Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 19 tháng 02 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM XÂM HẠI TÌNH DỤC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Hiện nay, xâm hại tình dục đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội. Hậu quả của vấn đề này đã gây ra những tổn thương hết sức nghiêm trọng và lâu dài cả về thể chất lẫn tinh thần đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là trong các vụ bạo lực xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo thống kê, từ năm 2013 đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 60 vụ xâm hại tình dục (trong đó có 35 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi), các vụ việc này đã được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Công an tỉnh

- Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao hiểu biết về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng; để từ đó, giúp họ nâng cao ý thức phòng, chống loại tội phạm này, cũng như có biện pháp phòng ngừa và bảo vệ trước những nguy cơ bị xâm hại tình dục.

- Chủ động trong công tác nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em; có kế hoạch quản lý chặt chẽ số đối tượng có tiền án, tiền sự về xâm hại tình dục; thanh, thiếu niên hư hỏng, có lối sống không lành mạnh, lệch chuẩn là những đối tượng có nguy cơ thực hiện hành vi phạm tội xâm hại tình dục.

- Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tiến hành điều tra, xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật các hành vi xâm hại tình dục; chủ động rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đang tồn đọng; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý các vụ xâm hại tình dục.

- Đối với các vụ xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra, cần tập trung lực lượng xác minh, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, khởi tố điều tra, kết luận; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

2. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân

- Thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, bảo đảm việc điều tra được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật; tiếp nhận hồ sơ các vụ án để truy tố. Việc truy tố phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

- Chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân huyện, thành phố tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ xâm hại tình dục; rà soát hồ sơ các vụ xâm hại tình dục để xử lý dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài.

3. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh

Thực hiện chức năng xét xử và chỉ đạo Tòa án nhân dân huyện, thành phố tiếp nhận, xét xử các vụ xâm hại tình dục, bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 07/6/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

- Đôn đốc, kiểm tra các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em và kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị xâm hại.

- Công bố rộng rãi để người dân biết về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em (số điện thoại 111 - Tổng đài của Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và số điện thoại đường dây nóng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi (02553.712.567) để tất cả cá nhân, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin hoặc tố giác các hành vi xâm hại tình dục).

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục mở rộng mạng lưới bảo vệ trẻ em từ cấp cơ sở đến phạm vi toàn tỉnh; đôn đốc UBND huyện, thành phố rà soát, kiện toàn, củng cố “Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em” theo quy định tại Khoản 2 Điều 94 của Luật Trẻ em.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em; rà soát các tiêu chuẩn trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; tăng cường giáo dục kiến thức giới tính và kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại tình dục cho giáo viên, sinh viên và học sinh; chủ động phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại tình dục để kịp thời thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra, xử lý các vụ việc xâm hại tình dục xảy ra.

- Tăng cường theo dõi, giáo dục, uốn nắn các học sinh có biểu hiện chán học, ham chơi; tạo môi trường lành mạnh, phong phú, tạo nguồn cảm hứng cho các em học tập.

6. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về giám định pháp y đối với các trường hợp bị xâm hại tình dục, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho các trường hợp bị xâm hại tình dục, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an để kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ y tế nhằm bảo vệ chứng cứ, tránh làm mất dấu vết của tội phạm.

7. Sở Tư pháp

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý cho những trường hợp phụ nữ thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý, trẻ em bị xâm hại sức khỏe, tình dục nhằm bảo đảm quyền lợi cho họ trong quá trình tham gia các hoạt động điều tra, xử lý vụ việc liên quan trước pháp luật.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong việc chia sẻ thông tin để tuyên truyền, giáo dục pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; các biện pháp, cách thức phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em để gia đình, nhà trường, cộng đồng hiểu rõ quyền, trách nhiệm của mình trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đối với trẻ em; đồng thời, để chính các em được trang bị những kiến thức cơ bản về tự bảo vệ mình trước nguy cơ xâm hại tình dục.

9. Sở Nội vụ

- Phối hợp với Công an tỉnh kịp thời đề xuất UBND tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục địa bàn tỉnh.

- Theo chức năng, phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan của tình thực hiện hiệu quả các mặt công tác thanh niên nhằm phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh.

10. Sở Tài chính

Cân đối ngân sách, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ cấp kinh phí, bảo đảm phục vụ triển khai tốt công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

Tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ phụ nữ và trẻ em; tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

12. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

- Tổ chức vận động hội viên tích cực tham gia vào các hoạt động chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước những hành vi xâm hại sức khỏe và tình dục. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho phụ nữ, trẻ em nữ về sức khỏe sinh sản và các kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.

- Thực hiện tốt Đề án 938 của Thủ tướng Chính phủ về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”.

- Phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp số 10/CTrPH-HLHPN-CA-VKSND-TAND, ngày 22/10/2019 về công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2019 - 2020.

13. UBND các huyện, thành phố

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng xâm hại tình dục, nâng cao nhận thức cho Nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em có khả năng nhận diện, đề phòng cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em; có biện pháp hỗ trợ vật chất cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ phụ nữ và trẻ em nhằm bảo đảm cho họ có đầy đủ điều kiện để phát triển về thể chất và tinh thần. Đồng thời, chủ động phát hiện, cung cấp thông tin về những hành vi xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng để cơ quan chức năng kịp thời xử lý nghiêm những hành vi xâm hại tình dục trước pháp luật.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn kiện toàn, củng cố “Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em cấp xã”, “Nhóm Thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã” theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 2805/LĐTBXH-TE, ngày 15/7/2019 và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh lại Công văn số 4582/UBND-VX, ngày 15/8/2019 về đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.

- Tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật trẻ em và các văn bản hướng dẫn, ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại tình dục.

- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc để xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục xảy ra trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý, hỗ trợ, can thiệp kịp thời.

- Xây dựng cơ chế hoạt động và bố trí nguồn kinh phí phù hợp với từng địa phương để bảo đảm việc hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần đối với những phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng như kịp thời động viên, giúp đỡ đối với những trường hợp bị xâm hại tình dục.

Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- V01, C02 - Bộ Công an;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- VKSND, TAND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các sở, ban, ngành và hội, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Quảng Ngãi; Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi;
- VPUB: CVP, PCVP, KGVX, CBTH;
- Lưu: VT, NCbdv40.

CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2020 về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 02/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/02/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Trần Ngọc Căng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/02/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản