Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2008/CT-UBND | Đà Lạt, ngày 14 tháng 02 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG KHỦNG BỐ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Từ sau sự kiện xảy ra ngày 11/9/2001 tại Mỹ, hoạt động khủng bố trên thế giới diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả nặng nề cho nhiều quốc gia. Nhiều vụ khủng bố nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực Đông Nam Á. Ở nước ta đã xảy ra một số vụ đặt thuốc nổ, đe doạ khủng bố nhằm vào cá nhân, trụ sở cơ quan công quyền, chèn phá sóng vô tuyến, nhắn tin đe doạ khủng bố qua điện thoại…xuất hiện nguy cơ các tổ chức khủng bố quốc tế, các tổ chức phản động người Việt lưu vong, các thế lực thù địch có âm mưu khủng bố người nước ngoài, lợi ích của nước ngoài ở Việt Nam, khủng bố cơ quan đại diện nước ngoài, âm mưu đưa người, phương tiện xâm nhập lãnh thổ nước ta để tiến hành hoạt động khủng bố, phá hoại.
Tại Lâm Đồng, trong những năm qua cũng đã xuất hiện các vụ gửi chất bột trắng, kíp nổ, nhắn tin qua điện thoại đe doạ, khủng bố tinh thần. Trên địa bàn Tỉnh có nhiều mục tiêu mà bọn khủng bố có thể nhằm vào để thực hiện hành vi khủng bố như: cơ quan thiết yếu quan trọng của Đảng, chính quyền; người nước ngoài đến Lâm Đồng du lịch, làm việc, đầu tư làm ăn; các tượng đài; chợ trung tâm; các địa điểm du lịch vui chơi giải trí đông người…
Nhằm chủ động phòng, chống khủng bố có hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, UBND các huyện, TX Bảo Lộc, TP Đà Lạt tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các công tác sau:
I. Tư tưởng chỉ đạo
1. Cấp ủy, chính quyền các cấp; các sở, ban, ngành cần nhận thức rõ khủng bố là hoạt động có tổ chức, do cơ quan tình báo nước ngoài chỉ đạo hoặc tổ chức khủng bố quốc tế, tổ chức “tôn giáo cực đoan”, lực lượng phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài, bọn phản động trong nước hoặc bọn tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức sử dụng phương tiện: vũ khí, chất nổ, chất độc hại, lợi dụng công nghệ thông tin.
Mục tiêu tấn công nhằm vào các cơ quan Nhà nước, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam, nơi công cộng, ám sát, bắt cóc con tin, khống chế người hoặc phương tiện giao thông, phá hoại các công trình công cộng, công trình quan trọng về an ninh quốc gia (ANQG), nhằm chống lại chính quyền nhân dân, để thực hiện việc khủng bố bằng cả tư tưởng và hành động cụ thể.
2. Phòng, chống khủng bố là nhiệm vụ của toàn dân phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết và báo cáo ngay lên Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố của Chính phủ; huy động lực lượng chức năng đủ để giải quyết tình hình, kịp thời bao vây phong tỏa hiện trường, hạn chế tối đa về thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả; định hướng đưa tin theo hướng tích cực, ổn định tình hình.
3. Công tác phòng, chống khủng bố phải lấy phòng là chính, chủ động nắm tình hình, phát hiện âm mưu từ xa, từ khi có dấu hiệu; phải dự báo được tình hình có thể xảy ra để xây dựng phương án, kế hoach đấu tranh; tập trung xử lý tốt từ khi có dấu hiệu, kiên quyết không để hoạt động khủng bố xảy ra ở địa phương. Địa bàn trọng điểm cần tập trung phòng, chống là: TP Đà Lạt, TX Bảo Lộc và các công trình thiết yếu quan trọng ở các huyện.
4. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) gắn liền với phòng trào khủng bố. Tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác của cán bộ, Đảng viên, lực lượng vũ trang, nhân dân đối với âm mưu và hành vi hoạt động khủng bố. Đồng thời thúc đẩy tinh thần tự giác của mọi công dân tham gia tích cực vào công tác phòng, chống khủng bố.
II. Nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống khủng bố
1. Công an tỉnh:
a) Chủ trì, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác phòng, chống khủng bố. Ra các mệnh lệnh, quyết định theo quy định của pháp luật để xử lý các tình huống khủng bố xảy ra. Chủ trì, phối hợp với quân đội, các ban, ngành, đoàn thể nắm tình hình, phát hiện âm mưu, hành vi hoạt động khủng bố nhằm vào các mục tiêu ở Lâm Đồng; chủ động xây dựng và điều chỉnh phương án, kế hoạch đấu tranh với tội phạm này.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xuất nhập cảnh và quản lý người nước ngoài đến địa phương. Đôn đốc kiểm tra công tác phòng cháy nổ, điều tra xử lý các vụ buôn bán, tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí, chất nổ, độc hại do ngành Công an phát hiện. Nắm chắc mọi di biến động số đối tượng có hoạt động chống đối hiện hành nhằm phát hiện, ngăn chặn hoạt động khủng bố, phá hoại.
c) Huy động lực lượng, phương tiện bảo vệ an toàn tuyệt đối các đ/c lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; các đoàn khách quốc tế đến Lâm Đồng công tác, du lịch; các đ/c lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các doanh nghiệp và các công trình dự án đầu tư nước ngoài, công dân nước ngoài hoạt động trên địa bàn Tỉnh. Bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu quan trọng: công trình trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội, anh ninh-quốc phòng; cơ quan thông tin đại chúng, sân bay, tượng đài, các khu du lịch, nơi vui chơi giải trí có đông người.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án, tổ chức diễn tập xử lý các tình huống khủng bố có thể xảy ra, nhằm nâng cao kỹ năng phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành để giải quyết tốt khi có khủng bố xảy ra ở địa phương.
đ) Tổ chức tập huấn, trang bị phương tiện chuyên dùng cho lực lượng công an chuyên trách làm công tác phòng, chống khủng bố cấp tỉnh và huyện, thị, thành phố. Mua sắm phương tiện kỹ thuật về thông tin liên lạc nhằm đảm bảo cho công tác chỉ đạo, chỉ huy khi xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động khủng bố.
2. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh:
a) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch phòng, chống khủng bố ở các công trình, mục tiêu do mình quản lý. Kiểm soát chặt chẽ vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, chất độc hại theo thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan liên quan ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, chất độc hại.
b) Phối hợp với Công an tỉnh nắm tình hình về âm mưu hoạt động của các tổ chức, cá nhân có hành vi hoạt động khủng bố nhằm vào các mục tiêu ở Lâm Đồng.
c) Tổ chức huấn luyện, trang bị phương tiện cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống khủng bố, nhằm tạo ra cơ chế phối hợp chặt chẽ với Công an và các cơ quan, ban ngành khi tham gia xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động khủng bố xảy ra.
d) Phối hợp với Công an tỉnh để vô hiệu hoá, xử lý bom mìn, vật liệu nổ; bao vây, tiêu diệt bọn khủng bố khi có chủ trương.
3. Sở Công nghiệp:
a) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra phòng, chống cháy nổ ở các cơ quan, xí nghiệp có sử dụng vật liệu nổ trong hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, xây dựng công trình.
b) Kiểm soát chặt chẽ lộ trình vận chuyển, sử dụng, lưu kho vật liệu nổ của các cơ quan, xí nghiệp và hướng dẫn khắc phục những sơ hở thiếu sót nhằm chống thất thoát vật liệu nổ.
4. Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND tỉnh:
Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy trình bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các phái đoàn, tổ chức quốc tế đến làm việc và hoạt động đầu tư, liên doanh.
5. Sở Thương mại và Du lịch:
a) Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan chức năng xây dựng phương án, kế hoạch quản lý chặt chẽ, bảo vệ an toàn các hoạt động du lịch và khách du lịch, nhất là khách người nước ngoài đến địa phương.
b) Chỉ đạo các công ty du lịch xây dựng đội ngũ bảo vệ, vệ sĩ, huấn luyện kỹ năng xử lý tình huống “di chuyển khách du lịch ra khỏi khu vực nguy hiểm” khi có tình huống khủng bố xảy ra.
6. Sở Y tế:
a) Xây dựng phương án, kế hoạch diễn tập xử lý tình huống “cùng một thời điểm có nhiều người thương vong”, “người bị thương đang là con tin”.
b) Sẵn sàng huy động và đáp ứng yêu cầu về người, phương tiện để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý tác nhân độc hại, cấp cứu người bị thương, mai táng người tử vong do hoạt động khủng bố gây ra.
7. Sở Tài chính:
Căn cứ vào kế hoạch phòng, chống khủng bố của các ban ngành, các địa phương để xem xét, dự toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, nhằm bảo đảm cho các hoạt động này.
8. Các cơ quan thông tin đại chúng:
a) Sở Văn hoá Thông tin chủ trì phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lâm Đồng đưa tin theo định hướng tích cực, kịp thời trấn an dư luận, ổn định tình hình do hoạt động khủng bố gây ra.
b) Các đơn vị Bưu điện, Viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống; phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống khủng bố trên lĩnh vực thông tin liên lạc, kiểm soát chặt chẽ thư, bưu phẩm, bưu kiện để ngăn chặn các loại vũ khí, chất nổ, chất độc hại theo quy định của pháp luật.
c) Đài Phát thanh - Truyền hình phối hợp với Công an tỉnh bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu thiết yếu, quan trọng của cơ quan mình.
9. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan:
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội xây dựng và triển khai thực hiện phương án, kế hoạch phòng, chống khủng bố của cơ quan, đơn vị mình.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, TX Bảo Lộc, TP Đà Lạt:
Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chỉ đạo lực lượng Công an, Quân đội và các ban ngành chức năng của địa phương xây dựng và triển khai thực hiện công tác phòng, chống khủng bố của địa phương mình, phát động phong trào toàn dân bảo vệ “ANTQ”, tham gia công tác phòng, chống khủng bố.
III. Tổ chức thực chiện
Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, TX Bảo Lộc, TP Đà Lạt căn cứ vào tình hình, đặc điểm của cơ quan, địa phương quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố để giúp Chủ tịch UBND tỉnh và Ban chỉ đạo của Tỉnh về công tác phòng, chống khủng bố; chủ động lập kế hoạch công tác và đầu tư ttrang thiết bị, phương tiện để thực hiện có hiệu quả công tác này. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống khủng bố lên Chủ tịch UBND tỉnh và Công an tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo Công an tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.
Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả và những vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiến nghị các biện pháp xử lý./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 1996/QĐ-UBND năm 2013 kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh Bắc Kạn
- 2Quyết định 1287/QĐ-UBND năm 2016 về hợp nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố thành phố với Ban Chỉ huy khẩn nguy hàng không thành phố thành Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố và đàm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng thành phố Hải Phòng
- 3Kế hoạch 164/KH-UBND về công tác phòng, chống khủng bố năm 2021 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 1Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2Quyết định 1996/QĐ-UBND năm 2013 kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh Bắc Kạn
- 3Quyết định 1287/QĐ-UBND năm 2016 về hợp nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố thành phố với Ban Chỉ huy khẩn nguy hàng không thành phố thành Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố và đàm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng thành phố Hải Phòng
- 4Kế hoạch 164/KH-UBND về công tác phòng, chống khủng bố năm 2021 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
Chỉ thị 03/2008/CT-UBND về công tác phòng,chống khủng bố trong tình hình mới do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- Số hiệu: 03/2008/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 14/02/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: Huỳnh Đức Hòa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/02/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra