Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 41/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 10 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VỐN CHO MỘT SỐ ĐƠN VỊ SẢN XUẤT, KINH DOANH CHO 2 THÁNG CUỐI NĂM 1989 VÀ BẢO ĐẢM CÂN ĐỐI THU CHI NGÂN SÁCH NĂM 89 CỦA TP.

Để thực hiện Nghị quyết Thành ủy lần thứ 11 ngày 27 tháng 9 năm 1989, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 1989 với mức bằng mức thực hiện năm 1988 (khoảng 42 tỷ đến 43 tỷ theo giá cố định 82) đồng thời để bảo đảm cân đối thu chi ngân sách thành phố năm 1989 trong hoàn cảnh khó khăn và với thời gian còn lại chỉ 2 tháng; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :

I- GIẢI QUYẾT VỐN VỚI LÃI SUẤT QUY ĐỊNH CHO NHỮNG ĐƠN VỊ SẢN XUẤT KINH DOANH CÓ HIỆU QUẢ :

1/ Được sự thỏa thuận của Ngân hàng Nhà nước khu vực I và với sự tích cực năng động của Ngân hàng Công thương thành phố trong vòng 7 ngày đầu tháng 11, Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp xét và giải quyết vốn vay cần thiết với lãi suất quy định cho một số đơn vị sản xuất kinh doanh. Các đơn vị thuộc Sở Công nghiệp và các đơn vị thuộc khối phân phối lưu thông thành phố đã trình kế hoạch vay vốn bổ sung lên Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 25 tháng 10 năm 1989 thì sang Ngân hàng Công thương thành phố lập thủ tục vay ngay để kịp đưa vào sản xuất kinh doanh. Các đơn vị thuộc khối khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, xuất nhập khẩu… Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giải quyết trong 5 ngày đầu tháng 11.

2/ Trước đây do tình hình khó khăn chung về vốn và tiền mặt, Ngân hàng Công thương thành phố buộc phải cho một số đơn vị sản xuất kinh doanh quốc doanh vay tín dụng với lãi suất thỏa thuận; kể từ 1 tháng 11 năm 1989 Ngân hàng Công thương thành phố điều chỉnh số tiền vay nói trên vào khung lãi suất quy định cho các đơn vị nói trên.

3/ Đi đôi với việc tích cực giải quyết vốn vay của Ngân hàng, Sở Tài chánh chủ động thực hiện việc thu ngân sách kịp thời và phải hết sức chú trọng bổ sung vốn tự có cho các đơn vị; lợi nhuận vượt kế hoạch năm 1989 để lại 100% số vượt cho đơn vị, chênh lệch giá để lại 100% cho đơn vị bổ sung vốn tự có.

- Những đơn vị hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách năm 1989, nếu có nhu cầu được ngân sách dành lại 25% số nộp ngân sách để cho vay theo lãi suất quy định của ngân hàng.

- Những đơn vị nộp ngân sách vượt kế hoạch, ngoài khoản để lại cho vay nói trên, được ngân sách dành lại 60% số nộp vượt để cho vay lại với lãi suất ưu đãi 2%/tháng.

Ngoài ra để chuẩn bị kế hoạch năm 1990, Sở Tài chánh nghiên cứu hình thức bổ sung thêm vốn tự có cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhằm tăng nhanh nguồn vốn thực có cho các đơn vị của thành phố vì hiện nay vốn lưu động thực có của các đơn vị thành phố chỉ đạt mức 32% định mức vốn lưu động 1989 trong khi đó các đơn vị trung ương trên địa bàn thành phố đã đạt mức 79%.

4/ Trong khi các đơn vị từ trung ương đến địa phương trên địa bàn thành phố đều gặp khó khăn về vốn thì thực tế tài sản lưu động và hàng hóa tồn kho của các đơn vị đều rất lớn (các đơn vị trung ương: định mức VLĐ 489 tỷ thì tài sản lưu động: 726 tỷ - Các đơn vị thành phố: định mức VLĐ 241 tỷ thì tài sản lưu động: 210 tỷ). Vì vậy các đơn vị phải tích cực khẩn trương giải tỏa phần tồn đọng này để có vốn cho sản xuất, kinh doanh. Cũng từ kiểm tra đánh giá xem xét lại tài sản lưu động tồn kho từ đó rút ra những kết luận cần thiết về sản xuất hàng hóa, về hình thức, phương thức kinh doanh cho năm 1990, vì xét về thực chất thiếu vốn là một hiện trạng nhưng chưa phải là nguyên nhân cơ bản hay nguyên nhân chủ yếu đối với sản xuất kinh doanh trong năm qua. Yêu cầu Ban chỉ đạo Tổng kiểm kê tài sản cố định năm 1989 hướng dẫn các đơn vị tiến hành kiểm kê và phân tích số tài sản lưu động hiện có của đơn vị và báo cáo Ban chỉ đạo.

II- VỀ CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH:

Để thực hiện được thăng bằng ngân sách thành phố năm 1989, bảo đảm cơ bản được các khoản chi theo kế hoạch và có gối đầu một ít sang năm 1990; cần thực hiện tích cực những việc như sau:

a) Các huyện ngoại thành đặc biệt là Củ Chi, Thủ Đức, Bình Chánh phải thực hiện kỳ được thuế nông nghiệp – Hiện tổng số nợ thuế nông nghiệp (sau quyết toán 1988 và đã xóa nợ) là 13.676 tấn (mới thu được 423 tấn/14.099 tấn). Trong đó Củ Chi nợ 5.617 tấn, Thủ Đức 3.126 tấn, Bình Chánh 2.901 tấn, Hóc Môn 977 tấn).

Cần làm cho cán bộ và nhân dân thấy được sự quan tâm của thành phố trong bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp từ nước, điện, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu; đặc biệt năm nay thành phố đã phát động toàn dân xây dựng nhà tình nghĩa. Riêng Củ Chi đã ngót 3 tỷ đồng. Phải khơi dậy trong cán bộ và dân tinh thần trách nhiệm làm tròn nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Có vậy mới cân đối được một phần cho ngân sách huyện, giảm bớt khó khăn chung cho ngân sách thành phố.

b) Về thuế công thương nghiệp: Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Chi cục thuế đã có những văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện chống thất thu thuế trên toàn thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân quận, huyện, các sở ngành nghiêm chỉnh chấp hành đặc biệt là trên lãnh vực thuế đối với hợp tác xã tín dụng, vàng bạc, sử dụng tay nghề… quận huyện nào cố tình cản trở việc thu thuế, che chắn cho các đối tượng chịu thuế sẽ bị xử lý kỷ luật.

Mặt khác, không được vì chạy theo chỉ tiêu mà điều chỉnh tràn lan. Chi cục thuế phải uốn nắn những lệch lạc, của một số cán bộ thuế để ổn định cho người mua bán nhỏ đồng thời phải kiên quyết thu đủ, thu đúng với những đối tượng đáng thu. Phải truy thu hết số nợ thuế của những đối tượng này, sử dụng các hình thức phạt thuế với những phần tử ngoan cố.

c) Có một số khoản thu, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo cân đối giữa thành phố và từng quận huyện như lệ phí giao thông, thuế Công thương nghiệp, trước bạ, thổ trạch… yêu cầu sở Tài chánh thực hiện việc điều phối để kịp thời hỗ trợ cho ngân sách quận huyện; đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện các khoản chi lớn, nhất là xây dựng cơ bản, lệ phí giao thông, y tế để tránh tình trạng chi không kịp thời trong lúc cơ sở hạ tầng ở thành phố đang xuống cấp nghiêm trọng.

d) Đến nay còn một số đơn vị chưa nộp thu quốc doanh và trích nộp lợi nhuận vào ngân sách thành phố. Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có trách nhiệm đôn đốc nộp ngay số còn nợ ngân sách. Sở Tài chánh kiểm tra và có thông báo số nợ trên cho từng đơn vị.

đ) Nhiệm vụ thu ngân sách 2 tháng còn lại của năm 1989 hết sực nặng nề, bình quân tháng gấp hơn 3 lần so với 9 tháng đầu năm; Sở Tài chánh phải có kế hoạch và biện pháp kiên quyết trong cả đôn đốc thu và đáp ứng nhu cầu chi thật tích cực, chủ động, đồng bộ. Giám đốc, thủ trưởng sở ngành, các đơn vị kinh tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện cần nhận rõ tính khẩn trương, cấp bách và hết sức quan trọng của việc thực hiện ngân sách năm nay, từ đó phối hợp chặt chẽ với ngành tài chánh bảo đảm hoàn thành thắng lợi kế hoạch ngân sách của năm 1989 tạo cơ sở cho kế hoạch tài chánh năm 1990.

Được chỉ thị này các ngành sở, quận huyện phải làm thông suốt cho các đơn vị liên quan và cần có kế hoạch cụ thể để thực hiện đạt kết quả theo yêu cầu. Quá trình thực hiện có khó khăn các đơn vị cần kịp thời báo cáo để Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Khắc Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 41/CT-UB năm 1989 về việc giải quyết vốn cho một số đơn vị sản xuất, kinh doanh cho 2 tháng cuối năm 1989 và bảo đảm cân đối thu chi ngân sách năm 1989 của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 41/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/10/1989
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Khắc Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản