Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 02/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 01 năm 1990

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN NĂM 1989 ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT KINH DOANH THÀNH PHỐ VÀ QUẬN HUYỆN.

Căn cứ văn bản số 3032/UB ngày 24 tháng 8 năm 1988 của Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn thực hiện quyết định 217/HĐBT ngày 14/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng về “các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với các xí nghiệp quốc doanh”.
Căn cứ văn bản số 3606/UB-TM ngày 01/10/1988 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc nộp lợi nhuận theo Thông tư 12/TC-CN ngày 25/3/1988 của Bộ Tài chánh;
Tiếp theo Chỉ thị số 41/CT-UB ngày 31/10/1989 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc giải quyết vốn cho một số đơn vị sản xuất kinh doanh cho 2 tháng cuối năm 1989 và bảo đảm cân đối thu chi ngân sách năm 1989 của thành phố ;
Để phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố bảo đảm cho đơn vị sản xuất kinh doanh có hiệu quả trong tình trạng thiếu vốn lưu động, đồng thời bảo đảm thực hiện tốt chế độ phân phối lợi nhuận năm 1989; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1/ Các đơn vị kinh tế cơ sở căn cứ vào tổng số lợi nhuận thực hiện có phân tích cụ thể lợi nhuận vượt kế hoạch và lợi nhuận trong kế hoạch để thực hiện việc bổ sung vốn lưu động thiếu theo Chỉ thị 41/CT-UB ngày 31/10/1989 của Ủy ban nhân dân thành phố, phân phối các quỹ và nộp ngân sách theo quy định cho từng ngành tại Thông tư số 12/TC-CN ngày 25/3/1988 của Bộ Tài chánh, cụ thể như sau:

a) Khi xác định mức độ hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh để làm căn cứ trích lập các quỹ, phải loại trừ ảnh hưởng của yếu tố giá cả thay đổi. Khoản chênh lệch giá vật tư hàng hóa tồn kho được để lại bổ sung vốn lưu động thiếu của xí nghiệp.

b) Lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch.

- Được để lại bổ sung vốn lưu động thiếu của xí nghiệp.

- Trường hợp các xí nghiệp có xin giảm, miễn mức thu quốc doanh, nếu lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch thì xí nghiệp phải tính toán lại tỷ lệ thu quốc doanh và nộp theo quy định từ nguồn lợi nhuận vượt kế hoạch này, phần còn lại (nếu có) được bổ sung vốn lưu động thiếu của xí nghiệp.

c) Lợi nhuận thực hiện trong kế hoạch.

Toàn bộ lợi nhuận thực hiện trong kế hoạch (kể cả sản xuất chính và sản xuất phụ) được thực hiện theo Thông tư 78-TC/CN ngày 31/12/1987 và Thông tư số 12/TC-CN ngày 25/3/1988 của Bộ Tài chánh.

2/ Khoản lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch và khoản chênh lệch giá vật tư, hàng hóa tồn kho chỉ được dùng để bổ sung vốn lưu động thiếu của xí nghiệp; xí nghiệp có trách nhiệm hạch toán ghi tăng vốn lưu động đầy đủ. Trường hợp xí nghiệp thừa vốn, sở ngành chủ quản có kế hoạch thống nhất với cơ quan tài chánh cùng cấp thực hiện việc điều hòa từ nơi thừa sang nơi thiếu đối với các đơn vị trực thuộc ngành mình quản lý. Việc ghi chép sổ sách kế toán được thực hiện theo đúng chế độ quy định.

3/ Nhằm hỗ trợ thiết thực cho các ngành giáo dục, y tế, các lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn trong công tác và đời sống, trước mắt thành phố điều tiết như sau:

Lợi nhuận để lại xí nghiệp được trích cho quỹ khuyến khích phát triển sản xuất tối thiểu là 35% và không hạn chế mức tối đa, phần còn lại được dùng để lập hai quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi. Nếu tổng số trích vào 2 quỹ (quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi) bình quân đầu người cán bộ công nhân viên trong danh sách thực tế làm việc trong cả năm 1989 vượt quá 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng), thì số vượt này được phân phối như sau:

a) 50% để lại trích lập các quỹ xí nghiệp do Giám đốc và tập thể lao động xí nghiệp quyết định phân chia các quỹ.

b) 50% nộp vào ngân sách thành phố cụ thể:

- Nộp vào TK 660, chương, loại, khoản, hạng theo xí nghiệp đang sử dụng, mục 11 “thu khác của xí nghiệp quốc doanh” (đối với xí nghiệp quốc doanh do thành phố quản lý).

- Nộp vào TK 680, chương, loại, khoản, hạng theo xí nghiệp đang sử dụng, mục 11 “thu khác của xí nghiệp quốc doanh” (đối với xí nghiệp quốc doanh do quận huyện quản lý).

4/ Các đơn vị thực hiện khoán nộp ngân sách cũng thực hiện chính sách điều tiết theo như quy định nêu trên.

5/ Đối với các đơn vị sự nghiệp kinh tề có thu (xí nghiệp tự chi) nếu có nguồn từ khoản chênh lệch lấy thu bù chi để trích lập quỹ khen thưởng và phúc lợi tối đa không quá 150.000 đồng (một trăm năm mươi ngàn đồng) cho một công nhân viên chức tính bình quân số công nhân viên chức trong danh sách thực tế làm việc cả năm 1989.

6/ Đơn vị có kế hoạch lỗ được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt, được dùng nguồn lợi nhuận điều hòa trong ngành để trích 2 quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi tối đa không quá 50.000 đồng (năm mươi ngàn đồng) tính bình quân số công nhân viên chức trong danh sách thực tế làm việc cả năm 1989.

7/ Ngoài ra đối với các đơn vị có phần lợi nhuận để lại xí nghiệp quá ít cũng được trích bổ sung thêm từ nguồn lợi nhuận nộp ngân sách cho 2 quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi tối đa không quá 50.000 đồng (năm mươi ngàn đồng) tính bình quân số công nhân viên chức trong danh sách thực tế làm việc cả năm 1989. Số còn lại được nộp vào ngân sách.

8/ Trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm tra, hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách Nhà nước năm 1989 của xí nghiệp được cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp đề nghị, cơ quan tài chánh cùng cấp duyệt cho các xí nghiệp được tạm trích trước 70% mức trích lập 3 quỹ xí nghiệp cả năm (căn cứ vào lợi nhuận thực hiện và nghĩa vụ nộp ngân sách trong năm 1989).

9/ Đối với các xí nghiệp không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh nộp ngân sách năm 1989 thì phần lợi nhuận để lại xí nghiệp sẽ bị phạt giảm trừ 2% tổng mức trích vào 3 quỹ xí nghiệp cho mỗi % không hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh (kể cà phạt do vi phạm chế độ, chính sách quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước), đến mức tối thiểu 50.000 (năm mươi ngàn đồng) cho 2 quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi tính bình quân đầu người của cán bộ công nhân viên chức thực tế có mặt cả năm 1989.

10/ Các Chi nhánh ngân hàng Nhà nước và ngân hàng chuyên doanh chỉ giải quyết việc rút tiền thưởng từ lợi nhuận của các xí nghiệp khi đã có xét duyệt của cơ quan tài chánh các cấp.

Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, khó khăn, các ngành, các xí nghiệp phản ánh kịp thời để Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố có ý kiến chỉ đạo giải quyết.-

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực HĐND.TP
- Thường trực UBND.TP
- Ban Kinh tế Thành ủy
- Các Sở, Ban, Ngành TP
- UBND các Quận, Huyện
- VPUB (TM)
- Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Hữu Nhơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT-UB năm 1990 về việc thực hiện chế độ phân phối lợi nhuận năm 1989 đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh thành phố và quận huyện do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 02/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/01/1990
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Vương Hữu Nhơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản