Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2014/CT-UBND

Tuy Hòa, ngày 13 tháng 3 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SOẠN THẢO, BAN HÀNH, KIỂM TRA, RÀ SOÁT, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

Trong những năm qua, công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống văn bản QPPL từng bước được hoàn thiện, phát hiện và xử lý nhiều văn bản không còn phù hợp, trái pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh nói chung, cấp huyện, cấp xã nói riêng. Nhiều văn bản QPPL của Trung ương giao trách nhiệm địa phương cụ thể hóa nhưng chậm được ban hành; nhiều văn bản phần căn cứ pháp lý đã hết hiệu lực pháp luật nhưng chậm tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời; tình trạng sao chép văn bản cấp trên còn khá phổ biến, nhiều văn bản soạn thảo không có cơ sở pháp lý hoặc không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; văn bản soạn thảo chưa đúng thể thức; một số lĩnh vực chưa xác định rõ cơ quan chủ trì soạn thảo, tham mưu ban hành văn bản; văn bản hành chính ban hành có nội dung chứa QPPL; các cơ quan chuyên môn cấp huyện, tỉnh chưa thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, đề nghị xử lý văn bản trái pháp luật thuộc lĩnh vực mình phụ trách, mà chủ yếu do Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp phát hiện, đề nghị xử lý... Những hạn chế trên đã làm cho chất lượng các văn bản chưa đáp ứng yêu cầu, tính khả thi chưa cao.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhận thức của việc tham mưu xây dựng văn bản chưa đầy đủ, lãnh đạo một số cơ quan chưa nắm bắt kịp thời những quy định mới cũng như chưa nghiên cứu sâu văn bản thuộc lĩnh vực mình phụ trách, còn thụ động trong công tác đăng ký Chương trình xây dựng văn bản và chỉ đạo soạn thảo văn bản; một số công chức được giao trực tiếp soạn thảo văn bản chưa nhận thức đúng tầm quan trọng, nên soạn thảo sơ sài, không nghiên cứu kỹ các văn bản liên quan đến nội dung dự thảo, cũng như quy trình xây dựng văn bản QPPL; không có sự phối hợp giữa đơn vị soạn thảo văn bản và pháp chế sở, ngành; nhiều cán bộ, công chức, viên chức chưa phân biệt văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính… Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Nêu cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu, nắm bắt văn bản:

- Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện nghiên cứu, nắm bắt văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước do mình phụ trách và quy trình xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND để chủ động đăng ký, chỉ đạo, triển khai việc tham mưu xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Những cơ quan tham mưu xây dựng văn bản không kịp thời hoặc chậm tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế những văn bản không còn phù hợp thuộc lĩnh vực mình phụ trách, thì thủ trưởng cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

- Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện kiểm tra, đánh giá trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, địa phương mình để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục hạn chế trong việc tham mưu xây dựng văn bản QPPL.

2. Kịp thời xây dựng văn bản và phân công nhiệm vụ xây dựng văn bản lĩnh vực tổ chức, tài chính:

- Văn bản Trung ương ban hành giao nhiệm vụ địa phương quy định chi tiết, hoặc cần cụ thể hóa để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, phải kịp thời tham mưu HĐND, UBND ban hành. Khi văn bản Trung ương ký ban hành được đăng tải trên công báo hoặc tiếp nhận bản chính thuộc chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thủ trưởng cơ quan đó tiến hành ngay việc đăng ký đưa vào chương trình ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh, phân công cụ thể người có trách nhiệm soạn thảo văn bản, đồng thời gửi lấy ý kiến góp ý, thẩm định khi văn bản Trung ương bắt đầu có hiệu lực pháp luật để tham mưu ban hành văn bản kịp thời. Các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo văn bản trong chương trình ban hành văn bản của HĐND, UBND tỉnh hàng năm phải thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc soạn thảo để tham mưu ban hành đúng tiến độ.

- Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện phải ban hành bằng hình thức văn bản QPPL. Trình tự xây dựng quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức được thực hiện như sau:

+ Các cơ quan chuyên môn liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo, gửi dự thảo quyết định đến Sở Nội vụ (văn bản thuộc UBND tỉnh), Phòng Nội vụ (văn bản thuộc UBND cấp huyện) lấy ý kiến góp ý.

+ Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị góp ý, Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ có trách nhiệm góp ý bằng văn bản.

+ Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu và điều chỉnh lại dự thảo cho phù hợp, sau đó gửi dự thảo và văn bản giải trình, tiếp thu đến các cơ quan, địa phương lấy ý kiến góp ý và yêu cầu thẩm định theo trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL trước khi trình UBND tỉnh, cấp huyện thông qua, ký ban hành.

- Đối với văn bản QPPL thuộc lĩnh vực phí, lệ phí và quy định các khoản thu, chi được thực hiện như sau:

+ Văn bản điều chỉnh nhiều lĩnh vực, liên quan đến quản lý nhà nước của nhiều cơ quan hoặc văn bản điều chỉnh mức thu phí, lệ phí thuộc doanh nghiệp nhà nước, giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng văn bản theo quy định.

+ Văn bản quy định lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc cơ quan nào, thì cơ quan đó chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo, đồng thời gửi dự thảo đến Sở Tài chính lấy ý kiến góp ý, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị góp ý, Sở Tài chính có trách nhiệm góp ý bằng văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo có giải trình, tiếp thu và điều chỉnh lại dự thảo cho phù hợp, sau đó gửi dự thảo văn bản và văn bản giải trình, tiếp thu đến các cơ quan, địa phương lấy ý kiến góp ý, đề nghị thẩm định theo trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình UBND tỉnh.

- Khi soạn thảo văn bản QPPL, chỉ căn cứ văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn đang còn hiệu lực pháp luật tại thời điểm ban hành văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan ban hành văn bản và những văn bản có nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung văn bản cần ban hành, văn bản hành chính không dùng làm căn cứ để ban hành văn bản QPPL.

- Văn bản QPPL khi ban hành phải ghi cụ thể ngày có hiệu lực trong văn bản, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc hiệu lực tối thiểu theo quy định. Đối với những văn bản cần thời gian tuyên truyền, tiếp cận của tổ chức, cá nhân thì quy định hiệu lực pháp lý dài hơn.

- Đối với văn bản QPPL của tỉnh có thủ tục hành chính, cơ quan dự thảo phải đánh giá tác động thủ tục hành chính theo quy định, đồng thời gửi Sở Tư pháp góp ý, cơ quan dự thảo giải trình, tiếp thu góp ý trước khi gửi hồ sơ đề nghị thẩm định theo quy định.

- Khi tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định chương trình ban hành văn bản QPPL hàng năm, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính xây dựng theo đúng quy định, không đưa vào chương trình những văn bản không cần thiết, không có tính khả thi, đồng thời yêu cầu bổ sung vào chương trình ban hành văn bản những văn bản cần điều chỉnh những vấn đề liên quan đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

- Để đảm bảo sự chủ động trong công tác ban hành văn bản của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn đăng ký xây dựng văn bản để ban hành quyết định xây dựng chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào quý I hàng năm.

- Văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp xã trước khi thông qua hoặc ký ban hành phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản, trong đó bắt buộc phải có ý kiến góp ý bằng văn bản của công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.

3. Tổ chức thực hiện:

- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện tăng cường công tác tự kiểm tra, thường xuyên rà soát văn bản QPPL và văn bản có nội dung chứa QPPL thuộc lĩnh vực mình quản lý theo quy định, chú trọng lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhiều bức xúc. Kịp thời kiến nghị và kiên quyết xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật; tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản QPPL không còn phù hợp.

- Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn phải bố trí biên chế, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL theo đúng quy định của pháp luật.

- Giao Sở Tư pháp chủ trì giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị này; định kỳ kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 3 năm 2014./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Đình Cự

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/2014/CT-UBND nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành, kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 05/2014/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/03/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Phạm Đình Cự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/03/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản