Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2000/CT-UB

Bến Tre, ngày 09 tháng 5 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI VÀ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 67/1999/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ

Luật Khiếu nại tố cáo đã được phổ biến đến tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh. Sau khi được phổ biến đa số đều nhận thức tốt và giải quyết đạt nhiều kết quả đáng kể. Riêng năm 1999 đã tiếp dân 1.203 người đến khiếu nại, tố cáo (số vụ tồn đọng năm 1998 và tiếp nhận năm 1999 là 3.412 vụ). Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thành lập tổ công tác và các ngành các cấp đã tích cực giải quyết được 1.745 vụ (đạt 52%); đáng lưu ý là đã chú trọng giải quyết các vụ việc phức tạp tồn đọng kéo dài, nhất là đối với các “điểm nóng” về tranh chấp đất đai nên đã góp phần ổn định tình hình ngay tại cơ sở, đã hạn chế được phần nào khiếu nại tập thể đông người đến tỉnh và Trung ương.

Tuy nhiên, tình hình lấn chiếm và tranh chấp đất đai còn diễn biến phức tạp; số vụ, việc khiếu nại còn tồn đọng với số lượng lớn (1.667 vụ); ở các cấp, nhất là cấp huyện, xã. Nội dung khiếu kiện chủ yếu là tranh chấp đất đai (đất tập đoàn sản xuất và đất trong thân tộc). Đáng lưu ý là trách nhiệm của một số cấp chưa được đề cao trong việc tiếp dân và giải quyết các khiếu kiện của dân, còn nhiều vụ việc tồn đọng lâu ngày chưa được giải quyết ráo rẽ, quyết định giải quyết khiếu nại ban hành chưa thi hành nghiêm túc hoặc đã có quyết định giải quyết cuối cùng phù hợp với pháp luật nhưng công dân cứ tiếp tục khiếu nại liên tục có cả vượt cấp làm cho tình hình càng thêm phức tạp.

Nguyên nhân của những tồn đọng, thiếu sót dẫn đến tình hình trên có nhiều, nhưng tập trung nhất do những nguyên nhân sau:

- Chính quyền một số nơi chưa nhận thức đầy đủ tính pháp lý và bức xúc của tình hình; do đó đã thiếu đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo, có nơi biểu hiện đùn đẩy né tránh trách nhiệm, để nhiều việc tồn đọng kéo dài không giải quyết hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn. Có nơi tuỳ tiện không nghiêm chỉnh chấp hành quyết định, thậm chí còn làm vô hiệu hoá các quyết định của cấp trên suy giảm hiệu lực Nhà nước. Có nơi lúng túng trong phương pháp thực thi chức trách, ngại sợ sai sót nên buông lỏng.

- Một số ngành chuyên môn có chức năng tham mưu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài một số nơi đội ngũ cán bộ còn quá mỏng, trình độ pháp lý hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong công tác tiếp dân, cũng còn một số nơi trong quá trình xem xét còn đơn thuần, máy móc, chưa có quan điểm chính trị đúng đắn, phong cách làm việc còn quan liêu, làm ảnh hưởng khá lớn đến tiến độ và chất lượng giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo.

- Công dân trong tỉnh phần đông là nông dân, việc am hiểu pháp luật hạn chế, do đó ngoài số người có yêu cầu khiếu nại bức xúc, còn một bộ phận không ít khi khiếu nại mang tính “cầu may” cố chấp và bất chấp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong khiếu nại tố cáo, làm cho sự vụ việc kéo dài và tình hình phức tạp thêm.

- Ngày 07/8/1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/1999/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại tố cáo. Nghị định đã đáp ứng được nhiều vấn đề mà trong quá trình tiếp dân, tiếp nhận đơn và giải quyết khiếu nại tố cáo của các cấp chính quyền trong tỉnh còn lúng túng.

- Để nghiêm chỉnh chấp hành Luật Khiếu nại tố cáo, Nghị định số 67/1999/ NĐ-CP; Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre chỉ thị cho các sở, ban ngành tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trong tỉnh tập trung thực hiện một số công việc cấp bách như sau:

1) Các cấp chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tổ chức triển khai Luật Khiếu nại tố cáo, Nghị định 67/1999/NĐ-CP và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ (Chỉ thị 06 và Công văn 775) cho toàn thể công dân trong tỉnh hiểu quyền và nghĩa vụ của mình trong việc khiếu nại tố cáo cũng như giải quyết khiếu nại tố cáo. Quán triệt sâu sắc trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước cũng như quan điểm giải quyết khiếu nại tố cáo (nhất là đất đai) nhằm thực hiện đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong giải quyết khiếu nại tố cáo.

Trước mắt giao Chánh Thanh tra tỉnh phối hợp với Giám đốc Sở Địa chính, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị triển khai các nội dung trên cho thanh tra viên, các tổ chức thanh tra, cán bộ các ngành địa chính, tư pháp từ huyện đến xã và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, trị trấn đảm bảo quá trình tiếp dân, quản lý đơn thư và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo từ nay về sau đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

- Củng cố ngay việc tổ chức tiếp dân ở trình tự, thủ tục thẩm quyền, các cấp theo Nghị định 89/CP và Luật Khiếu nại tố cáo, Nghị định 67/1999/NĐ-CP quy định tiếp dân vào một đầu mối.

- Tiếp tục kiện toàn các cơ quan chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, củng cố Ban Thanh tra nhân dân và tổ hoà giải đảm bảo đủ và mạnh góp phần giải quyết có kết quả các mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở.

2) Căn cứ vào thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong tỉnh phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tiếp dân, quản lý đơn, giải quyết khiếu nại tố cáo, kể cả những trường hợp xem xét giải quyết cũng như những trường hợp chỉ đạo, kiểm tra cấp thuộc quyền giải quyết. Sự việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của cấp nào thì trước hết cấp ấy phải xem xét, lắng nghe ý kiến của dân để chỉ đạo hoà giải và giải quyết đúng pháp luật, công bằng, thoả đáng. Trường hợp người khiếu nại tố cáo chưa đồng tình cách giải quyết (qua quyết định) thì người ban hành quyết định phải cẩn trọng lắng nghe xem có tình tiết mới hay không, nếu có phải giải quyết lại, nếu giải quyết đúng mà công dân bất chấp thì kiên trì giáo dục. Hạn chế về yêu cầu chấm dứt việc để đơn kéo dài làm nhân dân bất bình khiếu nại vượt cấp.

Không để công dân tụ tập đông người đi khiếu kiện tập thể. Phải phối hợp với Mặt trận, đoàn thể tăng cường giáo dục thuyết phục quần chúng nhân dân trong những trường hợp đó, đồng thời chỉ đạo công an cùng cấp theo dõi phân loại các đối tượng kích xúi, lập hồ sơ để xử lý hành chính hoặc hình sự theo mức độ sai phạm.

- Giao cho Chánh Thanh tra tỉnh chỉ đạo trong hệ thống thanh tra và trực tiếp tổ chức thanh tra trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc tiếp dân xét giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo.

Chánh Thanh tra tỉnh cùng Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh phối hợp kiểm tra và có kết luận cụ thể báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh để có biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với những sai phạm của cán bộ công chức Nhà nước là nguyên nhân gây ra khiếu nại tố cáo như bao chiếm đất nhiều, đất tốt trái pháp luật hoặc kích xúi... và những trường hợp thiếu trách nhiệm, né tránh đùn đẩy việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân sang cơ quan khác hoặc lên cấp trên trái pháp luật.

3) Cơ quan thông tin báo chí phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường chuyên mục tuyên truyền giải thích pháp luật kịp thời phản ánh những biểu hiện tích cực cũng như những tiêu cực trong việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền, mạnh dạn đấu tranh phê phán những hành vi, thái độ sai trái của những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, lợi dụng dân chủ, bất chấp pháp luật, bất chấp chính quyền, kích động gây rối trật tự trong tranh chấp đất đai cũng như trong thực hiện các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.

4) Đề nghị các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh, tăng cường vận động giáo dục quần chúng tham gia cùng các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc hoà giải, giải quyết tốt các khiếu nại tố cáo.

Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả các cấp các ngành, đoàn thể trong tỉnh. Quá trình tổ chức thực hiện thường xuyên báo cáo phản ảnh đầy đủ các hoạt động trong lĩnh vực này về Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Be