Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2011/CT-UBND

Bình Định, ngày 18 tháng 11 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, RÀ SOÁT TÌNH HÌNH SẢN XUẤT GẠCH NGÓI ĐẤT SÉT NUNG BẰNG LÒ THỦ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG CỦA CHÍNH PHỦ.

Hiện nay, tình trạng sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công vẫn diễn ra tại một số huyện trên địa bàn tỉnh. Ở một số địa phương, việc sản xuất gạch bằng lò thủ công chưa được quản lý chặt chẽ để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường khi đốt lò và tai nạn lao động; nguồn nguyên liệu đất sét bị khai thác bừa bãi, lãng phí, đặc biệt là đất nông nghiệp; nhiên liệu đốt lò vẫn còn sử dụng gỗ, củi nên gây thiệt hại về rừng và thảm thực vật. Một số nơi việc khai thác đất làm gạch tận dụng nguồn nguyên liệu từ việc hạ cao trình để cải tạo đồng ruộng, đào kênh mương, hồ, ao nuôi trồng thủy sản; do không có quy hoạch và thiếu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương nên vi phạm cả diện tích đất canh tác; Nhà nước bị thất thu ngân sách từ thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thu khác từ sản xuất gạch thủ công. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến tháng 4/2011, trên địa bàn tỉnh còn trên 1.200 lò gạch thủ công, riêng tại huyện Tây Sơn còn trên 900 lò; trong khi đó, việc sản xuất vật liệu xây không nung phát triển chậm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ môi trường.

Để thực hiện nghiêm Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/7/2000 của Bộ Xây dựng ban hành Quy định về đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung; nhằm thực hiện việc thay thế vật liệu nung bằng vật liệu xây không nung, tiến tới xóa bỏ sản xuất gạch nung thủ công gây ô nhiễm, góp phần đảm bảo các vấn đề về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, tiết kiệm nguồn nguyên liệu đất sét, đáp ứng được nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a. Thành lập Ban chỉ đạo xóa bỏ lò gạch thủ công do Chủ tịch UBND huyện, thành phố làm Trưởng ban, phân công cụ thể cho từng thành viên trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện việc xóa bỏ cơ sở sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn.

b. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh về việc thay thế dần gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung, xóa dần sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường.

c. Xây dựng kế hoạch, lập phương án, triển khai thực hiện xóa bỏ sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn. Nghiên cứu phương án chuyển đổi sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng gạch không nung, gạch xi măng cốt liệu ít gây ô nhiễm môi trường; chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm mới cho các chủ cơ sở sản xuất và lực lượng lao động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công.

d. Chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, thống kê tình hình sản xuất gạch, ngói trên địa bàn mình quản lý, bao gồm: Tên chủ hộ, địa điểm sản xuất, số lượng lò, loại lò (có ống khói hoặc không ống khói), sản lượng sản xuất và số lượng lao động; gửi toàn bộ hồ sơ thống kê và phương án thực hiện xóa bỏ sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn về Sở Xây dựng trước ngày 30/6/2012. Định kỳ vào ngày 25 của tháng cuối quý, báo cáo kết quả thực hiện về Sở

Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

đ. Kể từ ngày 01/01/2012 không cấp phép mới, không gia hạn việc tận dụng đất sét trong công tác cải tạo đồng ruộng cho các lò gạch nung thủ công ngoài Cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung theo quy hoạch của huyện, thành phố. Đến ngày

31/12/2012 chấm dứt mọi hoạt động khai thác đất sét để sản xuất gạch, ngói sử dụng lò nung thủ công loại này.

e. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn:

- UBND xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm Chỉ thị này; tổ chức hội nghị để phổ biến rộng rãi cho toàn thể cán bộ đảng viên, nhân dân và thông báo tới từng chủ cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công biết chủ trương của UBND tỉnh về việc chấm dứt sản xuất gạch nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh.

- Nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, rà soát thực tế và tổng hợp, báo cáo UBND huyện, thành phố về tình hình sản xuất gạch, ngói bằng lò thủ công trên địa bàn theo yêu cầu của UBND huyện, thành phố.

- Không cho phép UBND cấp xã ký hợp đồng thuê đất khai thác nguyên liệu, xây dựng lò gạch và sản xuất gạch thủ công tại địa phương; không cho phép tận dụng đất đào từ các công trình nuôi trồng thủy sản, kênh mương, ao, hồ để sản xuất gạch, ngói bằng lò thủ công; nghiêm cấm sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch, ngói nếu chưa được phép của UBND cấp huyện.

- Yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công cam kết chấm dứt sản xuất và tự tháo dỡ lò gạch trả lại mặt bằng trước ngày 30/6/2013. Sau thời điểm này, các chủ cơ sở sản xuất chưa tự thực hiện việc tháo dỡ, báo cáo UBND huyện, thành phố thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ. Riêng đối với các xã, thị trấn thuộc huyện Tây Sơn, thời hạn tháo dỡ lò gạch được thực hiện đến ngày 30/6/2014.

g. Căn cứ Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương:

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan trong công tác lập và quản lý Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh.

- Nghiên cứu, đề xuất, xác định các vùng dự kiến quy hoạch đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel ứng dụng công nghệ xử lý khói thải để đáp ứng nhu cầu gạch xây thay thế gạch thủ công và tạo việc làm cho người lao động.

- Dự kiến quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có vật liệu xây không nung thay thế vật liệu nung truyền thống; xây dựng, đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quy hoạch sử dụng đất khu vực phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng trong đó có các vùng nguyên liệu cho sản xuất gạch, ngói.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn.

2. Sở Xây dựng:

a. Tổ chức lập Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 trình UBND tỉnh phê duyệt và quản lý, thực hiện Quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

b. Xây dựng Chương trình phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Phổ biến chủ trương, chính sách, nội dung phát triển vật liệu xây dựng không nung, định mức, đơn giá xây dựng và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy phạm thiết kế, thi công nghiệm thu đối với các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây dựng không nung.

c. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan đề xuất phương án, thời gian cụ thể thực hiện việc xóa bỏ sản xuất gạch, ngói bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh trước ngày 31/12/2012.

d. Chủ trì, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện; kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, quy định và các chương trình nêu trên.

đ. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Xây dựng trực thuộc Sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, quy định và chương trình nêu trên; đôn đốc, nhắc nhở, giám sát việc thực hiện, phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a. Cấp phép, kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.

b. Chủ trì, phối hợp cùng các ngành liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói nung, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định.

c. Định kỳ đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất gạch, ngói đất sét nung.

d. Xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm diện tích khu vực phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có các vùng nguyên liệu cho sản xuất gạch, ngói.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a. Rà soát, đề xuất các vùng đất canh tác nông nghiệp hiệu quả không cao do thổ nhưỡng và điều kiện tưới, tiêu để ngành chức năng xem xét quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất gạch, ngói của tỉnh.

b. Phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra việc sử dụng đất nông nghiệp để khai thác đất nguyên liệu và sản xuất gạch, ngói nung; kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định các hành vi vi phạm phương án sử dụng đất dành cho trồng trọt và chăn nuôi đã được phê duyệt và biện pháp chống thoái hóa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

a. Tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây không nung, ưu tiên sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương; lĩnh vực sản xuất gạch, ngói bằng đất nung theo công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

b. Xây dựng và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, giảm thiểu tác hại môi trường trong sản xuất gạch ngói; chính sách hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ từ gạch nung sang gạch không nung.

6. Sở Giao thông vận tải:

Chỉ đạo Thanh tra giao thông thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm của các phương tiện vận chuyển đất sét để sản xuất gạch, ngói nung về an toàn giao thông, làm rơi vãi đất sét trên đường gây bụi bẩn vào mùa khô, trơn trượt vào mùa mưa.

7. Sở Tài chính:

Xây dựng cơ chế tài chính về việc phân bổ kinh phí xử phạt trong lĩnh vực sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công, nhằm động viên các lực lượng tích cực tham gia xử lý vi phạm theo quy định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a. Xúc tiến đầu tư các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh.

b. Phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện thu hút việc đầu tư, sản xuất vật liệu xây không nung và chuyển đổi sản xuất vật liệu nung sang không nung trên địa bàn tỉnh; chính sách khuyến khích sử dụng gạch, ngói không nung trong các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác.

9. Chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình:

a. Nghiêm cấm các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước sử dụng gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công đưa vào xây dựng công trình.

b. Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành. Đối với các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên), từ ngày 30/6/2012, yêu cầu sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây.

10. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định:

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh biết và thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Lộc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/2011/CT-UBND về tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh và triển khai thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung của chính phủ do tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 04/2011/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/11/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Lê Hữu Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/11/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 09/09/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản