Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2008/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 13 tháng 10 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Trong những năm qua, cùng với những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, tỉnh đã từng bước thực hiện có hiệu quả Chương trình xoá đói giảm nghèo. Chương trình xoá đói giảm nghèo trở thành nội dung quan trọng trong kế hoạch hàng năm của các cấp các ngành; đã khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Nhờ vậy, các chỉ tiêu về xoá đói giảm nghèo đều đạt và vượt kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo từ 32,49% đầu năm 2006 xuống còn 22,74% cuối năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 giảm còn 20,88%, phấn đấu cuối năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống 19%. Ngoài ra, đã xây dựng thêm nhiều công trình hạ tầng cơ sở, chuẩn bị các tiền đề cần thiết, đúc rút được nhiều kinh nghiệm, cách làm hay cho Chương trình xoá đói giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình xoá đói giảm nghèo trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số ban, ngành, địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa nắm chắc tình hình, thực trạng đói nghèo chưa có chương trình, kế hoạch và biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện Chương trình có hiệu quả; kết quả xoá đói giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo hàng năm còn cao, thu nhập của người dân còn rất thấp, khá đông hộ nông dân có mức thu nhập, bình quân đầu người gần sát chuẩn nghèo. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn mang nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại, sức ỳ còn lớn. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm hạn chế kết quả giảm nghèo thời gian qua.

Mặt khác, do điều kiện lịch sử và tác động của các yếu tố khách quan nên số hộ nghèo ở tỉnh ta còn khá lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao so với bình quân chung cả nước, đến cuối năm 2007 còn 4/7 huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, trong đó có huyện Minh Hoá trên 50%.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo, phấn đấu hoàn thành trước thời gian mục tiêu về tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra .Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Các ngành, các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức hơn nữa cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện Chương trình xoá đói giảm nghèo; xác định xoá đói giảm nghèo là một cuộc cách mạng; là nhiệm vụ hàng đầu của các ngành, các cấp.

Phát huy tính chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường, tự vươn lên thoát nghèo của chính các hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, khuyến khích ý chí quyết tâm vượt nghèo của mọi người dân. Đẩy mạnh phong trào xã hội hoá Chương trình xoá đói giảm nghèo, phát huy sức mạnh tổng hợp, đa dạng hoá các nguồn lực để xoá đói giảm nghèo. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nghèo, xã nghèo và nhận người nghèo vào làm việc; gắn dạy nghề với tạo việc làm trong nước hoặc xuất khẩu lao động cho người nghèo.

2. Không ngừng củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình xoá đói giảm nghèo các cấp, đi đôi với việc xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Chương trình xoá đói giảm nghèo phù hợp với từng địa phương, cơ sở. Đặc biệt, các ngành, các cấp phải nắm chắc thực trạng, nguyên nhân đói nghèo cụ thể để có biện pháp thực hiện các chỉ tiêu xoá đói giảm nghèo trong từng thời kỳ.

3. Tăng cường và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt các xã nghèo, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện đối với một xã nghèo, cử cán bộ về địa bàn giúp địa phương và nhân dân tổ chức tốt công tác này.

Gắn thực hiện Chương trình xoá đói giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo tại cơ sở, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn, đảm bảo người nghèo khi có nhu cầu đều được trợ giúp pháp lý miễn phí.

4. Các ngành, các cấp tổ chức thực hiện tốt việc lồng ghép Chương trình xoá đói giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đơn vị để thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững. Gắn kết Chương trình xoá đói giảm nghèo với Chương trình 135 giai đoạn II, ưu tiên trong việc bố trí nguồn lực, cấp vốn đảm bảo tiến độ, đưa công trình vào sử dụng đúng kế hoạch, không để dàn trải, kéo dài dẫn đến hiệu quả thấp; tham mưu Uỷ ban nhân dân ban hành và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách giúp cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, dịch vụ sản xuất kinh doanh như y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, nhà ở, đất ở, hạ tầng phục vụ dân sinh, vay vốn ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý từng bước thu hẹp chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình xoá đói giảm nghèo; các địa phương, cơ sở có cơ chế tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện Chương trình. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra hiện tượng tiêu cực thất thoát lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn của Chương trình, không hoàn thành kế hoạch được giao thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tiến hành sơ kết Chương trình xoá đói giảm nghèo giữa giai đoạn 2006-2010 để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân điển hình và triển khai chỉ đạo công tác xoá đói giảm nghèo một cách tập trung, đồng bộ và cụ thể cho thời gian tiếp theo.

Các ngành, các cấp, các tổ chức, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xoá đói giảm nghèo.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo của tỉnh giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Lao động - TBXH;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Báo Quảng Bình, Đài PT-TH QB;
- Sở Tư pháp;
- UBND các huyện, thành phố;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT, NCVX.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Công Thuật

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/2008/CT-UBND tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 04/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/10/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Công Thuật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 06/08/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản