Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2007/CT-UBND

Bạc Liêu, ngày 19 tháng 10 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở TRUNG TÂM CÁC HUYỆN, THỊ VÀ KHU DÂN CƯ TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, Quyết định số 31/2006/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường từng bước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực, nhận thức về bảo vệ môi trường của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao, môi trường đô thị, các khu dân cư từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất cập cần khắc phục như: Các phương tiện, dụng cụ phục vụ cho công tác thu gom và xử lý rác thải chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở thị trấn, các xã thuộc huyện và ven thị xã; một bộ phận dân cư chưa ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường; các công trình, dự án đầu tư xây dựng, các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng trong quá trình hoạt động, thi công làm phát tán chất thải gây ô nhiễm môi trường; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở chăn nuôi tập trung, bệnh viện và cơ sở y tế tư nhân chưa chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường (không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường và không nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định).

Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở trung tâm các huyện, thị xã và khu dân cư tập trung. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị cho các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị và các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, các ngành chức năng liên quan chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quản lý tiến hành quy hoạch, xây dựng bãi rác tập trung ở địa phương theo đúng quy định của Chỉ thị số 16/1998/CT-UBND ngày 10 tháng 9 năm 1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh về những biện pháp cấp bách trong công tác quản lý chất thải rắn ở thị trấn, thị xã và các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng như các yêu cầu về kỹ thuật xây dựng và bảo vệ môi trường theo luật định. Đối với nước thải từ bãi rác phải được thu gom và xử lý bằng công nghệ thích hợp, đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường và không làm phát tán mùi hôi cũng như các tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường:
- Tiến hành xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các bãi rác tập trung đã quá tải, không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật xây dựng, bảo vệ môi trường và không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư;

- Quy hoạch, cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống thoát nước, hệ thống cây xanh ở trung tâm các huyện, thị xã và khu dân cư tập trung, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nhằm góp phần bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Riêng các kênh, rạch, cống rãnh và ao tù nước đọng trên địa bàn thị trấn, thị xã và khu dân cư phải thường xuyên được khơi thông tạo dòng chảy hoặc có biện pháp cải tạo, xây dựng thành hệ thống kín vừa phục vụ tiêu thoát nước ở thị trấn, thị xã và khu dân cư, vừa góp phần bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị, khu dân cư. Đối với lượng bùn thải được thu gom từ hầm tự hoại, trạm xử lý nước cấp, nước thải và từ hoạt động sên vét, cải tạo trên phải được xử lý triệt để không để phát tán gây ô nhiễm môi trường;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi quản lý và thẩm quyền của địa phương theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

2. Các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và chỉ khi nào báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận mới được triển khai hoạt động.

3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở chăn nuôi tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân và các mô hình sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn tỉnh đang hoạt động mà chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy định, từ nay đến cuối năm 2007 phải tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường tại cơ sở, đơn vị mình. Tùy theo loại hình, quy mô hoạt động và mức độ tác động đến môi trường mà có phương án xử lý sao cho phù hợp, bảo đảm đến năm 2010 phải hoàn thành việc xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở trên.

4. Các dự án đầu tư xây dựng, các công trình giao thông và các phương tiện giao thông, vận tải trong quá trình hoạt động, thi công phải đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường cũng như thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo không để phát tán chất thải cũng như các tác nhân gây tác động xấu đến môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư trong khu vực.

5. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình hoạt động có trách nhiệm thực hiện và đảm bảo các yêu cầu cần thiết để thu gom, xử lý chất thải đúng quy định ở địa phương, nơi cư trú; chấp hành và nộp phí bảo vệ môi trường đúng quy định của pháp luật.

6. Sở Công nghiệp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm đối với hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa có biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời có biện pháp, chế tài để tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến 2010 và tầm nhìn 2020. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đầu tư thay đổi máy móc thiết bị, khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, các mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở, chuồng trại chăn nuôi tập trung nằm trong khu dân cư không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường nhằm góp phần bảo vệ môi trường và tình trạng dịch bệnh bùng phát có nguy cơ gây lây sang người như dịch cúm gia cầm. Trong đó, việc xả nước thải vào hệ thống thủy lợi phải được kiểm soát và quản lý chặt chẽ không để gây tác động xấu làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, canh tác ở khu vực lân cận. Quy hoạch, xây dựng và phát triển các mô hình cấp nước sạch tập trung, nhất là ở các khu dân cư xa trung tâm thị trấn, thị xã và vùng đồng bào dân tộc Khơmer để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống người dân, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên nước ngầm.

8. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải,... vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng như các hoạt động khác có ảnh hưởng đến môi trường, nhất là công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải và có biện pháp chế biến thành sản phẩm hữu ích phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

9. Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo Tổ kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường theo Quyết định số 505/QĐ-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với hoạt động giao thông vận tải và xây dựng, đặc biệt là đối với hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng, các dự án đầu tư xây dựng, công trình giao thông trong quá trình thi công, hoạt động, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

10. Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bạc Liêu chỉ đạo phát hành các ấn phẩm, tờ rơi, áp phích và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung về bảo vệ môi trường cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; có biện pháp phối hợp và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động và phát động rộng rãi các hoạt động bảo vệ môi trường trong lực lượng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn thể cộng đồng xã hội, từng bước tiến tới xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ theo hướng bền vững.

11. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm theo quy định không dưới 1% tổng chi ngân sách của tỉnh cho từng cấp theo quy định của Nghị quyết số 41/NQ-TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Kế hoạch số 62/KH-TU ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Tỉnh ủy và Quyết định số 10/2005/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh để Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và các nội dung theo tinh thần Chỉ thị này; có biện pháp vận động, tranh thủ các nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, nguồn vốn ODA,... để phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

12. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các hoạt động sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi quản lý và thẩm quyền theo luật định. Tiến hành sửa đổi, bổ sung Quy chế Bảo vệ môi trường tỉnh Bạc Liêu cho phù hợp với xu thế phát triển chung; có kế hoạch hướng dẫn thực hiện và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.

13. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 62/KH-TU ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Tỉnh ủy, Quyết định số 10/2005/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 31/2006/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị và các đơn vị, cơ sở có liên quan triển khai thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc để Ủy ban nhân dân tỉnh có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời./.

 

 

TM. UBNDTỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Hoàng Bê

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/2007/CT-UBND về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ở trung tâm các huyện, thị và khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

  • Số hiệu: 03/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/10/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
  • Người ký: Phạm Hoàng Bê
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/10/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản