Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06 /2008/CT-UBND

Long Xuyên, ngày 28 tháng 7 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG CÁC CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Những năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống công đoàn địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, nổi bật là các công tác: đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, lao động; tham gia quản lý kinh tế - xã hội và kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục, động viên công nhân viên chức, lao động thực hiện nghĩa vụ đối với đơn vị và nghĩa vụ xây dựng, bảo vệ tổ quốc, góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, cũng còn những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ cho hoạt động của tổ chức công đoàn; còn nhiều công đoàn cơ sở hoạt động kém hiệu quả; một số ít doanh nghiệp đã đủ điều kiện nhưng chưa thành lập tổ chức công đoàn.

Để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lao động, Luật Công đoàn, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong xây dựng hệ thống chính trị các cấp, góp phần làm lành mạnh mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Cơ quan tư pháp phối hợp với tổ chức công đoàn cùng cấp tuyên truyền phổ biến Luật Công đoàn, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của tỉnh, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có liên quan đến người lao động cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quán triệt, tổ chức thực hiện.

2. Thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp có tổ chức công đoàn (sau đây gọi chung là đơn vị) trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm:

a)Tăng cường hơn nữa việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở:

- Tổ chức học tập quán triệt tinh thần các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở;

- Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng việc tổ chức đại hội công nhân, viên chức; hội nghị cán bộ, công chức; hội nghị công nhân lao động.

- Tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn trong đơn vị:

· Tổ chức cho người lao động thực hiện các quyền: Được biết, được tham gia, kiểm tra, giám sát và được quyết định những vấn đề trực tiếp liên quan đến người lao động theo quy định của pháp luật về quy chế dân chủ;

· Tham gia tích cực vào quá trình sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, qua đó đại diện cho người lao động thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

b) Hỗ trợ cho tổ chức công đoàn trong đơn vị thực hiện có hiệu quả các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua, hoạt động xã hội từ thiện tại đơn vị, địa phương.

c)Phối hợp với công đoàn cùng cấp thực hiện các phong trào do công đoàn phát động như: lao động giỏi; lao động sáng tạo; an toàn – vệ sinh lao động; phòng, chống cháy nổ; xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, trường học văn hoá; nữ cán bộ, công chức giỏi việc nước, đảm việc nhà…

d)Trích nộp kinh phí công đoàn đầy đủ theo quy định.

3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Tăng cường quản lý, hướng dẫn về chuyên môn đối với các trung tâm giới thiệu việc làm, dạy nghề trên địa bàn tỉnh theo quy định. Tổ chức triển khai thực hiện các đề án, dự án, kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt về đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tập trung thực hiện tốt Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ “về đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010”; hướng dẫn các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề phối hợp tốt với các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề cho người lao động góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật về lao động.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của tỉnh về ưu đãi đầu tư để bổ sung quy định về điều kiện xét ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp có tổ chức, hoạt động của công đoàn và có chính sách bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

5. Người sử dụng lao động phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, hoạt động công đoàn tại đơn vị. Những đơn vị có đủ điều kiện phải tiến hành việc thành lập tổ chức công đoàn theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong quá trình thực hiện Chỉ thị này nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có biện pháp giải quyết.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH





Lâm Minh Chiếu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/2008/CT-UBND tăng cường hoạt động của tổ chức công đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 06/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/07/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lâm Minh Chiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/08/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản