Hệ thống pháp luật

BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2004/CT-BBCVT

Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẠI LÝ INTERNET CÔNG CỘNG

Trong những năm qua, Internet Việt Nam đã có bước phát triển nhanh và tác động tốt tới nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, thực sự mang lại những hiệu quả to lớn, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện chính sách mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Cùng với sự phát triển chung của Internet, các đại lý Internet công cộng đã đóng góp tích cực cho việc phổ cập dịch vụ Internet đến mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của loại hình cung cấp dịch vụ này, nhiều điểm truy cập Internet công cộng đang kinh doanh dịch vụ Internet dưới hình thức đại lý đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý Internet, để người sử dụng tùy tiện truy cập đến các thông tin thiếu lành mạnh gây phương hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Để tăng cường quản lý hoạt động của các đại lý Internet công cộng theo đúng các quy định tại Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực nảy sinh trong hoạt động đại lý Internet, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông chỉ thị:

1. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông (OSP viễn thông):

a) Thông báo, hướng dẫn cho người sử dụng dịch vụ Internet nếu muốn cung cấp các dịch vụ Internet công cộng cần phải tiến hành đăng ký kinh doanh và ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet. Việc ký hợp đồng đại lý Internet chỉ được thực hiện sau khi người sử dụng đã đăng ký kinh doanh đại lý Internet với cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương theo quy định của pháp luật.

b) Xây dựng và ban hành quy chế quản lý đại lý Internet và hợp đồng đại lý mẫu để thống nhất sử dụng trong doanh nghiệp. Hợp đồng đại lý Internet mẫu của doanh nghiệp phải được gửi cho bộ Bưu chính, Viễn thông để báo cáo. Nội dung của hợp đồng đại lý Internet, ngoài các quy định chung của pháp luật về hợp đồng, cần bổ sung một số điểm liên quan đến trách nhiệm của chủ đại lý, cụ thể như sau:

- Chủ đại lý phải niêm yết nội quy sử dụng dịch vụ Internet tại cơ sở của mình, trong đó bao gồm các điều cấm quy định tại Điều 11 Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet.

- Chủ đại lý phải đăng ký số máy điện thoại hoặc số hợp đồng thuê đường truyền viễn thông dùng để truy nhập Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.

- Chủ đại lý Internet phải hướng dẫn người sử dụng dịch vụ tuân thủ các quy định về sử dụng Internet. Khi phát hiện người sử dụng dịch vụ cố tình vi phạm các quy định về sử dụng Internet hoặc vi phạm nội quy sử dụng dịch vụ Internet, đại lý Internet có trách nhiệm ngăn chặn ngay việc vi phạm của người sử dụng dịch vụ.

- Việc chủ đại lý tạo điều kiện hoặc cố tình bao che cho các hành vi ăn cắp mật khẩu, tài khoản truy nhập; phát tán vi rút; truy cập đến các trang tin điện tử hoặc tuyên truyền, phát tán các tài liệu có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm an ninh quốc gia là điều kiện để doanh nghiệp ngừng cung cấp dịch vụ và đình chỉ hợp đồng đại lý.

c) Xây dựng kế hoạch và chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của các đại lý Internet đã ký kết. Trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý, nếu có đủ cơ sở kết luận chủ đại lý vi phạm các điều khoản hợp đồng là điều kiện đình chỉ hợp đồng thì doanh nghiệp lập biên bản, ngừng cung cấp dịch vụ, đồng thời gửi văn bản cho các Cục hoặc Sở bưu chính, viễn thông tại địa phương để thông báo việc vi phạm pháp luật của đại lý.

d) Rà soát công tác quản lý đại lý Internet của doanh nghiệp theo các nội dung quy định tại Nghị định 55/2001/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn của các Bộ Bưu chính Viễn thông, Văn hoá Thông tin, Công an và các quy định tại Chỉ thị này, trong đó đặc biệt lưu ý đến quy chế quản lý đại lý ; nội dung hợp đồng đại lý; kế hoạch và phương án giám sát, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng của các đại lý. Trong trường hợp nếu thấy công tác quản lý đại lý chưa đáp ứng được các yêu cầu theo quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm tạm dừng việc ký kết tiếp các hợp đồng đại lý Internet để chấn chỉnh lại công tác quản lý của doanh nghiệp và báo cáo Bộ Bưu chính viễn thông.

2. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cắt số điện thoại hoặc đường truyền viễn thông dùng để truy nhập Internet của đại lý Internet, nếu nhận được văn bản của Thanh tra Bộ Bưu chính, Viễn thông hoặc của các Cục, Sở bưu chính, viễn thông tại địa phương thông báo việc vi phạm pháp luật của đại lý và yêu cầu cắt số điện thoại hoặc đường truyền viễn thông dùng để truy nhập Internet.

3. Thanh tra Bộ khẩn trương chủ trì xây dựng thông tư liên tịch để hướng dẫn Điều 41 về các hành vi vi phạm, hình thức và mức độ xử phạt hành chính về Internet của Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet. Thanh tra Bộ Bưu chính, Viễn thông, các Cục và các Sở bưu chính, viễn thông:

a) Lập kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet trong việc quản lý các đại lý Internet công cộng. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu thấy doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về quản lý đại lý theo quy định, Thanh tra Bộ Bưu chính Viễn thông có văn bản yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng việc ký tiếp hợp đồng đại lý để chấn chỉnh công tác quản lý đại lý.

b) Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các Bộ ngành có liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động của các đại lý Internet công cộng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng Hải phòng, Cần Thơ v.v...

c) Kiên quyết tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và các đại lý Internet công cộng vi phạm pháp luật về Internet theo đúng thẩm quyền và chức năng quản lý nhà nước quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 142/2004/NĐ-CP và Nghị định số 55/2001/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Vụ Viễn thông phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Công an nghiên cứu triển khai xây dựng thông tư liên tịch về quản lý đại lý Internet công cộng để ban hành trong năm 2004.

Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, các doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị có liên quan nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

 


Đỗ Trung Tá

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/2004/CT-BBCVT về tăng cường công tác quản lý đại lý Internet công cộng do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành

  • Số hiệu: 07/2004/CT-BBCVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/07/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Bưu chính, Viễn thông
  • Người ký: Đỗ Trung Tá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 53
  • Ngày hiệu lực: 13/08/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 20/04/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản