Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 06/2009/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 04 tháng 11 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng ngày càng phát triển với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau đã đáp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động. Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã đạt được một số kết quả nhất định, nguồn tài nguyên khoáng sản từng bước được quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên dịa bàn tỉnh còn nhiều bất cập chưa đi vào nề nếp. Một số nơi việc khai thác, chế biến diễn ra tràn lan, không có giấy phép hoạt động, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tác động xấu đến môi trường, gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản. Một số mỏ khai thác có bộ máy nhân sự chưa đủ điều kiện năng lực dẫn đến kém hiệu quả trong hoạt động điều hành khai thác.

Ngày 31/07/2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng; ngày 11/12/2007 Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 11/2007/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng;

Nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/07/2007 của Chính phủ và Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng, đảm bảo chất lượng vật liệu xây dựng; chấn chỉnh hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đúng với quy hoạch vật liệu được duyệt, đảm bảo tính bền vững trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên để sản xuất vật liệu xây dựng; UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ thị Giám đốc các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Buôn Ma Thuột tập trung, thực hiện những công việc sau đây:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động tham dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ các hoạt động trái phép; xử phạt, tịch thu, xử lý tang vật, phương tiện theo Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/07/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lãnh vực khoáng sản; Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10/05/2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ; Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

b) Tăng cường công tác quản lý môi trường, đất đai, thuế; đảm bảo an toàn trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành có liên quan về công tác quản lý, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; Đảm bảo các hoạt động khai thác, tham dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng không ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử cũng như các khu dân cư và các công trình công cộng khác.

c) Xây dựng và triển khai quy chế phối hợp giữa các địa phương, đặc biệt là các vùng giáp ranh để tăng cường công tác hoạt động khai thác, quản lý môi trường, đất đai, thuế được hiệu quả; đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

2. Sở Xây dựng:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về quản lý vật liệu xây dựng, cung cấp thông tin chính sách, công bố quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra về lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng; Điều kiện năng lực khai thác, chế biến khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng; Đăng ký chất lượng các loại vật liệu xây dựng; Quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm về an toàn trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản.

3. Sở Tài Nguyên và Môi trường:

a) Tăng cường công tác phổ biến Luật Khoáng sản, phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ngành liên quan, UBND cấp huyện trong công tác tham mưu cấp giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng; rà soát, chấn chỉnh hoạt động trái phép.

b) Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành liên quan, UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý hành vi khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng trái phép; xử phạt theo thẩm quyền hoặc đề nghị xử phạt vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

4. Cục Thuế:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm việc thu các loại thuế, phí theo quy định đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; thường xuyên theo dõi, giám sát việc nộp ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Chỉ đạo Chi cục thuế các huyện rà soát, cập nhập danh sách các cơ sở khai thác chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn, soát xét lại mức thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại thuế, không để thất thoát nguồn thu hoặc tồn đọng.

5. Công an tỉnh:

Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý những điểm nóng về khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trái phép.

Chỉ đạo Cảnh sát môi trường phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm về môi trường trong hoạt động khoáng sản.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh để xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
TT Tỉnh ủy (B/c);
TTHĐND tỉnh (B/c);
CT, các PCT UBND tỉnh;
Bộ Xây dựng (B/c);
UBMTTQVN tỉnh;
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (B/c);
Vụ pháp chế - Bộ XD;
Cục Kiểm tra văn bản – Bộ TP;
Các Sở, ban ngành của tỉnh (Ph/hợp th/hiện)
Công báo tỉnh;
Sở Tư pháp; Báo Đắk Lắk;
Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh;
Lưu VT-CN-NL-TH-TM-VX-NC

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Dhăm Ênuôl

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/2009/CT-UBND về tăng cường quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành

  • Số hiệu: 06/2009/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/11/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Y Dhăm Ênuôl
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/11/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 04/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản