006 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Kinh tế tài chính, Thanh tra xây dựng và các đơn vị chức năng có liên quan kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện, tổng hợp báo cáo với Lãnh đạo Bộ tình hình và kết quả thực hiện ở các đơn vị.

Thủ trưởng, cấp uỷ Đảng các đơn vị; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty (Công ty) trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Quân

 





HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/2006/CT-BXD về tiếp tục tăng cường công tác quản lý kinh tế tài chính và tổ chức cán bộ đối với các đơn vị trực thuộc bộ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 07/2006/CT-BXD
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/04/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/04/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản