Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 04/CT-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THU VÀ THỰC HIỆN TIẾT KIỆM CHI NSNN TRONG CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2013

Qua 10 tháng đầu năm 2013, tình hình thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, Tổng thu NSNN 10 tháng ước đạt 618.290 tỷ đồng, chỉ bằng 75,8% dự toán, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: Thu nội địa ước đạt 406.050 tỷ đồng, bằng 74,4% dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2012; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 115.160 tỷ đồng, bằng 69,2% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là kết quả thu thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN theo dự toán được Quốc hội, Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2013

1.1. Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 128/QĐ-BTC ngày 17/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/01/2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, thực hiện tốt các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu cho ngân sách. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế theo Đề án 30 của Chính phủ; thực hiện cải cách thủ tục hải quan, quản lý thuế, đẩy nhanh triển khai thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia và ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian và chi phí trong việc chấp hành pháp luật thuế, hải quan của doanh nghiệp.

1.2. Tăng cường công tác điều hành thu. Qua công tác theo dõi phân tích kết quả thu, lãnh đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp phải đề ra các giải pháp quản lý hiệu quả, phát hiện kịp thời các khoản khai thác tăng thu, các địa bàn còn thất thu để có biện pháp quản lý thu phù hợp. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa chỉ tiêu thu các tháng còn lại, giao chỉ tiêu thu cho từng đơn vị, từng cá nhân theo từng tuần, từng tháng. Định kỳ tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện thường xuyên đối với từng đơn vị, cá nhân để kịp thời chỉ đạo đôn đốc thu đảm bảo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đã được giao. Thủ trưởng các đơn vị trong ngành thuế, hải quan chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc hoàn thành chỉ tiêu thu năm 2013 được giao.

1.3. Đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế qua công tác tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số tính thuế, kiểm tra sau thông quan. Xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro, đảm bảo thông tin quản lý rủi ro có hiệu quả đối với từng khâu nghiệp vụ; Cập nhật dữ liệu để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các trường hợp thực hiện không đúng quy định, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý giá tại các đơn vị, kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận qua áp giá, áp mã tính thuế, chú trọng những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch xuất khẩu lớn.

1.4. Tổ chức rà soát toàn bộ nguồn thu, các quỹ của các tổ chức, doanh nghiệp, kiểm tra tình hình trích, lập, sử dụng các quỹ của doanh nghiệp, tổ chức thu phí,... phát hiện kịp thời các khoản tăng thu để kịp thời, đôn đốc nộp vào NSNN; Tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương có số thu thuế thu nhập cá nhân lớn tập trung đôn đốc thu nộp vào NSNN, đặc biệt là các cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

1.5. Tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp có rủi ro cao đã được hoàn thuế, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, thanh tra giá chuyển nhượng, thanh tra kiểm tra về lĩnh vực thương mại điện tử nhằm tăng thu, chống thất thu ngân sách. Đối với Cục Thuế các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam bộ điều chỉnh lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2013, đảm bảo ít nhất 60% doanh nghiệp trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra là các doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh hóa đơn bất hợp pháp, có rủi ro cao về thuế. Riêng Cục Thuế các tỉnh Tây Nguyên tập trung nguồn lực vào thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên địa bàn. Cục Thuế các tỉnh miền Tây Nam bộ thực hiện kiểm tra 100% các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính tại văn bản số 8318/BTC-TCT ngày 27/6/2013. Cục Hải quan các tỉnh có đường biên giới trên bộ kiểm soát chặt chẽ hồ sơ xuất khẩu (trong đó tăng cường với hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch) của doanh nghiệp theo quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Công tác thanh, kiểm tra phải phối hợp chặt chẽ với công tác thu nợ thực hiện đôn đốc thu đủ, thu kịp thời số tiền truy thu, tiền phạt, tiền nợ thuế vào NSNN và các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác.

1.6. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại đặc biệt là từ nay đến cuối năm nhất là dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán. Tích cực thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện bắt giữ và xử lý kịp thời các vụ việc buôn lậu, đặc biệt là các vụ việc lớn, vụ việc nổi cộm, mang tính chất đường dây, ổ nhóm, tập trung đấu tranh, phát hiện bắt giữ đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới; ma túy, vũ khí, chất nổ, hàng hóa vi phạm môi trường, tài liệu phản động... đảm bảo an ninh, an toàn quốc gia.

1.7. Ngành Thuế và ngành Hải quan phải thường xuyên phối hợp trong việc phân loại thống nhất danh sách doanh nghiệp rủi ro cao về thuế. Theo đó, phối hợp kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai hải quan và kê khai thuế đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế nhằm chống các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước; Tăng cường sự phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thống nhất quy định các tiêu chí rủi ro, chứng từ, loại hình thanh toán qua ngân hàng có rủi ro. Tiến tới xây dựng cơ chế phối hợp trao đổi thông tin với ngân hàng để nắm thông tin các giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ kịp thời ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tiền thuế GTGT thông qua khấu trừ, hoàn thuế; Khẩn trương triển khai thực hiện việc đối chiếu chéo hóa đơn, trước mắt tập trung tại những địa bàn lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm của người nộp thuế.

1.8. Quản lý chặt chẽ đối với việc đăng ký, cấp, thu hồi mã số thuế/mã số doanh nghiệp theo đúng quy định tại Thông tư số 80/2012/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế và các quy định về đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp. Phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan có liên quan rà soát, xác minh doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh để có biện pháp xử lý kịp thời; Rà soát, hướng dẫn và kiểm tra người nộp thuế kê khai, nộp thuế GTGT vãng lai. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thuế địa phương trong việc kê khai, nộp thuế GTGT vãng lai; Thực hiện rà soát, kiểm tra và báo cáo định kỳ tình hình quản lý thuế đối với nhà thầu nước ngoài thực hiện kinh doanh tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ.

1.9. Chấn chỉnh công tác hoàn thuế; Thực hiện nghiêm, đúng quy định, quy trình trong xác định số thuế đủ điều kiện khấu trừ và hoàn thuế theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, nhất là công văn số 13706/BTC-TCT ngày 15/10/2013; Cục trưởng Cục Thuế ra quyết định hoàn thuế GTGT đối với hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đã phân cấp cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 9976/BTC-TCT ngày 31/7/2013 của Bộ Tài chính; Bù trừ tối đa số tiền thuế được hoàn với số tiền thuế người nộp thuế đang còn nợ NSNN, bao gồm cả số nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý thu; Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ ngành đối với công tác hoàn thuế (trong đó cơ quan thuế cấp trên kiểm tra 15%, cơ quan thuế phải tự kiểm tra 15% hồ sơ hoàn). Rà soát đối với các trường hợp có số hoàn thuế lớn, tăng đột biến, phát sinh liên tục và có dấu hiệu rủi ro cao để tập trung kiểm tra hoàn thuế, kết hợp kiểm tra hoàn thuế với kiểm tra, thanh tra toàn diện về hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế.

1.10. Đẩy mạnh công tác thu nợ; Xây dựng kế hoạch thu nợ đối với số tiền thuế nợ tại thời điểm ngày 31/12/2012, chi tiết cho từng tháng; Cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan các cấp rà soát, xác định số tiền thuế còn nợ của từng đối tượng và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng Phòng, từng Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan. Các Phòng/Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan căn cứ chỉ tiêu cấp trên giao để phân bổ cụ thể cho từng Đội, từng công chức quản lý thực hiện đôn đốc thu nợ thuế, đảm bảo số nợ thuế đến 31/12/2013 không vượt quá chỉ tiêu đề ra.

1.11. Ban hành 100% thông báo nợ thuế và tiền chậm nộp đối với người nộp thuế còn nợ thuế; trường hợp người nộp thuế thuộc diện kê khai thuế GTGT theo quý thì ban hành thông báo theo quý; Đối với các khoản thuế đã hết thời hạn được gia hạn theo quy định hiện hành, cơ quan thuế thực hiện ban hành thông báo và đôn đốc người nộp thuế nộp ngay trong tháng hết thời gian gia hạn vào NSNN. Phối hợp với Kho bạc nhà nước, Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng tiến hành cưỡng chế đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế bằng các biện pháp phong tỏa tài khoản; trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc, Ngân hàng, tổ chức tín dụng để nộp vào ngân sách. Trường hợp chưa thu đủ tiền thuế nợ thì dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Buộc doanh nghiệp ngừng phát hành hóa đơn bán hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ.

1.12. Cục thuế các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Tài chính thực hiện xác định các khoản thu phí, lệ phí và phối hợp đôn đốc thu nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh, các phương tiện thông tin đại chúng công khai thông tin các doanh nghiệp nợ thuế lớn, chây ỳ theo quy định của Luật quản lý thuế; Phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư trong công tác thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề của các doanh nghiệp vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thuế; phải thực hiện thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.

1.13. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật (công an, kiểm sát,...) để xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, hải quan như gian lận, trốn lậu thuế, chuyển giá, buôn lậu v.v.. theo đúng quy định của pháp luật, kể cả việc xử lý cán bộ thuế, hải quan có vi phạm (nếu có).

2. Tiếp tục điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm theo đúng Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

2.1. Căn cứ nhiệm vụ chi NSNN còn lại trong những tháng cuối năm 2013 (đã trừ đi số kinh phí tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên theo Chỉ thị số 09/CT-TTg) và yêu cầu nhiệm vụ, các Bộ, cơ quan trung ương tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, các khoản chi thường xuyên đã bố trí trong dự toán, chủ động cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện đối với những nhiệm vụ chưa thực sự cấp bách. Tăng cường thực hành tiết kiệm hơn nữa; tiết giảm tối đa, chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước....; không xử lý bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách. Đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, dự toán chi thường xuyên đã giao cho đơn vị sử dụng ngân sách nhưng triển khai thực hiện chưa hết sẽ bị hủy bỏ, trừ những nhiệm vụ chi được chuyển nguồn theo chế độ quy định.

2.2. Cơ quan tài chính địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thu, chi ngân sách tại địa phương, căn cứ khả năng thu và sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương để chủ động tổ chức điều hành chi NSĐP, trong đó ưu tiên dành nguồn để xử lý các nhu cầu cấp thiết về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương. Trường hợp đã sử dụng hết các biện pháp mà vẫn không đảm bảo được cân đối NSĐP thì báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý.

Toàn bộ nguồn vốn đầu tư thu hồi, số tiết kiệm và cắt giảm dự toán chi thường xuyên năm 2013 thuộc ngân sách cấp nào thì bổ sung dự phòng ngân sách cấp đó và sử dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp ở địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, đảm bảo chi ngân sách đúng chế độ và tiết kiệm. Kiên quyết từ chối thanh toán đối với các khoản chi thuộc đối tượng phải rà soát, cắt giảm và giãn tiến độ thực hiện nhưng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư không có giải thích hợp lý, hợp lệ.

3. Thời gian còn lại của năm 2013 không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc, nhiệm vụ phải triển khai còn rất lớn, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ từ trung ương đến địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành phát huy truyền thống của ngành, của đơn vị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí để làm tốt công tác tuyên truyền, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn hoàn thành cao nhất nhiệm vụ chính trị năm 2013.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 16/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực hiện phát động phong trào thi đua nước rút trong toàn ngành nhằm quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách năm 2013. Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư chịu trách nhiệm về việc rà soát, thực hiện tiết kiệm chi tại đơn vị, dự án; gắn nhiệm vụ tiết kiệm chi, chống lãng phí trong chi tiêu NSNN với thực hiện phong trào thi đua; Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích góp phần vào việc hoàn thành dự toán thu NSNN, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đồng thời xử lý nghiêm theo quy định những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, có hành vi vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của Bộ, của đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để làm tốt công tác tuyên truyền về những kết quả đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, của đơn vị./.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ (để chỉ đạo);
- TCT, TCHQ, KBNN (để thực hiện);
- Sở TC, Cục Thuế, Cục HQ, KBNN các tỉnh,
TP trực thuộc TƯ (để thực hiện);
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, VP.

BỘ TRƯỞNG




Đinh Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/CT-BTC năm 2013 tăng cường công tác thu và thực hiện tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong tháng cuối năm 2013 do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 04/CT-BTC
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/11/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đinh Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản