Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 05/2012/CT-UBND

Đắk Lắk, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG NHÀ VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG BUÔN, THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 570 Nhà văn hóa cộng đồng trên tổng số 608 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, chiếm tỷ lệ 94%. Đây là sự cố gắng lớn, sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự nhiệt tình ủng hộ và triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Việc xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng buôn đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc tại chỗ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; mở các lớp bồi dưỡng năng khiếu, hướng dẫn nghề; tổ chức hội họp, tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phổ biến khoa học - kỹ thuật; đóng góp tích cực vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cải thiện đời sống tinh thần, làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở các buôn làng; tăng cường sự đoàn kết gắn bó cộng đồng và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Tuy nhiên, qua khảo sát đánh giá gần đây của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ có 30% số Nhà văn hóa cộng đồng buôn, thôn tổ chức tốt các hoạt động, thực hiện tốt vị trí, chức năng và nhiệm vụ; số còn lại hoạt động trung bình, yếu hoặc không hoạt động. Tình trạng yếu kém này do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu: Diện tích xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng và khuôn viên hẹp không đảm bảo để tổ chức các hoạt động người tham dự; nhiều Nhà Văn hóa cộng đồng chưa có nhà vệ sinh, giếng nước, hàng rào bảo vệ xung quanh; một số Nhà Văn hóa cộng đồng đã xuống cấp trầm trọng nhưng không có kinh phí sửa chữa; ngoài nguồn tài trợ và tỉnh đã cấp 128 bộ cồng chiêng, hầu hết Nhà Văn hóa cộng đồng chưa được cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị bên trong; đa số Ban chủ nhiệm chưa thật sự chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch (mặc dù đã được tập huấn nghiệp vụ); một số nơi chính quyền thiếu sự quan tâm chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở chưa có sự phối hợp đồng bộ, hoạt động mang tính thời vụ; không thường xuyên, nội dung hoạt động đơn điệu, thiếu sáng tạo, không hấp dẫn, không lôi cuốn đồng bào đến tham dự; chưa phát huy hết công năng của Nhà văn hóa cộng đồng, chủ yếu dùng Nhà văn hóa cộng đồng làm nơi hội họp hoặc làm nhà trẻ, mẫu giáo; kinh phí hoạt động Nhà văn hóa cộng đồng hàng năm chưa được bố trí, chế độ thù lao, biểu dương khen thưởng chưa kịp thời.

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, “về Văn hóa, thể thao: 100% thôn buôn, tổ dân phố được quy hoạch đất để xây dựng hội trường, điểm sinh hoạt văn hóa thể thao”; Chương trình số 18-CTr/TU, ngày 23/4/2012 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, “về Văn hóa, thể thao: 100% số nhà sinh hoạt cộng đồng được trang bị phương tiện hoạt động văn hóa”; ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số: 616-TB/TU, ngày 16/6/2012 về nâng cao hiệu quả hoạt động Nhà Văn hóa cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những yếu kém, tích cực tổ chức tốt và nâng cao hiệu quả hoạt động Nhà văn hóa cộng đồng buồn, thôn trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã căn cứ nguồn vốn đã được phân bổ hàng năm tiến hành khảo sát thực trạng, dành quỹ đất xây dựng trụ sở và khuôn viên Nhà văn hóa cộng đồng; tham khảo ý kiến của người dân về vị trí, kiểu dáng, kích thước và vật liệu trước khi xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng phù hợp với phong tục truyền thống của đồng bào địa phương; bố trí lồng ghép các chương trình, nguồn vốn như: vốn ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, thị xã, thành phố theo Nghị quyết số 36/2010/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; vốn ngân sách huyện, xã; vốn đầu tư thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội thôn buôn theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII); Chương trình mục tiêu Quốc gia Văn hóa; Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm cho hoạt động và mua sắm trang thiết bị của Nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2015 có 100% buôn trên địa bàn tỉnh có Nhà văn hóa cộng đồng hoàn chỉnh các hạng mục và có đủ điều kiện đảm bảo để đồng bào các dân tộc trong tỉnh có nơi tổ chức và sinh hoạt các loại hình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Tăng cường chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiến hành tổ chức rà soát và kiện toàn Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa cộng đồng, đưa trưởng buôn, thôn tham gia vào Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa cộng đồng. Tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn, tôn tạo, sử dụng Nhà văn hóa cộng đồng để gắn kết trách nhiệm, tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, các trang thiết bị Nhà văn hóa cộng đồng.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị trong ngành và Phòng Văn hóa thông tin các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban chủ nhiệm Nhà Văn hóa cộng đồng; thường xuyên tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đúng hướng nhằm bảo tồn vốn văn hóa truyền thống. Bố trí lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu để hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố trong việc trang bị các trang thiết bị cần thiết của Nhà Văn hóa cộng đồng.

3. Giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch đôn đốc, kiểm tra, giám sát các hoạt động Nhà văn hóa cộng đồng, sử dụng Nhà văn hóa cộng đồng đúng mục đích và có hiệu quả.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh dự toán phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng, sửa chữa Nhà văn hóa cộng đồng; bố trí ngân sách chi hàng năm đảm bảo tiến độ xây dựng và hoạt động Nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể của tỉnh phối hợp xây dựng chương trình kế hoạch nhằm vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, thôn buôn văn hóa, xã văn hóa; đồng thời vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm, hỗ trợ đầu tư xây dựng, mua sắm thêm trang thiết bị cho Nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

6. Các Sở, ban, ngành của tỉnh tùy theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng các chương trình, kế hoạch thiết thực gắn với các hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng buôn, thôn nơi đơn vị giao lưu kết nghĩa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời hỗ trợ vật chất, tinh thần và kinh phí mua sắm thêm trang thiết bị bên trong để Nhà văn hóa cộng đồng tổ chức hoạt động và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tốt hơn.

7. Sở Thông tin truyền thông, Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh, các cơ quan thông Tấn báo chí ở địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có kế hoạch tổ chức tuyên truyền đưa tin những mô hình Nhà văn hóa cộng đồng duy trì tổ chức và hoạt động tốt để phổ biến, nhân rộng trong toàn tỉnh; nêu gương những tập thể, cá nhân làm tốt công tác này để biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung Chỉ thị, tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định; định kỳ (quý, 6 tháng, cả năm) báo cáo cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL (B/c);
- TT Tỉnh ủy (B/c);
- TT HĐND tỉnh (B/c);
- Đoàn đại biểu QH tỉnh;
- CT, PTC UBND tỉnh;
- UBMT TQVN tỉnh;
- Cục KTVB (Bộ Tư pháp);
- Ban VHXH HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, Tp, Tx;
- Công báo tỉnh; Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh, Website tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ CVP, các Phó CVP;
+ TH;
- Lưu: VT, VHXH,

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Dhăm Enuôl

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/2012/CT-UBND nâng cao hiệu quả hoạt động Nhà văn hóa cộng đồng buôn, thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 05/2012/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/12/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Y Dhăm Ênuôl
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/01/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 09/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản