Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2019/CT-CA

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016) đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, trong đó quy định mới một số biện pháp1, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định khác về các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Những quy định mới được sửa đổi, bổ sung đã góp phần giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi tắt là vụ án dân sự) thời gian qua cho thấy, việc áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời tại các Tòa án nhân dân về cơ bản đã đảm bảo đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số Tòa án nhân dân để xảy ra sai sót, vi phạm được nêu tại Phụ lục ban hành kèm theo Chỉ thị này.

Để việc áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu:

1. Các Tòa án nhân dân chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự kiểm tra, rà soát các vụ việc đang áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời, kịp thời phát hiện sai sót, vi phạm pháp luật để chấn chỉnh, khắc phục ngay, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm trong cơ quan, đơn vị mình. Trường hợp tiếp tục để xảy ra sai sót, vi phạm thì phải kiểm điểm trách nhiệm và xem xét, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan.

2. Các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quan tâm, chỉ đạo việc cập nhật, theo dõi việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án, bảo đảm chính xác, kịp thời. Đối với các vụ án đương sự có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện thì Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán có kinh nghiệm xem xét, giải quyết, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người liên quan.

3. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học khẩn trương tổng kết thực tiễn áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự, sớm nghiên cứu, xây dựng và trình Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, thông qua Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trước mắt, khi Nghị quyết này chưa được ban hành, các Tòa án nhân dân phải nghiên cứu, áp dụng đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, pháp luật có liên quan2 và các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao3.

4. Ban Thanh tra phối hợp với các Vụ Giám đốc kiểm tra, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc tiếp tục rà soát, kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp có đơn khiếu nại hoặc phản ánh, kiến nghị về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; đồng thời kiến nghị các giải pháp để hạn chế sai sót, vi phạm pháp luật dẫn đến phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

5. Vụ Thi đua - Khen thưởng phối hợp với Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao theo dõi, nắm thông tin về các đơn vị để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật khi áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; chậm trễ trong việc khắc phục, xử lý vi phạm, sai sót để tham mưu cho Hội đồng Thi đua khen thưởng Tòa án nhân dân trong việc xét thi đua, khen thưởng.

6. Học viện Tòa án phối hợp các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng giáo trình về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự và các tài liệu hướng dẫn quy trình, kỹ năng áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn tạm thời trong tố tụng dân sự; tổ chức tập huấn pháp luật, kiến thức, kỹ năng áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

7. Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học và các đơn vị có liên quan tổ chức nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế về áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự.

8. Tạp chí Tòa án nhân dân, Báo Công lý, Cổng thông tin điện tử và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật, chia sẻ kinh nghiệm về áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời thông qua các bài viết, nghiên cứu, trao đổi.

Việc áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án. Do đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao ngay sau khi nhân được Chỉ thị này cần tổ chức quán triệt và triển khai tới các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trong cơ quan, đơn vị mình. Trong quá trình thực hiện nêu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị thì phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học).

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ban Nội chính TW;
- Ban Chỉ đạo CCTPTW;
- Chánh án TANDTC (để báo cáo);
- Các Đ/c Phó Chánh án TANDTC (để chỉ đạo thực hiện);
- Các Đ/c Thẩm phán TANDTC;
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC;
- Các Tòa án nhân dân;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT VP, Vụ PC&QLKH (TANDTC).

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Thúy Hiền

 

PHỤ LỤC

VỀ MỘT SỐ SAI SÓT CẦN RÚT KINH NGHIỆM TRONG VIỆC ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI
(Kèm theo Chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

1. Sai sót khi áp dụng những quy định chung về các biện pháp khẩn cấp tạm thời

1.1. Về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Tòa án đang giải quyết vụ án. Tuy nhiên, có trường hợp tại thời điểm nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án đã biết việc thụ lý vụ án là không đúng thẩm quyền nhưng vẫn ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (sau đó mới chuyển vụ án theo thẩm quyền) là vi phạm quy định của pháp luật.

1.2. Về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Một là, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc ngay sau khi người đó thực hiện xong biện pháp bảo đảm thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu. Tuy nhiên, có trường hợp Thẩm phán ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc thông báo không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn này. Bên cạnh đó, còn có Tòa án không có sổ theo dõi nhận đơn, không ghi chép thời gian nhận đơn nên không có căn cứ để xác định chính xác thời hạn giải quyết theo quy định.

Có trường hợp không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng Thẩm phán không thông báo bằng văn bản hoặc có thông báo nhưng không nêu rõ lý do cho người yêu cầu hoặc nêu lý do không áp dụng không đúng quy định của pháp luật.

Hai là, theo quy định tại khoản 2 Điều 111, khoản 3 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự thì trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, khi nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc trường hợp nêu trên thì có Tòa án lại từ chối việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì chưa thụ lý vụ án là chưa đúng quy định của pháp luật.

Ba là, theo quy định tại khoản 4 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự thì trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, gồm: phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ, phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ thì theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Tuy nhiên, khi áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời này, Thẩm phán có sai sót là không ấn định rõ số tiền bị phong tỏa; không xác định giá trị tài sản phong tỏa mà phong tỏa một phần tài sản chung (chưa chia); phong tỏa số tiền hoặc tài sản có giá trị lớn hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện; hoặc phong tỏa số tiền, tài sản có giá trị vượt quá yêu cầu của người yêu cầu.

1.3. Về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm (Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Có trường hợp người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời: Kê biên tài sản đang tranh chấp (khoản 6 Điều 114); cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp (khoản 7 Điều 114); Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp (khoản 8 Điều 114); Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ (khoản 10 Điều 114); Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ (khoản 11 Điều 114); Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu (khoản 15 Điều 114); Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án (khoản 16 Điều 114) chưa thực hiện biện pháp bảo đảm nhưng Tòa án vẫn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; có trường hợp Tòa án ấn định số tiền buộc thực hiện biện pháp bảo đảm quá ít hoặc quá nhiều, không tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

Có trường hợp Tòa án vẫn ra quyết định yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm trong khi theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự thì người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm.

1.4. Về hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 138 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Đối với những vụ án đã được đình chỉ giải quyết, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án không hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Tố tụng dân sự, sau đó khi người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ thì Thẩm phán mới ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng.

Tòa án ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng không xem xét, quyết định để người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được nhận lại chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mặc dù không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng dân sự mà sau đó đợi có đơn yêu cầu mới xem xét, giải quyết.

1.5. Về khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 140, Điều 141 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Đương sự thực hiện quyền khiếu nại về việc Tòa án không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đã quá thời hạn quy định tại Điều 140 Bộ luật Tố tụng dân sự, nhưng Chánh án Tòa án vẫn xem xét, giải quyết khiếu nại. Trường hợp đương sự khiếu nại trong thời hạn nhưng Chánh án Tòa án không giải quyết khiếu nại hoặc giải quyết khiếu nại bằng thông báo trả lời khiếu nại hoặc công văn mà không ra quyết định giải quyết khiếu nại là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 141 Bộ luật Tố tụng dân sự.

2. Những sai sót khi áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể

2.1. Kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp (các khoản 6, 7 và 8 Điều 114, Điều 120, 121 và Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Một là, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8 Điều 114, các điều 120, 121, 122 Bộ luật Tố tụng dân sự đối với tài sản không phải là tài sản đang tranh chấp (như: tranh chấp hợp đồng vay tài sản nhưng Tòa án lại áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với nhà đất của bị đơn; tranh chấp hợp đồng đặt cọc để bảo đảm giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất nhưng Tòa án lại áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với nhà đất đó; tranh chấp hợp đồng xây dựng tòa nhà tại một lô đất cụ thể trong toàn bộ dự án khu nhà ở nhưng Tòa án lại áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với phần dự án hoặc sản phẩm của dự án tại lô đất khác trong dự án đó,...). Các biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên chỉ được áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp. Đối với tài sản không có tranh chấp, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ nêu đương sự có yêu cầu và việc áp dụng này là có căn cứ.

Hai là, áp dụng đồng thời hai biện pháp “Kê biên tài sản đang tranh chấp” và “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” đối với cùng một tài sản đang tranh chấp. Trường hợp này, tài sản đang tranh chấp đã bị kê biên thì hệ quả tất yếu là tài sản đó cũng không thể chuyển dịch. Do vậy, Tòa án chỉ áp dụng một trong hai biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên đối với cùng một tài sản đang tranh chấp. Tòa án căn cứ vào yêu cầu của đương sự và quy định của từng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể để ra quyết định cho phù hợp.

Ba là, áp dụng biện pháp kê biên một phần tài sản tranh chấp (ví dụ: kê biên một phần căn nhà,...), cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với một phần tài sản đang tranh chấp (ví dụ: cấm chuyển dịch 1/6 quyền sử dụng đất, cấm chuyển dịch phần giá trị còn lại của căn nhà đang tranh chấp,...). Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như trên là không đúng và không thể thực hiện được vì không xác định được “một phần” là bao nhiêu, là phần nào trong khối tài sản đang tranh chấp.

2.2. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp (khoản 8 Điều 114, Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Áp dụng biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp nhưng không mô tả hiện trạng tài sản đang tranh chấp tại thời điểm ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến không thể xác định được tài sản có bị thay đổi hiện trạng hay không sau khi áp dụng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

2.3. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước (khoản 10 Điều 114, Điều 124 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Khi phong tỏa nhiều tài khoản của người có nghĩa vụ, Thẩm phán không xác định chính xác số tiền phải phong tỏa. Đối với tài khoản chung của nhiều người, Thẩm phán chưa làm rõ số tiền cụ thể của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tài khoản chung đó. Người yêu cầu không nêu rõ số tiền cụ thể yêu cầu Tòa án phong tỏa hoặc Tòa án phong tỏa tài khoản có số tiền vượt quá đề nghị của người yêu cầu. Tài khoản là của chung nhiều người, chưa phân định được phần của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng Tòa án phong tỏa toàn bộ tài khoản chung.

2. 4. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ (khoản 11 Điều 114, Điều 126 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Thẩm phán áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản trong khi tài sản này đang thế chấp ở Ngân hàng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác hoặc tài sản đã được tổ chức bán đấu giá, trong khi biện pháp này chỉ được áp dụng sau khi tài sản đã được giải chấp. Đối với tài sản chung chưa chia hoặc không thể phân chia nhưng Thẩm phán vẫn áp dụng biện pháp phong tỏa một phần tài sản của người có nghĩa vụ.

2.5. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định (khoản 12 Điều 114, Điều 127 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự, người yêu cầu đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thực hiện hành vi nhất định thì không buộc phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, có trường hợp Tòa án áp dụng biện pháp cấm thực hiện hành vi nhất định nhưng khi mô tả hành vi bị cấm thì lại thể hiện đó là hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp quy định tại Điều 121 và Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự. Như vậy, lẽ ra, Tòa án phải áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp (Điều 121), cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp (Điều 122) và phải buộc thực hiện biện pháp bảo đảm thì Tòa án lại áp dụng cấm thực hiện hành vi nhất định và không buộc thực hiện biện pháp bảo đảm.

Thẩm phán áp dụng biện pháp cấm thực hiện hành vi nhất định nhưng việc không thực hiện hành vi này là trái quy định của pháp luật, ví dụ: Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp cấm Đại hội đồng cổ đông họp trong khi khoản 1 Điều 136 Luật Doanh nghiệp quy định đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần.

2.6. Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ (Điều 128 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Tòa án áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ để bảo đảm giải quyết vụ án khi người bị áp dụng đã có người đại diện cư trú tại Việt Nam tham gia tố tụng hoặc để bảo đảm thi hành án trong khi người có nghĩa vụ đã bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác, như: phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản... là không đúng quy định của pháp luật.



1 (1) Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ, (2) Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình, (3) Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu, (4) Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.

2 Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay...

3 Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về một số vấn đề nghiệp vụ, Thông báo số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử của Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu nội dung hướng dẫn còn phù hợp).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/2019/CT-CA năm 2019 về nâng cao chất lượng áp dụng quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 03/2019/CT-CA
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/12/2019
  • Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Thúy Hiền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản