Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2010/CT-UBND

Bến Tre, ngày 10 tháng 5 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGƯỜI VÀ TÀU CÁ TỈNH BẾN TRE HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THUỶ SẢN TRÊN CÁC VÙNG BIỂN

Trong thời gian qua các hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển của ngư dân Bến Tre đã và đang có chiều hướng phát triển tốt theo các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp tiếp tục khai thác thuỷ sản trái phép trên vùng biển của các nước trong khu vực và đã bị lực lượng chức năng của nước ngoài bắt giữ, mặc dù các cơ quan và chính quyền địa phương đã tuyên truyền, giáo dục và xử lý…. Việc làm này đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngư dân, ảnh hưởng đến công tác ngoại giao của quốc gia.

Để quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển (sau đây gọi tắt là tàu cá), góp phần giảm thiểu những thiệt hại, không làm ảnh hưởng đến công tác đối ngoại với các nước trong khu vực. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre chỉ thị:

1. Tất cả tàu cá phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về đăng ký, đăng kiểm định kỳ để được cấp phép hoạt động; phải trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ thông tin liên lạc, bảo hộ… theo quy định.

Chủ tàu cá phải thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng lao động với người lao động và đăng ký sử dụng lao động với cơ quan lao động tại địa phương, áp dụng các chế độ cho người lao động theo quy định của Bộ luật lao động và Luật Thuỷ sản.

Từ nay đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2010 tất cả các chủ tàu cá hoạt động khai thác thuỷ sản xa bờ phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động và đăng ký sử dụng lao động với cơ quan lao động tại địa phương; Đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2011 tất cả chủ tàu cá phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động; Sau thời hạn quy định nêu trên, nếu chủ tàu cá nào không thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về lao động.

Tất cả thuyền trưởng/chủ tàu cá phải ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác thuỷ sản theo quy định.

2. Nghiêm cấm người dân và tàu cá hoạt động khai thác thuỷ sản trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước ngoài; Nếu vi phạm và bị nước ngoài bắt giữ thì chủ phương tiện ngoài việc bị xử lý theo quy định của nước sở tại còn phải chịu chi phí đưa thuyền viên về nước và bị xử lý theo quy định khác của pháp luật Việt Nam; Trường hợp vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, mà tự ý thỏa thuận chuộc hoặc mua tàu về trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

3. Thuyền trưởng, chủ tàu cá cần nắm chắc tọa độ đường ranh giới biển khi đưa tàu cá hoạt động ở những vùng giáp ranh với nước ngoài; Thường xuyên thông tin về vị trí tàu đang hoạt động cho lực lượng biên phòng nắm để được hướng dẫn khi cần thiết; Trường hợp tàu cá đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà bị các lực lượng của nước ngoài khống chế, bắt giữ hoặc có hành vi vi phạm khác, thì thông báo ngay cho các cơ quan chức năng của Việt Nam biết để có biện pháp hỗ trợ xử lý kịp thời. Trường hợp tàu cá khai thác thuỷ sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và bị nước ngoài bắt giữ thì thuyền trưởng và máy trưởng không được thuê, nhờ người khác đứng ra nhận thay là thuyền trưởng, máy trưởng.

4. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, nội dung để tuyên truyền cho ngư dân.

b. Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm tàu cá và cấp phép khai thác thuỷ sản theo đúng quy định, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tuyệt đối không cho tàu cá không đủ điều kiện an toàn theo quy định ra khơi hoạt động.

c. Nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích ngư dân tổ chức sản xuất trên biển theo hình thức tổ, đội; Phối hợp với địa phương vận động ngư dân tổ chức sản xuất theo hình thức tổ, đội và hỗ trợ kỹ thuật nâng cao hiệu quả hoạt động tổ, đội khai thác thuỷ sản.

d. Xây dựng dự án quản lý hoạt động tàu cá trên biển bằng hệ thống thông tin địa lý.

đ. Chủ trì phối hợp các cơ quan tập huấn cho cơ sở thu mua sản phẩm thuỷ sản khai thác, chủ tàu và thuyền trưởng các quy định về truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Giám đốc Sở Tư pháp kịp thời có kế hoạch để phối hợp, hỗ trợ cho các cơ quan chức năng xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực quản lý hoạt động nghề cá trên biển, đặc biệt là hoạt động đánh bắt xa bờ; Đưa nội dung tuyên truyền về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản vào chương trình pháp luật và đời sống trên sóng đài Truyền hình.

6. Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình thường xuyên phổ biến nội dung Chỉ thị này trên sóng phát thanh và truyền hình; Xây dựng chuyên mục truyền hình về các quy định có liên quan đến quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản, đặc biệt là tác hại của việc đưa tàu cá đi khai thác vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác.

7. Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân các quy định trong việc sử dụng lao động, cũng như những lợi ích từ việc ký kết hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động; Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện ký kết hợp đồng lao động giữa chủ tàu cá và thuyền viên như đã nêu tại khoản 3 Chỉ thị này.

8. Giám đốc Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và các ngành chức năng liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp đưa tàu cá khai thác thuỷ sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

9. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyệt đối không cho tàu cá không đủ điều kiện an toàn theo quy định ra biển hoạt động; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức cho chủ tàu cá và thuyền trưởng ký cam kết không đưa tàu cá đi khai thác thuỷ sản ở vùng biển nước ngoài (khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác thuỷ sản ngoài vùng biển Việt Nam) theo Thông tư số 63/2009/TT-BNN ngày 25 tháng 9 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thực hiện Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển; Đồng thời xử lý nghiêm những người và phương tiện hoạt động khai thác thuỷ sản vi phạm Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển; Nghị định số 129/2006/NĐ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Chủ trì phối hợp cùng các ngành có liên quan trong việc nắm bắt, tổng hợp thông tin và hỗ trợ ngư dân khi có tàu bị lực lượng nước ngoài khống chế, bắt giữ.

10. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:

a. Chủ trì tổ chức phổ biến nội dung Chỉ thị này đến ngư dân có tàu khai thác thuỷ sản thuộc địa bàn quản lý.

b. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chủ quyền vùng biển và những quy định của pháp luật có liên quan để mọi người dân biết và thực hiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nội dung tuyên tuyền phải thiết thực, phong phú, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, thông qua nhiều hình thức: trên các phương tiện truyền thanh, panô, áp phích, tờ rơi, họp dân, sinh hoạt tổ nhân dân tự quản.

c. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng củng cố các tổ, đội khai thác thuỷ sản, đội tàu xung kích tìm kiếm cứu nạn trên biển hiện có; đồng thời vận động ngư dân tổ chức sản xuất theo hình thức tổ, đội.

d. Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh nếu để tàu cá trên địa bàn mình quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần phát triển tốt quan hệ ngoại giao của quốc gia với các nước trong khu vực, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị và định kỳ 6 tháng tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi chỉ đạo.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- Bộ NN và PTNT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- VP Tỉnh ủy và các Ban Đảng;
- Các sở, ngành tỉnh liên quan;
- Sở Tư pháp (để tự kiểm tra);
- Công báo tỉnh;
- Phòng Tiếp dân (niêm yết);
- TT. HĐND, UBND các huyện, thị có tàu KTTS;
- Phòng TH, KTN;
-Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/2010/CT-UBND tăng cường công tác quản lý người và tàu cá tỉnh Bến Tre hoạt động khai thác thuỷ sản trên vùng biển

  • Số hiệu: 02/2010/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/05/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Cao Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản