Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 28 tháng 01 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, TỔ CHỨC VÀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG HOẠT ĐỘNG LỄ HỘI NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có nhiều chuyển biến tích cực; lễ hội được tổ chức trang nghiêm; công tác an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội được đảm bảo. Những kết quả đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong cả nước và một số lễ hội trên địa bàn thành phố còn bộc lộ những yếu kém cần khắc phục như: Biểu hiện thương mại hóa trong lễ hội; lợi dụng lễ hội để trục lợi, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, tranh giành, đeo bám khách làm mất trật tự an ninh; lợi dụng tổ chức các trò chơi biến tướng sang đánh bạc; chưa thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, vẫn đốt nhiều vàng, mã gây tốn kém, lãng phí, gây nguy cơ cháy, nổ; công tác vệ sinh môi trường một số nơi chưa làm tốt, việc thu gom rác thải chưa kịp thời, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra trong lễ hội.

Để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, chấn chỉnh tình trạng nêu trên và thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Chỉ thị số 04/CT-BVHTTDL ngày 13/01/2016 về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016; đảm bảo giá trị chân thực, những nét đẹp của bản sắc văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các cấp, ngành, đơn vị, các địa phương cùng nhân dân thành phố thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước đối với việc tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội tại địa phương. Tiếp tục quán triệt và tập trung thực hiện nghiêm túc nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, nhà trường, xã hội thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 2313/CĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội Xuân 2016; Chỉ thị số 04/CT-BVHTTDL ngày 13/01/2016 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016; Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội; Kết luận số 04-KL/TU ngày 20/3/2013 của Thành ủy Hải Phòng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy (khóa XI) về thực hiện nếp sống văn hóa thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan; Quyết định số 2822/2015/QĐ-UBND ngày 14/12/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

2. Cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa theo phân cấp và chịu trách nhiệm nội dung chương trình, công tác tổ chức, quy mô, cấp độ của lễ hội. Tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội; có phương án phòng, chống cháy nổ; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội.

Xây dựng kế hoạch công tác, định hướng quản lý và tổ chức lễ hội, sơ kết và tổng kết công tác quản lý lễ hội theo định kỳ. Kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, thành lập các Tiểu ban và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Vận động nhân dân loại bỏ hoặc thay thế các tập tục không còn phù hợp, những hành vi bạo lực, phản cảm gây bức xúc dư luận xã hội.

Tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Thực hiện quy hoạch khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá; không bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng; kiên quyết loại bỏ những hủ tục, những hình ảnh phản cảm trong lễ hội.

3. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không để các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với các lễ hội có quy mô lớn, vượt ra khỏi địa bàn quận, huyện, Ủy ban nhân dân các cấp phải phối hợp với cơ quan chức năng, chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống thảm họa thiên tai, cháy nổ; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội; các hoạt động quảng bá lễ hội phải tuân thủ quy định trong hoạt động quảng cáo.

4. Giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo Thanh tra Sở tổ chức, phối hợp với các lực lượng chức năng và Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra trước; trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tổ chức và quản lý lễ hội, đặc biệt là các hành vi, biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như: lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, mê tín dị đoan, đốt đồ mã, đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt tiền tùy tiện, không đúng quy định, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự; kiên quyết không để các hành vi bạo lực, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, đốt pháo, thả đèn trời... diễn ra trong lễ hội.

Đồng thời chấn chỉnh tình trạng xây dựng, sửa chữa các di tích không đúng quy hoạch, không được cấp phép, phá vỡ cảnh quan môi trường và không tuân thủ Luật Di sản văn hóa và các quy định có liên quan.

5. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch, yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về công tác lễ hội và các vấn đề có liên quan đến nội dung được đề cập tại Chỉ thị này; biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời phát hiện, phê phán mạnh mẽ các tổ chức, cá nhân không nghiêm túc thực hiện Chỉ thị; đăng tải, đưa tin có thời lượng hợp lý, tích cực phản ảnh những mặt được và chưa được trong tổ chức lễ hội, đặc biệt tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích, lễ hội, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội; việc thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội; không quảng bá các hoạt động lễ hội có tính thương mại, có hình ảnh phản cảm.

6. Yêu cầu thủ trưởng các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch theo dõi, kiểm tra đôn đốc và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chỉ thị này hàng năm trên địa bàn thành phố./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ VHTTDL;
- TT TU, TT HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Ủy ban MTTQ VN TP;
- Văn phòng Thành ủy;
- VP Đoàn ĐBQH&HĐND TP;
- Các ban của Đảng;
- Các ban HĐND TP;
- Liên đoàn LĐ TP;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các quận, huyện;
- Đài PT&TH HP;
- Báo HP, Báo AN HP;
- Cổng Thông tin điện tử TP;
- CVP, các PCVP;
- Các CV UBND TP;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Khắc Nam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016 trên địa bàn thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 05/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/01/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Lê Khắc Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản