Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Cà Mau, ngày 13 tháng 7 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Trong những năm qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả nhất định, ngày càng bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung cơ bản của pháp luật về hộ tịch.

b) Hướng dẫn phòng Tư pháp các huyện, thành phố, công chức tư pháp - hộ tịch các xã, phường, thị trấn tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời những sai sót, hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ.

d) Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch trên địa bàn tỉnh, nhằm cập nhật đầy đủ kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chống mọi biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu.

đ) Triển khai sử dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp trên địa bàn tỉnh bảo đảm hiệu quả, thực hiện kết nối phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung vào Hệ thống NGSP (Hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin giữa Trung ương và địa phương); kịp thời cập nhật quyết định công bố thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp về lĩnh vực hộ tịch.

2. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã; có kế hoạch đào tạo đội ngũ này đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch nhằm đảm bảo chất lượng để thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho việc cấp sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch, trang bị cơ sở vật chất từng bước hiện đại để phục vụ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

4. Các cơ quan báo, đài

Đẩy mạnh phổ biến Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thông qua hệ thống Đài truyền thanh, truyền hình đến người dân trên địa bàn tỉnh; sắp xếp thời lượng, bố trí chuyên trang, chuyên mục về pháp luật, phát sóng vào khung giờ phù hợp nhằm phát huy hiệu quả việc tuyên truyền pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch đến các tổ chức và nhân dân.

5. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh

Trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau

a) Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật về hộ tịch nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân trên địa bàn hiểu đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình trong việc đăng ký hộ tịch. Chủ động phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn.

b) Thực hiện đăng ký các sự kiện hộ tịch theo thẩm quyền, việc giải quyết phải bảo đảm đúng hoặc trước thời hạn; quản lý, sử dụng Sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định.

c) Bố trí công chức làm công tác hộ tịch đảm bảo số lượng, tiêu chuẩn và trình độ, nhất là công chức làm công tác tiếp nhận, hướng dẫn hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

d) Bố trí kinh phí, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.

đ) Chỉ đạo, thanh, kiểm tra công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã, có giải pháp hiệu quả chấn chỉnh những hạn chế, sai sót; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

7. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

a) Tổ chức thực hiện tốt công tác đăng ký hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; việc giải quyết phải kịp thời đúng hoặc trước thời hạn; quản lý, sử dụng Sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định. Ứng dụng hiệu quả Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp, nhất là trong việc quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cấp bản sao trích lục hộ tịch theo quy định.

b) Trên cơ sở biên chế được giao và yêu cầu công việc sắp xếp, bố trí công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc đăng ký hộ tịch bảo đảm về số lượng, tiêu chuẩn quy định.

c) Bố trí kinh phí, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn.

d) Chọn các hình thức phù hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch cho cộng đồng dân cư hiểu đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình trong việc đăng ký hộ tịch, nhằm bảo đảm cho các sự kiện hộ tịch phát sinh ở địa phương được đăng ký kịp thời, đúng quy định.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giao Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để chỉ đạo./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Hồng Quân