Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN TÂN BÌNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2007/CT-UBND

Tân Bình, ngày 10 tháng 7 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN

Thực hiện Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy chế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao”; thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; trong thời gian qua Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo các ngành xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quận như: công tác thông tin, tuyên truyền kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm đến từng hộ dân, các hộ kinh doanh thực phẩm thuộc 10 nhóm có nguy cơ cao; triển khai cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo thẩm quyền; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cần sự quan tâm, phối hợp của các cấp các ngành để ngăn chặn triệt để ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn tập thể trong các trường học, các hộ kinh doanh ăn uống trong các chợ, đường phố…; bên cạnh đó, tiến độ thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm rất chậm, không đạt yêu cầu chung.

Căn cứ Chỉ thị số 16/2007/CT-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; nhằm tập trung thực hiện một số công tác cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Tân Bình, Ủy ban nhân dân quận yêu cầu các ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân 15 phường triển khai thực hiện ngay một số nội dung sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về việc sử dụng và bảo quản thực phẩm thông qua các buổi sinh hoạt Tổ dân phố, bản tin hàng tháng của phường, lồng ghép đưa vào nội dung vận động thực hiện tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, công sở văn minh - sạch đẹp - an toàn; hướng dẫn và gửi thông báo trực tiếp đến từng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm biết và thực hiện các nội dung về cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp cung cấp thông tin cần thiết về các cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Tổ chức các lớp tập huấn các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ, công chức đang thực hiện công tác quản lý Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đảm bảo tất cả các đối tượng có liên quan đều hiểu và có ý thức chấp hành nghiêm các quy định.

3. Phối hợp kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, việc sản xuất kinh doanh rau quả; không để bày bán và kinh doanh các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Ban Quản lý các chợ thường xuyên kiểm tra, sắp xếp khu vực kinh doanh các ngành hàng thực phẩm trong chợ, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các khu vực kinh doanh, chế biến thức ăn ngay. Vận động tiểu thương có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, để rác đúng nơi quy định.

5. Chỉ đạo, giám sát việc tổ chức bếp ăn tập thể và các căn-tin trong các trường học; từng bước nâng cấp, thay thế trang thiết bị cũ để thực hiện quy trình bếp ăn một chiều; thường xuyên kiểm tra, kiểm nghiệm nguồn nước, hạn chế tối đa việc sử dụng nước giếng ngầm chưa qua xử lý để đun nấu thực phẩm. Đến ngày 31 tháng 12 năm 2007, đảm bảo 100% bếp ăn tập thể tại các trường đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

6. Phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo thẩm quyền. Thủ trưởng các đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường hoàn toàn chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra ngộ độc thực phẩm theo phân cấp quản lý.

Phòng Kinh tế phối hợp với Công an quận, Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa…; tổ chức tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm thực phẩm không đạt tiêu chuẩn.

7. Phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng Nội vụ nghiên cứu, đề xuất vấn đề tăng đầu tư về ngân sách, nhân lực, trang thiết bị nhằm đáp ứng các yêu cầu cơ bản để kiểm soát và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

8. Tiếp tục khẩn trương thực hiện và hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất - chế biến - kinh doanh thực phẩm thuộc 10 nhóm nguy cơ cao thuộc diện quản lý của quận, 15 phường, đảm bảo hoàn tất vào ngày 31 tháng 12 năm 2007.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực phối hợp tham gia các cuộc vận động tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, đoàn viên, hội viên hiểu biết đầy đủ và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện tốt quyền tự chọn lựa sản phẩm thực phẩm cho người tiêu dùng, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

10. Chế độ báo cáo: định kỳ 6 tháng yêu cầu các đơn vị và Ủy ban nhân dân 15 phường báo cáo kết quả và tình hình thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm gửi về Phòng Y tế (phối hợp Trung tâm Y tế Dự phòng) để tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân quận và thành phố.

Yêu cầu Thủ trưởng các ban ngành, đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Thái Thị Dư