Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2006/CT-BYT

Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO VÀ TÌM KIẾM, CỨU NẠN NĂM 2006

Theo nhận định của các chuyên gia về khí tượng thủy văn, hình thời tiết, khí hậu, thủy văn của thế giới, khu vực và nước ta tiếp tục có những dấu hiệu diễn biến phức tạp, khó lường. Ngay từ đầu năm 2006, tại đồng bằng và trung du Bắc Bộ, lượng mưa thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, mực nước trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình xuống tới mức thấp nhất trong vòng 100 năm qua. Theo dự báo, năm nay tại Bắc Bộ số lượng các cơn bão có thể chỉ ở mức trung bình nhiều năm nhưng cần đề phòng khả năng xảy ra bão mạnh và lũ lớn; khu vực Trung Bộ do dải đất hẹp, độ dốc lớn nên nguy cơ xảy ra lũ quét rất cao; các tỉnh Nam Bộ được dự báo có nhiều khả năng lũ sẽ về muộn và ở mức cao.

Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/2006/CT-TTg ngày 31/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai năm 2006, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ:

1. Tổng kết, đánh giá công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2005, rút ra những ưu khuyết điểm, những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; Rà soát, điều chỉnh và bổ sung kế hoạch, hoàn thiện các phương án sơ tán, di dời cơ sở y tế khi xảy ra ngập lụt, sập đổ để nhanh chóng triển khai thu dung cấp cứu, điều trị nạn nhân trong mọi tình huống. Đảm bảo sự hoạt động và an toàn tuyệt đối cho các cơ sở y tế, không để bệnh nhân, nhân viên y tế bị thiệt mạng do lũ, bão; không để hư hỏng thuốc, hóa chất, máy móc thiết bị y tế do mưa lũ gây ra.

2. Kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của ngành y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị trực thuộc Bộ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng đơn vị theo phương châm hiệu quả, thiết thực; Nắm vững tìnhhình sức khoẻ, bệnh tật trong công đồng dân cư tại các vùng có thể xẩy ra thiên tai, thảm họa để có kế hoạch đầu tư mua sắm thuốc men, hóa chất phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, không để dịch bệnh xẩy ra. Tham mưu cho chính quyền và phối hợp với các ban, ngành liên quan tại địa phương kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân tại địa phương.

3. Xây dựng kế hoạch đối phó với thiên tai, thảm họa có thể xẩy ra tại địa phương, đơn vị. Các bệnh viện, cơ sở điều trị từ tuyến huyện trở lên tổ chức các đội cấp cứu lưu động với đầy đủ cán bộ chuyên môn, thuốc, thiết bị y tế và phương tiện đi lại, sẵn sàng ứng cứu kịp thời trong và sau khi thiên tai xẩy ra. Các tỉnh nằm trong vùng phân lũ ở các tỉnh phía Bắc phải lập kế hoạch cụ thể việc di chuyển đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế nằm trong vùng bị ngập lụt; bố trí các trạm cấp cứu bám sát các khu vực dân cư tạm sơ tán với đầy đủ cán bộ y tế, thuốc và phương tiện cấp cứu. Thực hiện phương châm “đâu có dân là có cán bộ y tế”. Các tỉnh ven biển có kế hoạch đối phó với bão, lũ lớn; các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ có kế hoạch chủ động đối phó với lũ quét nhằm đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế và cấp cứu kịp thời các nạn nhân. Các tỉnh Nam bộ chuẩn bị đối phó với lũ sông Cửu Long lên cao, đảm bảo cấp cứu người bị nạn và làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ.

4. Thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” vận dụng trong ngành y tế là: Chỉ huy tại chỗ: có cán bộ chỉ huy phối hợp các lực lượng ngay tại nơi xẩy ra thiên tai, thảm họa; Lực lượng tại chỗ: có cán bộ y tế luôn sẵn sàng để cấp cứu nạn nhân, hướng dẫn, chỉ đạo công tác thanh khiết môi trường, phòng chống dịch bệnh ngay; Phương tiện tại chỗ: có đủ thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế phục vụ yêu cầu của chuyên môn và Hậu cần tại chỗ là dự trữ đủ xăng dầu cho xe, xuồng, máy phát điện hoạt động khi không có điện; dự trữ lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ sinh hoạt khác cho bệnh nhân trong tình huống có bão, lũ xẩy ra.

5. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác vệ sinh môi trường trong và sau thiên tai, bão lụt. Trong mùa mưa bão, các Đội cơ động vệ sinh phòng dịch phải đặt trong tình trạng sẵn sàng cao, tăng cường theo dõi giám sát và phát hiện sớm dịch bệnh để khoanh vùng dập tắt ngay; nếu vượt quá khả năng phải báo cáo cấp trên xin chi viện kịp thời, không được để dịch lan rộng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân biết và thực hiện tốt công tác vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt và môi trường - chú trọng các nơi sơ tán, mật độ dân cư cao. Làm tốt công tác kết hợp quân-dân y trong khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.

6. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chuẩn bị trước các cơ số thuốc phòng chống bão lụt và cơ số thuốc, hoá chất chống dịch; dự trữ lương thực, thực phẩm cùng các phương tiện đảm bảo công tác cứu trợ khác cho các bệnh viện hoạt động được ít nhất một tuần từ nguồn kinh phí địa phương, có kế hoạch phân bổ và hướng dẫn sử dụng chu đáo cho cộng đồng dân cư các vùng trọng điểm thường hay xẩy ra thiên tai để có thể ứng cứu được kịp thời.

- Các đơn vị trực thuộc Bộ sẵn sàng chi viện các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai theo lĩnh vực chuyên môn của đơn vị. Các bệnh viện, viện trung ương, các trường đại học y-dược tổ chức các Đội xung kích tình nguyện sẵn sàng chi viện các địa phương ngay khi có lệnh điều động của Bộ với đầy đủ phương tiện vận chuyển, cán bộ chuyên môn, hoá chất chống dịch, thuốc chữa bệnh. Phải chuẩn bị đủ cả kinh phí, lương thực, thực phẩm sử dụng được ngay tại thực địa, không gây khó khăn thêm cho các địa phương bị thiên tai.

- Tổng Công ty Dược và Tổng Công ty Thiết bị y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị: phao và áo phao cứu nạn, cơ số thuốc, thiết bị y tế, thuốc và hoá chất chống dịch sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi viện cho các địa phương khi có lệnh của Bộ.

- Các vụ, cục thuộc cơ quan Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, thuốc, dụng cụ y tế, hoá chất phòng chống dịch và cán bộ chuyên môn để chi viện các nơi xảy ra thiên tai, thảm họa theo lệnh điều động của Bộ.

7. Các công việc chuẩn bị sẵn sàng đối phó với thiên tai, thảm họa phải hoàn thành xong trước ngày 30-5. Ban Chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế lập kế hoạch kiểm tra các địa phương, đơn vị và báo cáo kết quả với Lãnh đạo Bộ.

8. Khi xẩy ra thiên tai, thảm họa, các địa phương, đơn vị phải báo cáo nhanh về Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế diễn biến thiên tai, thảm họa và các thiệt hại về người, về cơ sở y tế; các công việc đã làm để khắc phục hậu quả và kiến nghị (nếu có).

Mọi thông tin báo cáo có thể bằng điện tín, điện thoại, fax về Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế (trong giờ làm việc: 04.8443039;ngoài giờ làm việc và ngày nghỉ: 04.5622982 hoặc 0988.710.046 và Fax: 04.8464051).

Nhận được Chỉ thị này, y tế các địa phương, đơn vị cần nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện ngay trước mùa mưa bão. Ban Chỉ huy Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế có trách nhiệm đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này để báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế./.

 

                            

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
 



Trần Chí Liêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/2006/CT-BYT triển khai công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn năm 2006 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 04/2006/CT-BYT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/05/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Trần Chí Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 31
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản