Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Cà Mau, ngày 14 tháng 4 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN MỘT SỐ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG TÀU CÁ TỈNH CÀ MAU VI PHẠM VÙNG BIỂN NƯỚC NGOÀI

Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng tình hình vi phạm vẫn còn tiếp tục xảy ra và diễn biến ngày càng phức tạp (riêng năm 2015, có 42 phương tiện vi phạm, tăng 17 phương tiện so với năm 2014; trong quý I năm 2016 có 07 phương tiện vi phạm). Trước tình hình đó, để thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của Tổ Công tác 689 về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện ven biển tăng cường công tác quản lý tàu cá, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền ngư dân khai thác hải sản không vi phạm vùng biển nước ngoài; tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với ngư dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc nhằm có giải pháp xử lý phù hợp, đúng thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

- Tiếp tục phối hợp tốt với các ngành chức năng, chính quyền cơ sở để quản lý chặt chẽ những đối tượng có dấu hiệu vi phạm; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, như: phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng có hành vi cố ý đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác; tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng, giấy phép khai thác thủy sản từ 3- 6 tháng; buộc chủ tàu hoặc thuyền trưởng chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước.

- Đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt sau đó mua lại, chuộc về, trốn về, được thả về Việt Nam thì ngoài việc xử phạt theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP, cần tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các phương tiện này bằng các biện pháp như: bắt buộc chủ tàu vi phạm khi có đủ điều kiện hoạt động trở lại phải lắp đặt máy thông tin liên lạc đường dài trên tàu tương thích với Trạm bờ của Chi cục Thủy sản; thuyền trưởng phải báo cáo vị trí tàu đang hoạt động hàng ngày trên biển về Trạm bờ; rút ngắn thời hạn cấp phép khai thác thủy sản; không cấp Giấy phép khai thác thủy sản cho những tàu cá vi phạm từ 02 lần trở lên; không xét cho chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (đóng mới, nâng cấp tàu cá; bảo hiểm; vận chuyển hàng hóa;...) và các chính sách hỗ trợ khác (tính từ ngày Chỉ thị này có hiệu lực); bắt buộc tất cả các chủ tàu khai thác xa bờ phải có hợp đồng trách nhiệm với thuyền trưởng và có xác nhận của chính quyền địa phương.

- Đẩy mạnh việc xây dựng, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên biển để ngư dân hỗ trợ nhau trong khai thác, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả đánh bắt, đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Việt Nam; tập huấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và thả bổ sung giống thủy sản tại một số cửa sông nội đồng, ven biển để góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản; giảm tỷ trọng sản lượng khai thác ven bờ, tăng tỷ trọng khai thác xa bờ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các phương tiện khai thác thủy sản không đúng ngư trường theo giấy phép được cấp, nhất là tàu có công suất từ 20CV trở lên khai thác vùng biển ven bờ, tàu sử dụng các phương tiện, chất cấm (chất n, điện, công cụ kích điện, hóa chất, chất độc, mắt lưới không đúng quy định) để khai thác mang tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản.

- Kiện toàn lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản để thực hiện tốt việc bảo vệ nguồn lợi hải sản.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền phổ biến cho ngư dân về quản lý biên giới biển, hải đảo.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Ngoại vụ, Ủy ban nhân dân các huyện có liên quan xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về xuất nhập cảnh, quản lý tàu cá, khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định hiện hành.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá, nhất là các tàu cá hoạt động xa bờ. Duy trì thực hiện việc ký cam kết không khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài đối với các thuyền trưởng, chủ tàu khai thác xa bờ. Kiên quyết không cho xuất bến đối với chủ tàu, thuyền trưởng không thực hiện việc ký cam kết, không chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước khi hoạt động trên biển. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, nếu phát hiện tàu làm nghề cào banh lông, tàu có đánh dấu và số hiệu,... không đúng quy định thì kiên quyết không cho ra biển hoạt động; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; nơi nào để xảy ra vi phạm, cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên.

- Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình tàu cá, ngư dân bị các lực lượng của nước ngoài bắt giữ, xử lý đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

3. Công an tỉnh

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý biên giới biển, hải đảo cho ngư dân nắm, thực hiện.

- Phối hợp với lực lượng Biên phòng, Sở Ngoại vụ nhanh chóng hoàn thành thủ tục đưa ngư dân bị nước ngoài trục xuất về nước; kiểm tra, xác minh trường hợp trao trả qua đường ngoại giao.

- Chủ trì, phối hợp với lực lượng Biên phòng điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc móc nối, đưa tàu đi khai thác ở vùng biển nước ngoài; mua, chuộc trái phép tàu cá bị nước ngoài bắt.

- Quản lý chặt chẽ các địa bàn có tàu cá xa bờ, tàu cá đã vi phạm vùng biển nước ngoài.

4. Sở Ngoại vụ

Chủ động liên hệ với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời có biện pháp bảo hộ, đảm bảo sự an toàn về tính mạng và tài sản khi ngư dân của tỉnh Cà Mau bị nước ngoài bắt giữ; phối hợp với cơ quan chức năng liên quan xác minh nhân thân ngư dân và hoàn tất các thủ tục cần thiết, nhằm kịp thời báo cáo, đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp, đưa ngư dân về nước; cập nhật, tổng hợp kịp thời những quy định mới của các nước về việc đánh bắt, xử phạt các trường hợp xâm phạm lãnh hải của họ để phối hợp thông tin, tuyên truyền đến ngư dân trong tỉnh không vi phạm vùng biển nước ngoài.

5. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hàng năm để Tổ Công tác 689 Cà Mau thực hiện Kế hoạch tăng cường các biện pháp ngăn chặn tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, bị nước ngoài bắt giữ.

6. Ủy ban nhân dân các huyện có tàu khai thác hải sản xa bờ

- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường quản lý tàu cá và ngư dân hoạt động khai thác thủy sản; trong đó cần tập trung phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể,... đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về biển, phạm vi chủ quyền vùng biển Việt Nam, quản lý hoạt động khai thác hải sản. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi cố tình đưa tàu ra nước ngoài hoạt động khai thác hải sản trái phép. Kiểm tra, xử lý việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển khung cào banh lông trên địa bàn quản lý. Thông báo danh sách tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

- Củng cố Tổ Công tác 689 cấp huyện; xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để thực hiện và phối hợp với Tổ Công tác 689 cấp tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, hợp tác khai thác không chính thức với nước ngoài.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, thị trấn tổ chức họp kiểm điểm trước dân đối với các chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

- Địa phương nào để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- Sở NN&PTNT, BCH BĐBP, Công an tỉnh, Sở TC, Sở Ngoại vụ, Sở TN&MT;
- UBND các huyện ven biển;
- Báo, Đài, CTTĐT tỉnh (đăng, phát nội dung);
- Các thành viên Tổ 689 tỉnh (qua VIC);
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2016 về tiếp tục đẩy mạnh giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài

  • Số hiệu: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/04/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Nguyễn Tiến Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản