Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 05 tháng 3 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CÔNG BỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT TRÊN CÔNG BÁO CỦA TỈNH

Thực hiện Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2004 của Chính phủ về Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Thông tư số 03/2006/TT-VPCP ngày 17 tháng 02 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị định số 104/2004/NĐ-CP đối với tổ chức và hoạt động của Công báo cấp tỉnh, trong thời gian qua hoạt động công bố văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo của tỉnh bước đầu đạt được kết quả tốt và đang đi vào nền nếp, góp phần tích cực trong việc công khai, minh bạch quá trình ban hành và công bố văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế một số sở, ban, ngành chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đăng Công báo như: Gửi văn bản chậm hoặc không gửi văn bản để đăng Công báo; một số văn bản còn có sai sót về hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành. Nguyên nhân tình hình trên là do Trung tâm Công báo mới được thành lập, hoạt động công bố văn bản pháp luật trên Công báo tỉnh còn mới mẻ; một số sở, ban, ngành chưa quan tâm và nhận thức chưa đầy đủ trách nhiệm phải gửi văn bản pháp luật và bản ghi điện tử để công bố trên Công báo của tỉnh; trình độ, kỹ thuật soạn thảo văn bản của một số cán bộ, công chức còn yếu dẫn đến chất lượng văn bản chưa cao.

Để khắc phục tình trạng trên và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/2007/CT-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ "Về một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công bố văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công bố văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Tiếp tục phổ biến, quán triệt cho cán bộ, công chức của sở, ban, ngành và cơ quan mình thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Nghị định số 104/2004/NĐ-CP và các văn bản liên quan đến quy trình soạn thảo, ban hành, công bố văn bản quy phạm pháp luật; xác định hoạt động công bố văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo của tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và thực hiện nghiêm chỉnh ở tất cả các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, hình thức, thể thức của văn bản quy phạm pháp luật do sở, ban, ngành, cơ quan mình tham mưu ban hành; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Công báo trong việc gửi văn bản pháp luật và bản ghi điện tử để thực hiện đăng Công báo, thường xuyên rà soát Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để đảm bảo tất cả các văn bản quy phạm pháp luật được công bố đầy đủ, kịp thời và chính xác trên Công báo của tỉnh.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Chịu trách nhiệm tổ chức tốt việc đăng Công báo của tỉnh các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Điều 8 và Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo tình hình, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công bố văn bản pháp luật trên Công báo tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính thường xuyên củng cố và bảo đảm các điều kiện về biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí để đưa hoạt động của Trung tâm Công báo tỉnh đi dần vào nền nếp và ngày càng có hiệu quả; chuẩn bị các điều kiện cần thiết về vật chất, kỹ thuật cho sự ra đời của Công báo điện tử và triển khai các hoạt động sau khi Công báo điện tử được thành lập.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Chỉ đạo, quán triệt các cơ quan chuyên môn và cán bộ, công chức cấp huyện thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động công bố văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo của tỉnh; tổ chức tốt việc niêm yết các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn ở địa phương mình thực hiện tốt việc bảo quản, sử dụng và lưu trữ đầy đủ, lâu dài Công báo được cấp phát miễn phí theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh; tạo điều kiện để nhân dân được thường xuyên đọc Công báo.

Nhận được Chỉ thị này yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện nghiêm túc. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị, kịp thời tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng HĐND Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh: CVP, các PVP, các phòng, ban và đơn vị trực thuộc;
- Lưu VT, TTCB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Thị Bích Lựa

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2007 về biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công bố văn bản pháp luật trên công báo của tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 05/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/03/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Phạm Thị Bích Lựa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/03/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản