Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 31 tháng 3 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐIỀU HÀNH THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021

Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2021 theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND và Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố chỉ thị như sau:

Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện nghiêm túc Thông tư số 109/2020/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, với một số nội dung trọng tâm sau đây:

I. VỀ THU NGÂN SÁCH

1. Giao Cục trưởng Cục Thuế thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, Thủ trưởng các đơn vị liên quan triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2020 của Chủ tịch UBND thành phố về việc tăng cường công tác thu thuế năm 2021.

2. Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo các chủ trương và chính sách hiện hành, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời nộp vào ngân sách theo đúng quy định pháp luật.

3. Tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản quy định về hóa đơn, chứng từ; công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế. Thu hồi kịp thời số tiền thuế, tiền phạt và các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

4. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố trình Thường trực HĐND thành phố quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất đối với trường hợp nhà đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định chưa bố trí nhiệm vụ chi bồi thường, giải phóng mặt bằng tương ứng.

II. VỀ CHI NGÂN SÁCH

1. Chi đầu tư phát triển:

a) Căn cứ kế hoạch vốn xây dựng cơ bản năm 2021 được UBND thành phố giao, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành và Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.

Ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án trọng điểm của thành phố, các công trình cấp thiết dở dang; vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, hạn chế chi chuyển nguồn sang năm sau; lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đúng thời gian quy định.

b) Tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc từng dự án (về thủ tục, về bồi thường hỗ trợ tái định cư...), thực hiện giải ngân vốn đầu tư công phù hợp với khối lượng hoàn thành. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đối với những dự án, công trình thực hiện không đúng tiến độ phải kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2021 nhưng chưa được bố trí đủ vốn; trong đó, tập trung cho các công trình đã đăng ký hoàn thành trong năm 2021, bảo đảm hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư công.

c) Thực hiện nghiêm quy định quyết toán dự án hoàn thành, không để tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán; khắc phục tình trạng tạm ứng vốn lớn, tạm ứng sai quy định, tạm ứng kéo dài qua nhiều năm chậm thu hồi.

2. Chi thường xuyên:

a) Tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, bám sát dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng chi không đúng nguồn kinh phí, mua sắm vượt nhu cầu gây lãng phí NSNN. Dự toán chi thường xuyên năm 2021 đã được UBND thành phố giao cho các đơn vị và quận, huyện là mức tối đa được phân bổ để thực hiện các nhiệm vụ được giao. UBND thành phố không giải quyết bổ sung ngoài dự toán cho các đơn vị và quận, huyện trừ trường hợp thiên tai, lũ lụt, hạn hán và các trường hợp cấp thiết khác sẽ xin ý kiến của Thường trực HĐND thành phố và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. Hạn chế việc ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách vượt quá khả năng nguồn lực hiện có để đảm bảo cân đối thu chi ngân sách.

b) Giao Giám đốc Sở Tài chính kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện các khoản chi đã được phân bổ trong dự toán, các khoản chi của ngân sách phải được phản ánh vào ngân sách theo quy định và được hạch toán đầy đủ theo đúng Mục lục NSNN. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi trong cân đối NSNN, các khoản chi được quản lý qua NSNN, đảm bảo sử dụng kinh phí NSNN có hiệu quả.

c) Giao Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thành phố và Chủ tịch UBND quận, huyện:

- Chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các khoản chi cho con người, chính sách đảm bảo an sinh xã hội theo các chính sách, chế độ đã ban hành, những nhiệm vụ quan trọng đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phù hợp với khả năng thu ngân sách và tiến độ một số nguồn thu gắn với dự toán chi đầu tư phát triển (thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết);

- Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo đúng chế độ quy định hiện hành;

- Thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ hội; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài;

- Bố trí đảm bảo kinh phí tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo mục tiêu, yêu cầu đề ra, với tinh thần tiết kiệm, hiệu quả;

- Các quận, huyện hoàn tất việc chi hỗ trợ khó khăn cho các đối tượng do dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020 (có đối chiếu với Kho bạc Nhà nước cùng cấp), báo cáo về Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND thành phố báo cáo Bộ Tài chính.

d) Các nguồn thu phát sinh tại đơn vị dưới bất cứ hình thức nào, đơn vị phải lập dự toán, quản lý và tập hợp vào báo cáo quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp theo đúng quy định.

đ) Các đơn vị sự nghiệp cấp thành phố, cấp huyện gửi báo cáo quyết toán thu - chi với cơ quan tài chính cùng cấp (trừ các đơn vị trực thuộc do Sở chủ quản xét duyệt quyết toán thì gửi báo cáo quyết toán thu - chi cho Sở chủ quản).

e) Đối với các khoản chi trong dự toán:

- Toàn bộ kinh phí chi thường xuyên của hệ Đảng được cấp qua Văn phòng Thành ủy theo dự toán đã giao, các Ban Đảng khi sử dụng kinh phí liên hệ trực tiếp với Văn phòng Thành ủy. Kinh phí hoạt động của Quận ủy, Huyện ủy do Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện cấp phát.

- Xử lý nghiêm những sai phạm, vi phạm trong chấp hành pháp luật ngân sách nhà nước, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Giao Sở Tài chính sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thật sự bức xúc, cần thiết, phát sinh ngoài dự toán; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định.

g) Đối với các đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ đột xuất ngoài kế hoạch đầu năm nhưng kinh phí trong dự toán đã giao không đảm bảo chi, thì mới xem xét bổ sung kinh phí ngoài dự toán sau khi có ý kiến của Thường trực HĐND thành phố. Kho bạc nhà nước các cấp sử dụng kinh phí trong dự toán đã giao cho đơn vị để thanh toán các khoản chi này.

Giao Sở Tài chính tổng hợp đề nghị của các đơn vị có yêu cầu bổ sung dự toán kèm theo thuyết minh chi tiết, có ý kiến đề xuất cụ thể báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét tại kỳ họp gần nhất.

h) Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán. Xử lý kịp thời, đầy đủ nhũng sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách trong quản lý điều hành ngân sách khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sử dụng ngân sách không đúng quy định.

3. Về thực hiện cải cách tiền lương:

Tập trung nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương năm 2021, căn cứ dự toán ngân sách năm 2021 được giao, các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp thành phố và UBND quận, huyện thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên trong năm 2021 và nguồn tăng thu theo quy định để thực hiện chế độ cải cách tiền lương.

4. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công:

a) Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai thực hiện phương án chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

b) Hoàn thành việc xây dựng, ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý; quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các dịch vụ sự nghiệp công do nhà nước quản lý, làm cơ sở để giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý.

c) Tiếp tục chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế đặt hàng; đồng thời, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách khi điều chỉnh tăng giá dịch vụ công.

5. Về quản lý, sử dụng tài sản công:

a) Tổ chức việc rà soát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đẩy mạnh việc xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng để tạo nguồn tài chính bổ sung ngân sách nhà nước; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức.

b) Thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai.

c) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công phải xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công. Khai thác hiệu quả tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản kết cấu hạ tầng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; chấm dứt việc sử dụng tài sản cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, kinh doanh không đúng quy định.

6. Tăng cường quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, bảo đảm công khai, minh bạch. Tiếp tục rà soát, tổ chức lại và đổi mới cơ chế hoạt động của quỹ phù hợp với Luật ngân sách nhà nước.

7. Chủ động sử dụng nguồn dự phòng, quỹ dự trữ để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định. Trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán thì phải chủ động sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán và sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

8. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng và thực hiện công khai tài chính, ngân sách nhà nước:

a) Giao Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND quận, huyện tổ chức chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng kinh phí từ NSNN trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; trong hoạt động của cơ quan, tổ chức,... đảm bảo sử dụng ngân sách đúng mục đích, đúng chế độ, hiệu quả và tiết kiệm.

Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát chi NSNN bảo đảm sử dụng ngân sách đúng dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi quy định. Cơ quan tài chính và cơ quan quản lý nhà nước các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao có kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí ngân sách ở các đơn vị.

Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đẩy mạnh thực hiện thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.

b) Thực hiện nghiêm túc chế độ công khai tài chính đối với các cấp NSNN trên Cổng Thông tin điện tử của UBND thành phố và Cổng thông tin điện tử của Sở Tài chính, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được NSNN hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn NSNN, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ NSNN và các quỹ huy động từ các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định tại các Thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về công khai.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; thường xuyên báo cáo kết quả và những khó khăn, vướng mắc gửi về Sở Tài chính tổng hợp, có ý kiến đề xuất trình UBND thành phố xem xét, kịp thời giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài chính;
- TT. Thành ủy;
- TT. HĐND thành phố;
- UBMTTQ VN và các Đoàn thể TP;
- CT và các PCT UBND TP;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- Sở, ban ngành TP;
- TT. HĐND và UBND quận, huyện;
- Kho bạc Nhà nước Cần Thơ;
- Phòng TC-KH quận, huyện;
- Kho bạc Nhà nước quận, huyện;
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- VP UBND TP (2, 3);
- Lưu: VT, Hồng.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/CT-UBND về điều hành thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 04/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/03/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Văn Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản